Công điện gửi Bộ trưởng 5 bộ gồm: Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công an, Giao thông vận tải và Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
Theo đó, một số cơ quan báo chí phản ánh thông tin về việc nhiều DN xuất khẩu điều có nguy cơ mất hàng trăm triệu USD. Về việc này, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, giao Bộ trưởng các Bộ theo chức năng, nhiệm vụ khẩn trương phối hợp với Hiệp hội Điều Việt Nam và các cơ quan, đơn vị liên quan kiểm tra, làm rõ nguyên nhân để có biện pháp xử lý, hỗ trợ theo thẩm quyền bảo đảm quyền lợi hợp pháp, chính đáng của người dân, doanh nghiệp, phù hợp với quy định của pháp luật trong nước và quốc tế, kịp thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ những khó khăn, vướng mắc vượt thẩm quyền.
Trước đó, thông tin lô hàng điều xuất khẩu của Việt Nam sang Ý đã bị mất hoàn toàn quyền kiểm soát khi toàn bộ chứng từ gốc biến mất. Cụ thể, 5 doanh nghiệp mất quyền kiểm soát với 36 container hàng tương đương với 36 bộ chứng từ gốc đi kèm. Giá trị số hàng bị mất là hơn 7 triệu USD, tương đương 162 tỷ đồng.
Việc ngân hàng và doanh nghiệp mất chứng từ gốc sẽ khiến hàng chục container hàng có thể mất trắng bất cứ lúc nào.
Theo tìm hiểu, trong phi vụ siêu lừa đảo này, các doanh nghiệp xuất khẩu điều đã thực hiện phương thức thanh toán, giao dịch quốc tế D/P (Documents against Payment) tức là “nhờ thu” với 5 ngân hàng Việt Nam khác nhau. Trong đó, có 2 ngân hàng gốc quốc doanh thuộc nhóm Big 4; 2 ngân hàng TMCP thuộc top đầu và 1 ngân hàng TMCP đang trong quá trình tái cơ cấu. Tất cả các ngân hàng này đều sử dụng dịch vụ chuyển phát chứng từ của hãng chuyển phát danh tiếng toàn cầu DHL.
Liên quan đến vụ việc, Bộ Công Thương thông tin, sau khi nhận được thông tin về vụ việc các doanh nghiệp xuất khẩu hạt điều gặp khó tại Italia, hiệp hội và các cơ quan chức năng cũng đang phối hợp, nhanh chóng vào cuộc để gỡ khó cho các doanh nghiệp. Bộ Công Thương nhấn mạnh, trong bối cảnh tình hình quốc tế nhiều biến động, doanh nghiệp cần cẩn trọng có các phương án dự phòng rủi ro hơn trong các giao dịch thương mại.
Theo ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất Nhập khẩu (Bộ Công Thương), các doanh nghiệp kinh doanh xuất nhập khẩu nhân điều thường dùng phương thức thanh toán T/T (điện chuyển tiền), D/P (trả tiền nhận chứng từ) và CAD (thanh toán chứng từ trả tiền ngay) khi ký hợp đồng. Phương thức D/P hoặc CAD bớt rủi ro không được thanh toán cho người bán, mà cũng không mất nhiều thời gian, không yêu cầu người mua phải ký quỹ tại ngân hàng nên thường được cả người mua, người bán cùng chấp nhận. Từ đó hình thành cái gọi là thông lệ quốc tế trong kinh doanh.
“Bản chất của D/P, CAD hay L/C đều là nhờ thu qua ngân hàng. Tất cả phương thức này đều phải trả tiền cho bộ chứng từ trước khi nhận hàng nên xét về mặt chứng từ thì tính an toàn tương đương nhau. Còn một khi đã có ý đồ lừa đảo để lấy mất chứng từ thì rủi ro đó nằm ngoài phương thức thanh toán, kể các L/C” - ông Trần Thanh Hải nhấn mạnh.
Theo Hiệp hội Điều Việt Nam (VINACAS), trước đó, VINACAS nhận được “Đơn kêu cứu” của 5 doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu nhân hạt điều, thu thập các tài liệu, chứng từ cho thấy có dấu hiệu lừa đảo và nguy cơ các doanh nghiệp xuất khẩu hạt điều có thể bị chiếm đoạt 36 container nhân hạt điều này.
Trước tình hình cấp bách khi 36 container nhân hạt điều có nguy cơ mất trắng vì đã và đang đến các cảng của Italia, VINACAS đã có văn bản đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành và Văn phòng Interpol Vietnam bằng những biện pháp cụ thể, thiết thực, hiệu quả hỗ trợ VINACS và các doanh nghiệp xử lý thành công vụ việc...
Bình luận
TVQuản trị viênQuản trị viên
Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm