1. Bát nháo “ma trận” thuốc Đông y trên mạng xã hội.
Trong vài năm trở lại đây, trên mạng xã hội facebook, youtube xuất hiện tràn lan các video quảng cáo Đông y lừa đảo với motip “nhà tôi 3 đời” chữa khỏi đủ các loại bệnh mạn tính như xương khớp, dạ dày, đại tràng… thậm chí cả các bệnh nan y như ung thư, tiểu đường…
Với những cam kết bất chấp sự thật như “khỏi 100%", "khỏi hẳn sau 20 ngày", "không khỏi hoàn lại tiền”..., các quảng cáo này khiến nhiều bệnh nhân bị lừa, nhất là những người cao tuổi, ít hiểu biết.
Các quảng cáo này tạo dựng niềm tin bằng cách cắt ghép, dàn dựng hình ảnh bác sĩ, lương y khám bệnh với logo của đài truyền hình TW khiến người bệnh không phân biệt được thật giả. Có những quảng cáo tự quay dựng, rồi ghép logo của nhà đài vào để người xem tưởng đây là do nhà đài sản xuất.v
Lại có những quảng cáo sử dụng chính các phóng sự, phỏng vấn của đài truyền hình sau đó lồng ghép hình ảnh chuẩn bị sẵn vào để quảng cáo. Một số thầy thuốc, nghệ sĩ cho biết hình ảnh của họ đã bị cắt ghép trong các video này mà không xin phép.
Những video quảng cáo lừa đảo nói trên thường sử dụng từ “lương y gia truyền", thổi phồng khả năng chữa bệnh của bản thân, công dụng của sản phẩm, bệnh gì nặng đến mấy cũng khỏi từ béo phì, tim mạch, xương khớp, tiêu hóa… cho tới những bệnh nan y như gan mật, tiểu đường, ung thư… đi kèm với cam kết khủng như “100% chữa khỏi dứt điểm”, "không khỏi hoàn lại tiền”...
Tuy nhiên, địa chỉ của những vị “lương y gia truyền” này thường không có mà chỉ có số điện thoại liên hệ mua thuốc mà không cần thăm khám.
2. Mua “niềm tin” của khách hàng bằng danh tiếng của KOLs.
Bên cạnh việc cắt ghép, sử dụng trái phép các nội dung, phóng sự, logo của các nhà đài, một số cá nhân, tổ chức còn thuê KOLs nhằm PR cho sản phẩm của mình. Bác sĩ, nghệ sĩ, diễn viên, MC...thường được thuê quảng cáo bởi đây là những người nổi tiếng, có ảnh hưởng tới cộng đồng.
Sự có mặt của họ trong các video, clip quảng cáo như là “bảo chứng” cho chất lượng sản phẩm. Rất nhiều người ”cắn răng” chi tới vài triệu để mua một liệu trình vì tin rằng sản phẩm do nghệ sĩ, diễn viên nổi tiếng quảng cáo thì dĩ nhiên phải tốt, nhưng sự thật thì hoàn toàn ngược lại.
Mới đây hàng loạt nghệ sĩ nổi tiếng quảng cáo sai sự thật, lừa đảo cho các sản phẩm kém chất lượng đã bị phanh phui gây, bức xúc cho dư luận. Đơn cử MC Q.L đã phải lên tiếng xin lỗi người hâm mộ, khán giả khi mà trong một clip nghệ sĩ này giới thiệu và dùng thử, quảng cáo cho một sản phẩm không đúng sự thật.
Trong một video, nghệ sĩ Q.T quay livestream để “bật mí bí kíp” điều trị bệnh gút của mình là viên sủi. Diễn viên P.O xuất hiện trong clip quảng cáo sản phẩm “đặc trị hôi nách”, nhưng đây chỉ là thực phẩm “hỗ trợ cải thiện tình trạng ra nhiều mồ hôi”. Diễn viên T.H. thường xuyên livestream quảng cáo kem dưỡng da; ca sĩ Đ.T., nghệ sĩ V.D… quảng cáo thực phẩm chức năng hỗ trợ giảm béo, ung thư dạ dày, u xơ, u nang, viêm họng...
Nghệ sĩ H.V cũng đã phải gửi lời xin lỗi tới khán giả vì quảng cáo sai sự thật, nghệ sĩ này quảng bá sản phẩm có tác dụng làm nhỏ khối u, đánh bay u xơ, u nang mà không cần phẫu thuật tuy sản phẩm này chỉ là thực phẩm bảo vệ sức khỏe, không phải là thuốc có thể chữa bệnh.
Trên thực tế chất lượng của nhiều sản phẩm không “thần kỳ” như các nghệ sĩ miêu tả, quảng cáo một cách thái quá, thổi phồng công dụng, trái với nội dung trong các giấy công bố sản phẩm, giấy phép quảng cáo; không những gây thiệt hại về kinh tế cho các nạn nhân mà một số sản phẩm thậm chí còn gây hại nghiêm trọng tới sức khỏe của người tiêu dùng.
3. Hậu quả khi tin vào quảng cáo sai sự thật, bệnh nhân tiền mất tật mang.
Tin vào quảng cáo Đông y sai sự thật, lừa đảo, rất nhiều người dân, nhất là người cao tuổi đã mua sản phẩm dẫn tới những hậu quả không đáng có. Có rất nhiều sản phẩm được quảng cáo, cam kết rất hoành tráng nhưng chất lượng sản phẩm không được đảm bảo, nhiều sản phẩm tác dụng không rõ rệt hoặc hoàn toàn vô dụng. Dù cam kết hoàn lại tiền nhưng khi bệnh nhân khiếu nại đều không có phản hồi, bệnh nhân chỉ đành “ngậm bồ hòn làm ngọt” coi như là bài học đắt giá cho bản thân của mình.
Mỗi tháng, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung Ương có khoảng 20 bệnh nhân nhập viện trong tình trạng suy thận, suy gan, men gan tăng cao, vàng da, vàng mắt, thậm chí có trường hợp suýt ngừng tim vì sử dụng thuốc Đông y không rõ nguồn gốc.
Một số cơ sở thuốc Đông y đã trộn tân dược vào để cho tác dụng nhanh hơn bất chấp nguy hiểm cho bệnh nhân. Chẳng hạn, "xương khớp gia truyền” hay được trộn thêm corticoid vào. Corticoid là nhóm hoạt chất chống viêm, giảm đau rất tốt, nên khi dùng sản phẩm trộn chất này ban đầu bệnh nhân sẽ giảm viêm, đau rất nhanh nên nghĩ sản phẩm có hiệu quả do đó phấn khởi mua thêm.
Tuy nhiên, việc sử dụng sản phẩm trộn corticoid trong thời gian dài có thể gây suy tuyến thượng thận, tăng huyết áp, đái tháo đường, viêm loét dạ dày tá tràng....làm cho bệnh nhân ngày càng suy kiệt.
Phenformin, một chất đã bị cấm, được trộn vào các sản phẩm gắn mác Đông y trị tiểu đường cũng là một vấn đề đáng báo động trong thời gian gần đây vì dùng lâu dài các sản phẩm Đông y trộn chất này gây ra hậu quả nghiêm trọng cho sức khoẻ người dùng, thậm chí đã có vài trường hợp tử vong.
Thuốc Đông y được biết đến từ ngàn năm như là một liệu pháp tự nhiên, an toàn, phù hợp với cơ địa của người Việt và hiệu quả đối với nhiều căn bệnh, đặc biệt là các bệnh mạn tính lâu năm.
Tuy nhiên không phải cứ sản phẩm Đông y là đảm bảo chất lượng, khi mà thị trường tràn lan các sản phẩm tác dụng không rõ rệt, sản xuất ra chỉ với mục đích kiếm tiền chứ không phải chữa bệnh, các sản phẩm trôi nổi, không rõ nguồn gốc.
Người dân chỉ nên tin tưởng, lựa chọn những sản phẩm đã có thương hiệu, uy tín, có nguồn gốc từ những công ty, phòng khám uy tín sản xuất, bào chế để có được hiệu quả thực sự.
Bình luận
TVQuản trị viênQuản trị viên
Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm