Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh Anadolu
Các động thái ban đầu của chính quyền Trump đã vấp phải phản ứng trái chiều từ các đồng minh và giới phân tích, trong bối cảnh học thuyết "Nước Mỹ trên hết" đang một lần nữa chi phối chính sách ngoại giao của Mỹ, theo Anadolu.
Căng thẳng thương mại và trật tự toàn cầu
Một trong những động thái nổi bật nhất là việc ông Trump áp dụng thuế quan quy mô lớn: 10% với mọi hàng nhập khẩu, 25% với hàng hóa từ Canada và Mexico, và lên tới 245% đối với hàng Trung Quốc.
Dù sau đó ông tạm dừng áp thuế vượt mức 10% trong vòng 90 ngày để đàm phán, các mặt hàng chiến lược như ô tô, thép và nhôm vẫn bị đánh thuế cao, gây xáo trộn thị trường toàn cầu.
Chuyên gia Rich Outzen từ Hội đồng Đại Tây Dương nhận xét rằng, chính quyền Trump đã thể hiện rõ ràng lập trường mạnh mẽ, quyết liệt trong chính sách đối ngoại: "Ông ấy đã truyền đạt một cách tiếp cận cứng rắn đối với an ninh và thương mại, hướng đến mục tiêu chấm dứt chiến tranh nhưng không ngại sử dụng vũ lực".
Trong khi đó, học giả Yasir Atalan từ Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) đánh giá chính quyền Trump đã phá vỡ trật tự toàn cầu do phương Tây dẫn dắt.
"Chính quyền Trump đã phá vỡ trật tự thế giới hiện tại. Ý tưởng về một trật tự thế giới toàn cầu dựa trên luật lệ, lấy phương Tây làm trung tâm, nơi Mỹ đầu tư mạnh vào các đồng minh và đối tác của mình, đã bị phá vỡ", ông Atalan nhấn mạnh.
Nga - Ukraine: Hòa bình thông qua ngoại giao
Ông Trump từng cam kết sẽ kết thúc chiến tranh Ukraine trong vòng 24 giờ sau khi nhậm chức. Từ khi lên nắm quyền, ông đã chuyển hướng chính sách từ cô lập sang đối thoại trực tiếp với Tổng thống Nga Vladimir Putin, đồng thời vận động Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky và các nước châu Âu hướng tới một thỏa thuận hòa bình.
Dù các cuộc đàm phán tại Paris và Ả Rập Saudi đã đưa ra đề cương cho một thỏa thuận ngừng bắn, nhưng Ngoại trưởng Marco Rubio cảnh báo Mỹ có thể rút lui nếu các cuộc đàm phán hòa bình không đạt được tiến triển.
Ông Trump cũng được cho là đã trao cho Nga một nhượng bộ lớn khi loại bỏ khả năng Ukraine gia nhập NATO – một điểm mấu chốt trong xung đột hiện nay.
Gaza và Trung Đông
Ngay trước khi nhậm chức, ông Trump đã can thiệp để thúc đẩy một thỏa thuận ngừng bắn giữa Israel và Hamas, dẫn đến thỏa thuận kéo dài 6 tuần vào ngày 19/1. Tuy nhiên, thỏa thuận sụp đổ sau khi Israel nối lại tấn công ngày 18/3, khiến hơn 1.500 người thiệt mạng và phong tỏa hoàn toàn nguồn viện trợ vào Gaza.
Gây tranh cãi hơn, ông Trump còn đề xuất biến Gaza thành "Riviera của Trung Đông", một kế hoạch cải tạo khu vực gắn với việc di dời hơn 2 triệu người Palestine, vấp phải sự phản đối gay gắt từ cộng đồng quốc tế.
Mặc dù vậy, giới phân tích cho rằng, ông Trump đã dồn nhiều nỗ lực và nguồn lực để chấm dứt xung đột tại Gaza và Ukraine. Tuy nhiên, học giả Atalan cảnh báo: "Nếu không đầu tư nghiêm túc vào giải pháp hai nhà nước, xung đột Israel - Palestine sẽ tiếp diễn".
Quan hệ với Iran và chuyến công du Trung Đông sắp tới
Ông Trump đã mở lại kênh đàm phán trực tiếp với Iran, với ba vòng đối thoại đã diễn ra. Ông ký sắc lệnh tái áp dụng chính sách "gây áp lực tối đa" nhằm kiềm chế xuất khẩu dầu mỏ của Iran, song cũng mở đường cho Iran giữ chương trình hạt nhân dân sự nếu từ bỏ làm giàu uranium.
Ông dự kiến sẽ có chuyến công du Trung Đông đầu tiên từ ngày 13–16/5, ghé thăm Ả Rập Saudi, Qatar và UAE.
Quan hệ với Thổ Nhĩ Kỳ: Dấu hiệu cải thiện
Ông Trump cũng tăng cường tiếp xúc với Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan, với hai cuộc điện đàm sau bầu cử và trong tháng 3. Cả hai bên đang thảo luận khôi phục vai trò của Thổ Nhĩ Kỳ trong chương trình F-35 và giải quyết bất đồng liên quan đến các lệnh trừng phạt CAATSA của Mỹ.
Giới phân tích đánh giá rằng mối quan hệ cá nhân giữa ông Trump và ông Erdogan có thể mang lại kết quả tích cực, đặc biệt khi vấn đề Syria đã bớt căng thẳng.
Bình luận
TVQuản trị viênQuản trị viên
Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm