Mức giá chào sàn của VNZ được xem như cao nhất trên thị trường UPCoM trong nhiều năm trở lại đây. Tạm tính với mức giá tham chiếu 240.000 đồng/cổ phiếu, giá trị vốn hóa của VNG khoảng 8.600 tỷ đồng, tương đương hơn 360 triệu USD. Quy mô vốn hóa này của VNG cách xa mức định giá được đưa ra trước đó.
Theo World Startup Report, năm 2014 VNG được định giá 1 tỷ USD và trở thành kỳ lân đầu tiên của Việt Nam. Trước đó các tổ chức cũng trả mức giá khá cao để sở hữu cổ phần của kỳ lân này.
Cuối tháng 3/2019, VNG thông báo bán ra 355.820 cổ phiếu quỹ với giá lên đến 1.861.800 đồng/cp cho Seletar Investments. Tổ chức ngoại này là đơn vị trực thuộc Tập đoàn đầu tư Temasek của Chính phủ Singapore. Với mức giá trên, định giá của VNG thời điểm đó khoảng 2 tỷ USD. Sau giao dịch, Seletar Investments nắm giữ 1,74 triệu cổ phiếu, tương đương 5,04% vốn điều lệ của VNG.
VNG cho biết công ty có 373 cổ đông, trong đó lượng cổ phiếu quỹ công ty nắm giữ là hơn 7,1 triệu cp, tương đương 24,74% lượng cổ phếu đang lưu hành của công ty.
Một cổ đông tổ chức nước ngoài nắm giữ hơn 17,5 triệu cp, tương đương 49% vốn điều lệ, chiếm hơn 61% lượng cổ phần lưu hành của VNG. Về phần cổ đông trong nước, ba tổ chức sở hữu gần 3,3 triệu cp, tương đương 9,15% vốn, bằng 11,41% vốn điều lệ. Hơn 22% vốn còn lại của VNG được sở hữu bởi 368 cá nhân.
Thông tin về cổ đông lớn của VNG, tổ chức VNG Limited (Cayman Inslands) sở hữu 49% vốn điều lệ. Công ty Cổ phần Công nghệ BigV nắm giữ 4,6% vốn. Cá nhân là cổ đông lớn duy nhất là ông Lê Hồng Minh với tỷ lệ sở hữu 9,8%.
Đầu tháng 12 vừa qua, VNG tổ chức đại hội cổ đông bất thường theo hình thức lấy ý kiến bằng văn bản về việc chào bán riêng lẻ hơn 7,1 triệu cổ phiếu quỹ trên cho CTCP Công nghệ BigV với mức giá chào bán 177.881 đồng/cp. Điều kiện là số cổ phiếu bị hạn chế chuyển nhượng trong 1 năm. Thời gian dự kiến thực hiện trong năm 2023 sau khi được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chấp thuận.
Nếu giao dịch thành công VNG sẽ thu về số tiền hơn 1.264 tỷ đồng. Số tiền này dự kiến chi 764 tỷ đồng cho chi phí bản quyền phần mềm trò chơi, 500 tỷ đồng còn lại dùng cho marketing. Còn về phía Công nghệ BigV, cổ đông này sẽ nâng tỷ lệ sở hữu lên 24,53% vốn điều lệ của VNG.
Song, nếu so với mức giá tham chiếu khi chào UPCoM, mức giá chào bán riêng lẻ trên lại đang thấp hơn khoảng 26%. Nếu cổ phiếu VNZ diễn biến thuận lợi khi ra mắt thị trường, chênh lệch hai mức giá sẽ được nới rộng.
VNG là đơn vị này có mảng kinh doanh chính là trò chơi trực tuyến (Võ lâm truyền kỳ, liên minh huyền thoại…), nền tảng kết nối (Zalo, Zalopay), dịch vụ đám may VNG Cloud. VNG đang sở hữu 12 công ty con trực tiếp hoạt động tại Việt Nam và 14 công ty con gián tiếp hoạt động tại Việt Nam, Singapore, Myanmar, Hong Kong và Thái Lan.
Tổng tài sản của công ty thời điểm cuối tháng 9 năm nay là gần 9.190 tỷ đồng, tương đương gái trị sổ sách hơn 210.000 đồng/cp. Đồng nghĩa với việc cổ phiếu VNZ sẽ chào UPCoM với mức giá cao hơn so với giá trị sổ sách. Tuy nhiên, nếu so với thời điểm cuối năm 2020 và 2021, giá trị sổ sách của VNG có sự suy giảm.
Trong 9 tháng đầu năm, VNG ghi nhận doanh thu hợp nhất đạt hơn 5.763 tỷ đồng, trong đó thu từ trò chơi trực tuyến là 4.056 tỷ đồng (chiếm cơ cấu 70,38%), quảng cáo trực tuyến 933 tỷ đồng (16,19%), giá trị gia tăng trên mạng viễn thông và Internet 683 tỷ đồng (11,86%), ngoài ra còn có dịch vụ nhà chờ và bản quyền bài hát, khác.
Trên báo cáo hợp nhất của VNG, mức lỗ sau thuế trong 9 tháng đầu năm nay khoảng 765 tỷ đồng trong khi công ty mẹ báo lãi hơn 144 tỷ đồng. Nguyên nhân từ việc hạch toán lỗ do trích lập dự phòng giảm giá đầu tư dài hạn vào Zion và Tiki.
Bình luận
TVQuản trị viênQuản trị viên
Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm