Theo danh sách bầu Thành viên Hội đồng quản trị (HĐQT) tại Đại hội đồng cổ đông sẽ diễn ra vào ngày 20.4, ông Đỗ Quang Hiển và con trai cả của ông Hiển là ông Đỗ Quang Vinh, Phó tổng giám đốc SHB cũng xuất hiện trong danh sách này.
Tuy nhiên, việc ông Hiển có ở lại làm Chủ tịch HĐQT SHB nhiệm kỳ sắp tới hay không còn phụ thuộc vào lá phiếu của các cổ đông.
Ông Đỗ Quang Hiển buộc phải lựa chọn giữa vị trí Chủ tịch SHB hoặc Chủ tịch T&T.
Theo luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi năm 2017, chủ tịch HĐQT, tổng giám đốc (giám đốc) của tổ chức tín dụng không được đồng thời là chủ tịch HĐQT, thành viên HĐQT, tổng giám đốc (giám đốc), phó tổng giám đốc (phó giám đốc) hoặc các chức danh tương đương của doanh nghiệp khác. Do vậy, bầu Hiển chắc chắn sẽ phải lựa chọn một trong 2 chiếc ghế chủ tịch, hoặc tại T&T, hoặc tại SHB.
Do trước thời điểm luật sửa đổi có hiệu lực, SHB đã bầu xong thành viên HĐQT nhiệm kỳ mới, vì vậy, ông Hiển vẫn đang đương nhiệm cả chức Chủ tịch SHB lẫn Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn T&T Group cho đến hết nhiệm kỳ.
Được biết, Ngân hàng Nhà nước cũng đã đồng ý với danh sách dự kiến bầu thành viên HĐQT của SHB (gồm 7 thành viên) như SHB đã công bố. Và nhiều khả năng, nếu được Đại hội đồng cổ đông thông qua, ông Hiển sẽ tiếp tục ở lại SHB để giữ chức Chủ tịch HĐQT.
Ngoài sự quan tâm đến bầu Hiển, sự xuất hiện của cậu cả Bùi Quang Vinh cũng gây chú ý đối với nhà đầu tư. Nếu được đại hội thông qua, ông Đỗ Quang Vinh sinh năm 1989, con trai ông Đỗ Quang Hiển, sẽ là thành viên trẻ nhất trong HĐQT ngân hàng SHB. Ông Vinh , đồng thời là một trong những người trẻ tuổi nhất được tham gia vào HĐQT của một ngân hàng tại Việt Nam.
Mới đây SSI Research công bố dự báo lợi nhuận ngân hàng, trong đó đánh giá rất cao SHB. Trung tâm nghiên cứu thuộc Công ty chứng khoán SSI ước tính tốc độ tăng lợi nhuận của SHB đạt 92% để cán mốc lợi nhuận trong quý 1/2022 là 3.200 tỉ đồng. Kết quả này nhờ tăng trưởng tín dụng 5% và tăng trưởng tiền gửi 2,5% so với đầu năm. Tỷ lệ nợ xấu ở mức 1,5% trong khi biên lãi ròng (NIM) ước tính ổn định.
Trước đó, nhà băng này đặt mục tiêu tăng trưởng 87% lợi nhuận trong năm 2022, ghi danh vào “câu lạc bộ” ngân hàng lợi nhuận trên chục nghìn tỉ đồng.
Theo số liệu Báo cáo tài chính năm 2021 đã được kiểm toán bởi KPMG, tính đến ngày 31.12.2021, tổng tài sản của SHB đạt 506.600 tỉ đồng, tăng 23% so với cuối năm 2020. Vốn tự có theo chuẩn Basel II đạt 53.231 tỉ đồng. Vốn điều lệ đạt 26.674 tỉ đồng, hoàn thành kế hoạch đã đề ra. Huy động vốn thị trường 1 đạt 379.000 tỉ đồng, tăng 12%; dư nợ cấp tín dụng đạt 369.000 tỉ đồng, tăng 16% so với năm 2020.
Bên cạnh đó, SHB kiểm soát chặt chẽ chi phí hoạt động, đưa tỷ lệ chi phí hoạt động trên tổng thu nhập thuần (CIR) xuống 24,22%, là một trong số các ngân hàng TMCP kiểm soát chi phí tốt nhất. Năm 2021, SHB đã thu hồi nợ và trích lập dự phòng để tất toán toàn bộ trái phiếu VAMC và Vinashin trước thời hạn. Lợi nhuận trước thuế của SHB đạt mức 6.260 tỉ đồng, tăng 91% so với cùng kỳ. Tỷ lệ chi trả cổ tức năm 2021 bằng cổ phiếu dự kiến là 15%.
Mặc cho kết quả hoạt động kinh doanh tăng trưởng đột biến, song nghịch lý với SHB là giá cổ phiếu lại liên tục lao dốc. Cụ thể, giá cổ phiếu SHB giảm từ mức hơn 25.400 đồng vào cuối năm 2021 xuống còn 19.450 đồng phiên giao dịch cuối tuần qua (15.4), tương đương mức giảm hơn 23,4%.
Bình luận
TVQuản trị viênQuản trị viên
Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm