Theo báo Tiền Phong, chiều 12/9, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tổ chức Hội nghị tổng kết năm học 2021-2022 và triển khai các nhiệm vụ trọng tâm năm học 2022-2023 khối Giáo dục đại học. Một trong những vấn đề được quan tâm nhất hiện nay là vấn đề học phí của các trường đại học.
Báo Lao động cho hay, liên quan đến vấn đề học phí, tại hội nghị trực tuyến tổng kết năm học, bàn phương hướng nhiệm vụ năm học mới, khối giáo dục đại học vừa diễn ra mới đây, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn cho biết, quan điểm của Chính phủ là: Nghị định 81 quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập; giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo cần có sự điều chỉnh cho phù hợp với thực tiễn khó khăn vì ảnh hưởng của dịch bệnh.
Bộ GD&ĐT trình một vài phương án nhưng khả năng cao chủ trương của Chính phủ là giữ ổn định mức học phí như năm 2021. Tinh thần chỉ đạo là hệ thống giáo dục cần chia sẻ với người dân và xã hội trong tình hình kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn.
“Bộ GD&ĐT lưu ý cả hệ thống giáo dục ĐH công lập là khả năng rất cao, về cơ bản không tăng học phí, giữ nguyên mức của năm 2021. Đó là chủ trương của Chính phủ”, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nói.
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn khẳng định với tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, các trường phải có tinh thần chia sẻ với xã hội, với người dân, trong tình hình kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn.
Trước đó, hàng loạt trường đại học từ công lập tự chủ đến chưa tự chủ đều điều chỉnh học phí tăng lên theo khung của Nghị định 81. Trong đó, khối trường tự chủ và trường Y dược tăng mạnh từ 30% đến 70% mức học phí.
Theo Đề án tuyển sinh đại học của Trường Đại học Y Hà Nội năm 2022, mức học phí đào tạo đại học chính quy theo Nghị định 81/2021/NĐ-CP và theo Quyết định tự chủ của Trường Đại học Y Hà Nội khi đề án tự chủ được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Cụ thể, khối ngành y dược (Y khoa, Răng hàm mặt, Y học cổ truyền và Y học dự phòng): 24.500.000 đồng/năm học/sinh viên.
Khối ngành sức khỏe (Điều dưỡng, Dinh dưỡng, Khúc xạ nhãn khoa, Kỹ thuật xét nghiệm y học và Y tế công cộng): 18.500.000 đồng/năm học/sinh viên.
Điều dưỡng chương trình tiên tiến: 37.000.000 đồng/năm học/sinh viên.
Tại Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, mức học phí các ngành Y khoa, Dược học, Răng - Hàm - Mặt đã tăng lên 44,3 triệu đồng. Ngành Điều dưỡng, Dinh dưỡng, Kỹ thuật xét nghiệm y học, Kỹ thuật hình ảnh y học, Khúc xạ nhãn khoa, Y tế công cộng cũng tăng học phí từ 28 triệu đồng (năm 2021) lên 41 triệu đồng.
Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch lưu ý, học phí trên chưa bao gồm 02 học phần bắt buộc, Giáo dục thể chất và Giáo dục Quốc phòng – An ninh được thu theo quy định hiện hành.
Theo thông báo của Trường Đại học Luật TP.HCM, mức thu học phí đối với sinh viên chính quy trình độ đại học (khóa tuyển sinh năm 2022) được trường đưa ra cao hơn những năm trước.
Cụ thể, ngày 2/8, Trường Đại học Luật TP. HCM công bố điểm sàn xét tuyển theo kết quả thi tốt nghiệp THPT kèm thông báo về mức học phí áp dụng cho khóa 47 (tuyển sinh năm 2022) cùng lộ trình tăng học phí tới năm học 2025-2026.
Ngành có mức học phí cao nhất là Hệ chất lượng cao ngành Luật, giảng dạy bằng tiếng Anh với 165 triệu cho năm học 2022-2023. Theo thông báo của trường, học phí Khóa 47 áp dụng từ năm học 2022-2023 đến 2025-2026. Như vây, Hệ chất lượng cao ngành Luật, giảng dạy bằng tiếng Anh có học phí cao nhất, lên đến 765,9 triệu cho cả khóa.
Trong khi đó, Hệ đại trà có mức học phí thấp nhất cho Khóa 47 là 151 triệu đồng, áp dụng với các ngành luật, luật thương mại quốc tế, quản trị kinh doanh.
Bình luận
TVQuản trị viênQuản trị viên
Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm