Bộ GD&ĐT cho hay, Nghị định số 116 có hiệu lực từ khóa tuyển sinh 2021-2022, nhưng trong quá trình triển khai có nhiều vướng mắc về số chỉ tiêu đã đề xuất của một số địa phương và việc triển khai thực tế giữa các địa phương và các cơ sở đào tạo.
Trong khi đó, các trường sư phạm cũng đang chờ bộ sớm giao chỉ tiêu đào tạo giáo viên và đề nghị sớm có quyết định giao chỉ tiêu cho ngành sư phạm, bởi còn liên quan đến các địa phương "đặt hàng" cho các trường đào tạo.
Để bảo đảm nhu cầu giáo viên mà địa phương đã đề xuất đến năm 2022 và nhu cầu các năm tiếp theo sát với thực tế, Bộ GD&ĐT đề nghị các địa phương rà soát nhu cầu tuyển sinh và đào tạo giáo viên năm 2022, đề xuất nhu cầu đào tạo giáo viên từ năm 2023 đến năm 2025. Đây là một trong các căn cứ quan trọng để Bộ GD&ĐT xác định chỉ tiêu tuyển sinh cho các cơ sở đào tạo.
Đồng thời, để việc đặt hàng, giao nhiệm vụ hoặc đấu thầu đào tạo giáo viên theo nghị định 116/2020/NĐ-CP của các địa phương đạt hiệu quả, Bộ Giáo dục và đào tạo đề nghị chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo rà soát và báo cáo nhu cầu tuyển sinh và đào tạo giáo viên của năm 2022 và đề xuất nhu cầu đào tạo giáo viên từ năm 2023 - 2025.
Tuổi trẻ Online dẫn lời TS Nguyễn Mạnh Hùng - chuyên viên chính Vụ Giáo dục đại học (Bộ Giáo dục và đào tạo), cho biết để việc xác định chỉ tiêu, tổ chức tuyển sinh và đào tạo giáo viên sau năm 2022 đảm bảo chất lượng, đủ về số lượng và sát với nhu cầu của các địa phương, bộ đề nghị trước 31-12 các năm 2022 - 2024, các địa phương gửi văn bản điều chỉnh nhu cầu so với nhu cầu đã đăng ký cho các năm 2023 - 2025.
Trước đó, ngày 8/1/2020, Bộ GD&ĐT đã có văn bản gửi chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố về việc đề xuất nhu cầu đào tạo giáo viên từ năm 2020-2022 trên cơ sở đề xuất của các địa phương, năng lực đào tạo của các trường.
Bộ đã xác định chỉ tiêu đào tạo giáo viên các năm 2020- 2021 cho các cơ sở đào tạo theo quy định của luật Giáo dục Đại học và các quy định của Bộ GD&ĐT.
Ngoài ra, ngày 25/9/2020, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 116 quy định về chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên ngành sư phạm.
Nghị định này có hiệu lực từ khóa tuyển sinh 2021-2022. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện còn nhiều vướng mắc về số chỉ tiêu đã đề xuất của một số địa phương và việc triển khai giữa các địa phương với cơ sở đào tạo.
Bình luận
TVQuản trị viênQuản trị viên
Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm