Cao điểm, có ngày bảo tàng đón lượng khách kỷ lục lên tới khoảng 40.000 người. Nếu nhìn vào con số thống kê này mà so sánh, thì gần bằng những ngày đông khách nhất tại Bảo tàng Louvre (Pháp) năm 2019, với 45.000 lượt người. Việc thu hút lượng người đến một bảo tàng ở Hà Nội đông “kỷ lục” như vậy, có thể nói là đáng mừng.
Nhưng trong sự vui mừng ấy, đáng buồn là nhiều người thiếu ý thức khi đến với một nơi cần sự nghiêm ngắn như Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam.
Ở thời buổi phong trào check-in đang nở rộ khắp nơi, thì việc người ta đến bảo tàng để check-in, chụp ảnh đăng mạng xã hội cũng là bình thường. Giới trẻ có đến đông để quay TikTok đưa lên mạng xã hội cũng không có gì phải chê trách.
Chỉ đáng chê, đáng trách khi các hành vi vượt quá quy định của Bảo tàng đưa ra.
Chẳng hạn như cách đây ít ngày, dư luận dậy sóng về một cô gái trèo lên nóc Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam để tạo dáng quay phim, chụp ảnh. Đoạn clip sau khi đưa lên mạng xã hội đã thu hút sự quan tâm của dư luận. Trong những ngày đầu mới mở cửa, không chỉ mình cô gái trên, một số người khác cũng đã leo lên nóc Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam để chụp ảnh check-in.
Ngay khi phát hiện sự việc, phía Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam cho biết tất cả các lối lên không thuộc khu vực mở cửa trưng bày đã được chăng dây, đặt rào chắn và có biển thông báo “Không phận sự miễn vào”.
Từ phía bảo tàng, do mới đi vào hoạt động nên không tránh khỏi những sơ sót, vì thế mới có “kẽ hở” để một số người lợi dụng mà leo lên nóc nhà, hay đu bám, sờ vào hiện vật, leo trèo lên hiện vật trưng bày để chụp ảnh… Hiện nay, nhiều biện pháp đã được bảo tàng thắt chặt, ngăn chặn những hành vi không đáng có từ phía khách tham quan bảo tàng.
Trước những hành vi quá lố của một số khách tham quan, đa số ý kiến đã chỉ trích hành động leo lên nóc bảo tàng, hay đu bám vào hiện vật…
Có ý kiến cho rằng điều này bộc lộ lối sống “phông bạt” của một số người trẻ khi bất chấp sự an toàn, bất chấp quy định để cố tình tìm góc quay lạ nhằm câu view. Bên cạnh đó, một số phụ huynh cho con đu bám vào xe tăng cũng cho thấy ý thức chưa tuân thủ các quy định ở bảo tàng. Một tài khoản trên mạng xã hội đã bức xúc: “Đã vào bảo tàng lịch sử mà từ cha mẹ đến trẻ nhỏ đều vô ý thức. Cha mẹ là người lớn biết suy nghĩ, đi tham quan những nơi như vậy mà ý thức bằng 0 thì làm sao con trẻ nên người?”.
Bảo tàng là nơi trưng bày các hiện vật, trong đó có rất nhiều hiện vật quý, có giá trị lịch sử cần phải gìn giữ. Bảo tàng cũng là nơi để nhắc nhở người ta nhớ về cội nguồn lịch sử dân tộc. Đến bảo tàng đông là điều tốt, nhưng đến bảo tàng chỉ để thỏa mãn cái tôi cá nhân là điều không nên.
Từ câu chuyện trên, đã tới lúc gia đình, nhà trường cần dạy cho con trẻ một số kỹ năng khi đến bảo tàng, nơi công cộng. Nếu gia đình thi thoảng cho con đi xem triển lãm, đến với bảo tàng, hẳn các con sẽ có thêm những kỹ năng ứng xử cần thiết. Nếu nhà trường thay vì tổ chức những buổi dã ngoại rình rang, lặp lại hình thức và tốn kém mà đưa trẻ đến với bảo tàng, triển lãm… chắc chắn sẽ giúp cho trẻ hiểu hơn về lịch sử và văn hóa dân tộc. Thói quen nên được hình thành ngay từ nhỏ, thay vì để mạng xã hội dẫn dắt hàng ngày…
Bình luận
TVQuản trị viênQuản trị viên
Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm