Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump.
Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump mới đây tuyên bố với truyền thông rằng, ông có kế hoạch chấm dứt quyền công dân theo nơi sinh và trục xuất người Mỹ cùng với các thành viên gia đình bất hợp pháp.
Ông Trump đã phác thảo chính sách nhập cư của mình, bao gồm các kế hoạch trục xuất hàng loạt. Đây là lời hứa quan trọng trong chiến dịch tranh cử của ông.
Trong cuộc phỏng vấn truyền hình đầu tiên kể từ khi tái đắc cử, ông Trump cho biết ông có ý định chấm dứt quyền công dân theo nơi sinh và trục xuất những gia đình có tình trạng nhập cư hỗn hợp.
“Chúng ta có hàng triệu người đến đây mà đáng lẽ không nên ở đây. Khi họ đến đây bất hợp pháp, họ sẽ ra đi... Chúng ta phải đuổi bọn tội phạm ra khỏi đất nước chúng ta" - ông Trump nói với người dẫn chương trình của NBC.
Ông Trump tuyên bố rằng Mỹ “là một mớ hỗn độn” vì tỷ lệ tội phạm mà ông cho là do những người di cư bất hợp pháp.
Ông Trump đã được hỏi về kế hoạch trục xuất những gia đình có tình trạng nhập cư hỗn hợp, ví dụ cha mẹ đến bất hợp pháp, nhưng sau đó có con sinh ra tại Mỹ. Tổng thống đắc cử đã trả lời rằng, những gia đình như vậy có thể bị trục xuất cùng nhau, nhưng các thành viên gia đình có tình trạng hợp pháp sẽ được lựa chọn đi hoặc ở lại.
“Tôi không muốn chia cắt các gia đình. Vì vậy, cách duy nhất để bạn không chia cắt gia đình là bạn giữ họ lại với nhau và bạn phải gửi tất cả họ trở về… Chúng tôi sẽ gửi toàn bộ gia đình, rất nhân đạo, trở về đất nước nơi họ đến" - ông Trump nói.
Theo Trung tâm Nghiên cứu Di cư, ước tính có khoảng 4,7 triệu hộ gia đình tại Mỹ được định nghĩa là “tình trạng hỗn hợp”.
Ông Trump cũng nhắc lại lời hứa trước đó về việc chấm dứt "quyền công dân theo nơi sinh", một chính sách được bảo đảm bởi Tu chính án thứ 14 của Hiến pháp Mỹ, theo đó bất kỳ trẻ em nào sinh ra trong biên giới Mỹ đều tự động được cấp quyền công dân Mỹ.
“Chúng ta phải chấm dứt nó. Thật nực cười,” ông tuyên bố, giải thích rằng ông sẽ thực hiện điều này thông qua một hành động hành pháp nếu cần thiết để vượt qua Tu chính án thứ 14. Theo tờ Wall Street Journal, nhóm chuyển giao của ông Trump đang tiến hành các công việc cần thiết vì động thái này có thể dẫn đến một cuộc chiến pháp lý mở rộng.
Tuy nhiên, ông Trump lưu ý rằng những người được gọi là "dreamers" hay những người bị đưa đến Hoa Kỳ bất hợp pháp khi còn nhỏ có thể có cơ hội ở lại, đồng thời cam kết sẽ hợp tác với các nhà lập pháp để biến điều này thành hiện thực.
Ông Trump đã bổ nhiệm hai người theo đường lối cứng rắn về kiểm soát biên giới và nhập cư vào các vị trí chủ chốt trong chính quyền mới của mình.
Hai nhân vật này là Kristi Noem sẽ đứng đầu Bộ An ninh Nội địa, và Tom Homan sẽ là 'sa hoàng biên giới' mới của ông Trump. Theo vị Tổng thống đắc cử, cặp đôi này sẽ làm việc chặt chẽ để bảo vệ biên giới và "làm cho nước Mỹ an toàn trở lại".
Ông Trump có thể dễ dàng sửa đổi Tu chính án Mỹ không?
Tu chính án thứ 14 của Hiến pháp Mỹ là nền tảng cho cách tiếp cận của đất nước đối với quyền công dân. Nó đảm bảo quyền công dân theo quyền bẩm sinh. Tu chính án này đã được phê chuẩn vào năm 1868.
Phần đầu tiên của tu chính án nêu rõ: “Tất cả những người sinh ra hoặc nhập tịch tại Mỹ và chịu sự quản lý của Mỹ đều là công dân của Mỹ và của Tiểu bang nơi họ cư trú”.
Theo trang web của Hội đồng Di trú Mỹ, một nhóm vận động phi lợi nhuận có trụ sở tại Washington, DC, điều này không liên quan đến "tình trạng nhập cư hoặc quyền công dân của cha mẹ họ".
Trung tâm nghiên cứu di cư của New York (CMS) ước tính, tổng dân số không có giấy tờ là 10,9 triệu người.
Ông Trump đã từng nói về việc muốn chấm dứt quyền công dân theo nơi sinh kể từ nhiệm kỳ đầu tiên của mình. Trong một cuộc phỏng vấn năm 2018 với Axios, ông nói: "Bạn chắc chắn có thể thực hiện điều đó bằng một đạo luật của Quốc hội... nhưng bây giờ họ nói rằng, tôi có thể thực hiện chỉ bằng một sắc lệnh hành pháp."
Các chuyên gia pháp lý và chính trị gia, bao gồm một số người thuộc Đảng Cộng hòa, đã bác bỏ những tuyên bố của ông Trump.
Cựu Chủ tịch Hạ viện đảng Cộng hòa Paul Ryan cho biết trong một cuộc phỏng vấn trên đài phát thanh năm 2018: "Bạn không thể chấm dứt quyền công dân theo nơi sinh bằng một sắc lệnh hành pháp. Tôi nghĩ trong trường hợp này, Tu chính án thứ 14 khá rõ ràng và điều đó sẽ liên quan đến một quá trình hiến pháp rất, rất dài”.
Sửa đổi Hiến pháp Mỹ là một quá trình khó khăn. Nó đòi hỏi hai phần ba số phiếu bầu ở cả Hạ viện và Thượng viện. Sau đó, sửa đổi cần được phê chuẩn bởi 3/4 các cơ quan lập pháp của tiểu bang.
Tại Thượng viện, đảng Dân chủ nắm giữ 47 ghế và đảng Cộng hòa nắm giữ 53 ghế. Tại Hạ viện, đảng Dân chủ nắm giữ 215 ghế, trong khi đảng Cộng hòa nắm giữ 220 ghế.
Thay đổi của ông Trump sẽ gây ra hậu quả gì?
Một tờ thông tin năm 2011 của Hội đồng Di trú Mỹ cho biết, việc xóa bỏ quyền công dân theo nơi sinh sẽ ảnh hưởng đến tất cả mọi người. Tất cả các bậc cha mẹ người Mỹ sẽ phải trải qua một quá trình gian khổ và tốn kém để chứng minh quyền công dân của con mình.
“Giấy khai sinh của chúng tôi là bằng chứng về quyền công dân của chúng tôi. Nếu quyền công dân theo nơi sinh bị xóa bỏ, công dân Mỹ không còn có thể sử dụng giấy khai sinh của họ làm bằng chứng về quyền công dân nữa”, tờ thông tin cho biết.
Nghiên cứu của Viện Chính sách Di cư, một tổ chức tư vấn phi đảng phái có trụ sở tại Washington, DC và Đại học Tiểu bang Pennsylvania dự đoán rằng, việc chấm dứt quyền công dân theo nơi sinh đối với trẻ em Mỹ có cha mẹ là người nhập cư trái phép sẽ làm tăng "dân số không được phép" hiện tại thêm 4,7 triệu người vào năm 2050. Những phát hiện của nghiên cứu này đã được công bố vào năm 2010.
Bình luận
TVQuản trị viênQuản trị viên
Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm