"Thằng Cười" là vở nhạc kịch được chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của đại văn hào Victor Hugo dưới lời kể của những học sinh tới từ Trường phổ thông liên cấp Olympia. Vở diễn đã gây ra nhiều sự ngạc nhiên cho khán giả ngay trong buổi công diễn đầu tiên vào 6/4 và đến bây giờ, ekip đang chuẩn bị cho đêm diễn thứ 3 trong tháng.
Nancy Phạm - đạo diễn và chuyển thể của vở diễn này không phải một người làm nghề chuyên nghiệp mà là một học sinh trung học đầy cá tính và bản lĩnh. Cô bạn chia sẻ, để có được vở nhạc kịch “Thằng Cười” trên sân khấu bản thân Nancy và ekip đã mất rất nhiều thời gian, tâm huyết, rất nhiều sự tập luyện nghiêm túc và chỉn chu.
Khác với những năm trước, dự án nhạc kịch tại Trường Phổ thông Liên cấp Olympia năm nay chuyển thành một hoạt động học tập liên môn chính thức của Nhà trường và Câu lạc bộ nghệ thuật, yêu cầu các học sinh muốn tham gia phải trải qua quy trình tuyển chọn gắt gao. Không ai được "chọn thẳng". Bản thân Nancy cũng phải casting rất nghiêm túc. "Bọn em phải nộp đơn, viết kịch bản mẫu, phỏng vấn rồi thuyết trình với thầy cô. Tất cả đều rất bài bản.", Nancy chia sẻ. Và rồi, từ chính sự chuẩn bị chu đáo và tâm huyết ấy, cô được chọn vào vị trí đạo diễn – người dẫn dắt toàn bộ dự án.
Không dừng lại ở chỉ đạo, Nancy còn là đồng tác giả kịch bản – một bản dựng mới hoàn toàn bằng tiếng Anh, với rất nhiều chi tiết được sáng tạo thêm, như việc "David là người bắt cóc" – điều không có trong nguyên tác.
Đạo diễn tuổi teen cùng những trưa không ngủ và phần thưởng xứng đáng
"Bọn em gần như không có buổi ngủ trưa nào cả", Nancy chia sẻ. Từ việc dịch lời bài hát, viết thoại, dựng cảnh đến hướng dẫn từng bạn diễn viên, cô đều tham gia sát sao. "Có bạn em phải diễn mẫu để bạn ấy hình dung được cần biểu cảm thế nào".
Được biết, Nancy là một học sinh khá toàn diện, với khả năng sử dụng Tiếng Anh thông thạo và là một trong số ít học sinh cấp 3 có điểm Ielts 8.0. Vì vậy, tiếng Anh chưa bao giờ là trở ngại với em - Thử thách lớn nhất, như Nancy chia sẻ có lẽ chính là phần âm nhạc và kỹ năng quản trị dự án. Vở diễn không có bản nhạc kịch tiếng Anh chính thức, nên toàn bộ phần lời hát, nhạc nền, phối khí… đều phải làm mới. Nancy làm việc sát cánh cùng cô giáo âm nhạc Lan Phương và giám đốc âm nhạc Lương – những người cô mô tả là "thức đến 1-2 giờ sáng để làm nhạc cho kịp hôm sau tập".
"Em bảo bạn bè đến xem, nói thật là không xem thì phí lắm, nhưng em chỉ rủ thế thôi, ai đến thì đến" – Nancy cười hồn nhiên. Nhưng khi nhận được lời khen từ một phụ huynh mà... chưa từng xem vở kịch, Nancy cảm thấy xúc động. "Bác ấy nghe bạn kể lại rằng vở rất hay. Với em, thế là đủ hạnh phúc rồi".
Sự đón nhận của khán giả lớn đến mức Ban giám hiệu đề nghị ê-kíp biểu diễn thêm suất thứ ba – Tại sân khâu chuyên nghiệp bậc nhất, Nhà hát lớn Thành Phố Hà Nội - một điều không hề dễ nhưng chắc chắn đầy tự hào với một dự án học sinh thực hiện hoàn toàn.
Tự học đạo diễn từ… phim ảnh
Nancy chưa từng được đào tạo bài bản về sân khấu. Ngoài một vài workshop về ngôn ngữ hình thể và diễn xuất, phần lớn kinh nghiệm đạo diễn của cô đến từ việc... xem phim. "Bố mẹ em còn hay đùa: Việc học cấp ba nhiều bài vở thế, mà dán mắt vào phim", cô kể. Nhưng chính những thước phim ấy giúp cô tích lũy kỹ năng, quan sát và cảm nhận nhịp điệu sân khấu, cách kể chuyện.
Từ lần đầu xem vở The Lion, The Witch and The Wardrobe hồi còn nhỏ, Nancy đã bị cuốn hút bởi thế giới nhạc kịch. Năm lớp 10, cô tham gia ban viết và diễn một vở chèo - tuồng trong dự án liên môn – đó là cú hích đầu tiên để Nancy "phải làm cho bằng được" khi nhận cơ hội với "Thằng Cười".
Dù rất yêu nghệ thuật, Nancy không có ý định chọn con đường chuyên nghiệp. "Em sợ nếu lấy nghệ thuật làm nghề chính, em sẽ mất đi đam mê", cô thành thật. Hiện tại, cô đang định hướng học ngành kinh tế – kinh doanh, nhưng sẽ tiếp tục giữ nghệ thuật như một phần không thể thiếu của cuộc sống.
Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là Nancy ngừng mơ mộng: "Em mong một ngày có thể đầu tư để đưa nhạc kịch đến gần hơn với công chúng Việt Nam – có một không gian kiểu Broadway ở đây nữa thì tuyệt vời biết mấy!".
Ở tuổi 17, Nancy Phạm không chỉ là một đạo diễn học đường. Cô là đại diện cho một thế hệ tuổi trẻ đang dần trưởng thành, dù trong lĩnh vực nào cũng đầy bản lĩnh, sáng tạo và đầy khát vọng. Không cần sân khấu lớn hay danh tiếng hào nhoáng, chỉ cần một đốm lửa đủ cháy trong tim – và Nancy, rõ ràng, đang giữ ngọn lửa ấy sáng rực từng ngày.
"Thằng Cười" (nguyên tác The Man Who Laughs của Victor Hugo) là câu chuyện về Gwynplaine, một chàng trai có nụ cười vĩnh viễn do bị biến dạng khuôn mặt từ bé. Anh lưu lạc cùng bé gái mù Dea và người bảo hộ Ursus, sống bằng nghề biểu diễn rong. Dù mang gương mặt khiến người ta cười, Gwynplaine lại mang trái tim nhân hậu và khao khát được sống thật với cảm xúc của mình. Câu chuyện đặt ra những câu hỏi sâu sắc về bản chất con người, lòng trắc ẩn và những phán xét dựa trên bề ngoài.
Bình luận
TVQuản trị viênQuản trị viên
Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm