Thầy Bùi Anh Hòa, Trưởng khoa Khoa Kỹ thuật Vật liệu, Trường Vật liệu, Đại học Bách khoa Hà Nội mới đây đã trở thành tân giáo sư duy nhất ngành Luyện kim Việt Nam năm 2023. Khi mới về trường, thầy giáo Hoà chưa bao giờ nghĩ mục tiêu của mình là phải phấn đấu trở thành giáo sư mà chỉ làm việc theo trách nghiệm của mình. Đối với thầy, đây là sự ghi nhận những cố gắng trong giảng dạy và nghiên cứu của mình. Chức danh Giáo sư không phải mục đích cuối cùng mà điều quan trọng là bản thân được tiếp tục nghiên cứu và đào tạo những người có đam mê với ngành Luyện kim.
Thầy Hòa sinh năm 1974 tại Hà Nội, nhận bằng cử nhân và thạc sĩ ngành Luyện kim, tại Trường Đại học Bách khoa Hà Nội. Thầy được cấp bằng tiến sĩ năm 2006 chuyên ngành Khoa học vật liệu và luyện kim tại Trường Đại học quốc gia Kyungpook, Hàn Quốc; được công nhận chức danh Phó giáo sư năm 2013 ngành Luyện kim.
GS. Bùi Anh Hoà. Ảnh: Duy Thành
Điều đặc biệt ở thầy Hòa chính là cơ duyên đến với nghề giáo và câu chuyện luôn bắt đầu ngày làm việc sớm hơn 1 tiếng. Mới đây câu chuyện của thầy Hòa đã được Đại học Bách khoa Hà Nội nhắc lại và trở thành nguồn cảm hứng cho các thế hệ trẻ.
Được biết, ngày bé trong thời chiến, cậu học trò Bùi Anh Hòa rất thích đọc những câu chuyện về bác sĩ, kỹ sư và luôn ấn tượng với nghề giáo. Đầu những năm 90, các thông tin tư vấn hướng nghiệp không nhiều, nhưng ngày đó Trường Đại học Bách khoa Hà Nội đã rất nổi tiếng, là một tượng đài trong các cơ sở giáo dục về khoa học - kỹ thuật của cả nước. Trúng tuyển vào ngôi trường danh giá này, cậu sinh viên Hòa khi ấy trở thành niềm tự hào của cả gia đình. Sau khi tốt nghiệp, anh được các thầy giữ lại trường công tác.
Năm 2001, sau khi tốt nghiệp thạc sĩ tại Bách khoa Hà Nội, anh trở thành một trong những nghiên cứu sinh Việt Nam đầu tiên của Đại học Quốc gia Kyungpook (Hàn Quốc). Đây là một giai đoạn khó khăn khi mạng internet chưa phổ biến và cộng đồng người Việt ở Hàn Quốc không nhiều nên sự lạ lẫm về văn hóa và phong cách làm việc là khó tránh khỏi. Cậu nghiên cứu sinh khi đó phải làm việc trong phòng thí nghiệm đến 10 giờ tối, thay đổi đề tài nhiều lần và phải làm quen, điều chỉnh để bắt nhịp với cách làm việc mới.
Khẳng định bản thân, anh được nhận đến làm thí nghiệm ở Trường POSTECH – một trong những đại học khoa học công nghệ nổi tiếng ở Hàn Quốc. Khi anh tốt nghiệp, giáo sư hướng dẫn trực tiếp ở POSTECH rất ngạc nhiên vì từ lúc được giao đề tài đến khi bảo vệ chỉ vỏn vẹn 2 năm rưỡi mà anh vẫn đáp ứng được yêu cầu đối với nghiên cứu sinh về công bố 3 bài báo trên tạp chí SCI. Còn anh vẫn ghi nhớ và làm theo lời dặn dò của giáo sư 20 năm về trước: "Hãy bắt đầu ngày làm việc sớm hơn 1 tiếng. 1 tiếng so với 1 ngày có thể không nhiều, nhưng nếu cộng cả 365 ngày sẽ được một khoảng thời gian đáng kể".
Với lời dặn dò này, đến bây giờ khi đã làm việc tại Đại học Bách khoa Hà Nội 27 năm, GS Hòa vẫn giữ được thói quen ấy.
Theo quan điểm của GS Hòa, với một giảng viên, nghiên cứu phải xuất phát từ trách nhiệm và đam mê. Nếu giảng dạy là truyền tải kiến thức thì nghiên cứu là cơ hội để kết hợp lý thuyết với thực nghiệm để tổng hợp thành hệ thống, giúp mở rộng kiến thức, tư duy và tính sáng tạo. Có những nội dung trong sách tưởng chừng rất đơn giản, nhưng khi làm thực nghiệm mới nhận ra để thực hiện cần nhiều thời gian, công sức và kỹ năng về lắp đặt hệ thống, xử lý số liệu,...
Đam mê của người thầy sẽ thổi bùng đam mê của người học. Sinh viên Bách khoa có nhiều lợi thế với nền tảng học thuật, tư duy vững chắc. Nếu sinh viên Bách khoa có thể vượt qua những khó khăn trong học tập thì sẽ rèn luyện được tính nhẫn nại và kiên cường, dễ thích nghi với các môi trường khác dù khắc nghiệt.
Bình luận
TVQuản trị viênQuản trị viên
Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm