Tập đoàn C.E.O (CEO Group, HoSE: CEO) vừa công bố Báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2021.
Theo đó, doanh thu thuần hợp nhất của CEO Group đạt 495 tỷ đồng, giảm 23% so với cùng kỳ năm trước; lợi nhuận gộp đạt 115 tỷ đồng, giảm 20%. Điều này không đáng ngạc nhiên bởi Tập đoàn này nhiều năm qua chủ yếu dựa vào kinh doanh bất động sản nghỉ dưỡng. Song trong năm 2021, các dự án của CEO Group thanh khoản kém, như dự án Sonasea Vân Đồn Harbour City tồn kho 2.049 tỷ đồng (con số đầu năm 2.117 tỷ đồng).
Tuy nhiên, doanh thu tài chính quý IV của tập đoàn này đạt tới 302 tỷ đồng, tăng gấp 7,5 lần so với cùng kỳ, chủ yếu nhờ “lãi từ khoản đầu tư” 297 tỷ đồng (không được công ty này thuyết minh rõ).
Khoản doanh thu tài chính đột biến đã cứu nguy cho CEO Group thoát khỏi cảnh thua lỗ quý thứ 5 liên tiếp, bởi lợi nhuận gộp chỉ đủ trang trải cho các loại chi phí (trong đó chi phí lãi vay tăng hơn 2 lần, đạt 50 tỷ đồng).
Kết thúc quý IV/2021, CEO Group báo lãi trước thuế 289 tỷ đồng, tăng gấp 6 lần; lãi sau thuế 305 tỷ đồng, tăng ấn tượng so với khoản lỗ 580 triệu đồng cùng kỳ năm trước.
Lũy kế cả năm 2021, doanh thu thuần hợp nhất của CEO Group đạt 902 tỷ đồng, giảm 32% so với năm trước. Lợi nhuận gộp đạt 117 tỷ đồng, giảm 67%. Nhờ doanh thu tài chính trong quý IV tăng vọt, doanh nghiệp của ông Đoàn Văn Bình có lãi trước thuế cả năm 2021 đạt 119 tỷ đồng và lãi sau thuế 82 tỷ đồng (tăng ấn tượng so với khoản lỗ 103 tỷ đồng năm trước đó).
Như vậy có thể thấy, dù đã thoát lỗ, tình hình kinh doanh trong lĩnh vực cốt lõi của CEO Group vẫn chưa được cải thiện là bao.
Dù kinh doanh không mấy khả quan, thế nhưng từ tháng 10/2021, cổ phiếu CEO lại liên tục tăng. Tính đến phiên giao dịch 8/1, cổ phiếu CEO niêm yết ở mức 92,5 nghìn đồng/cp. Từ một penny bất động sản, giá trị cổ phiếu của CEO tăng mạnh lên hơn 600% kể từ đầu tháng 10. Sau mức tăng kỷ lục, cổ phiếu CEO đã bị khối ngoại xả dòng mạnh mẽ.
Về tài sản, tại ngày kết thúc năm 2021, tổng tài sản của CEO đạt 7.040 tỷ đồng, giảm khoảng 400 tỷ đồng so với đầu năm. Cơ cấu tài sản có điểm đáng chú ý là tiền và tương đương tiền tăng khá, đạt 309 tỷ đồng, trong đó: tiền tại quỹ là 20 tỷ đồng, tiền gửi ngân hàng không kỳ hạn là 171 tỷ đồng, tiền gửi ngân hàng dưới 3 tháng là 117 tỷ đồng.
Các khoản phải thu ngắn hạn đạt 847 tỷ đồng, giảm nhẹ so với đầu năm. Hàng tồn kho cũng giảm nhẹ, đạt 606 tỷ đồng. Giá trị của các khoản phải thu ngắn hạn và hàng tồn kho về cơ bản không đáng lo ngại. Tuy nhiên, dự phòng phải thu ngắn hạn khó đòi của CEO Group đã tăng lên 50 tỷ đồng (so với mức 33 tỷ đồng đầu năm).
Về nguồn vốn, nợ phải trả tại ngày 31/12/2021 đạt 3.506 tỷ đồng, giảm tương ứng với giá trị tài sản. Đáng chú ý, nợ vay ngắn hạn của CEO Group đạt 831 tỷ đồng, tăng 56% so với đầu năm. Trong khi đó, nợ vay dài hạn đạt 906 tỷ đồng, giảm 36%.
Với vốn chủ sở hữu đạt 3.534 tỷ đồng, tăng nhẹ so với đầu năm, Tập đoàn này không chịu áp lực về hệ số nợ/vốn chủ sở hữu cũng như khả năng thanh toán.
Dòng tiền cho thấy rõ điều này. Lưu chuyển tiền thuần cả năm 2021 của CEO dương 80 tỷ đồng, giúp gia tăng lượng tiền và tương đương tiền ở mức khá dồi dào (đã nói ở trên). Tuy nhiên, một cách cơ bản, CEO vẫn đang lệ thuộc vào vốn vay, với dòng tiền vay – trả năm 2021 đạt lần lượt 1.608 tỷ đồng và 1.814 tỷ đồng.
Năm 2021, dòng tiền kinh doanh của CEO âm tới 155 tỷ đồng (năm trước dương 282 tỷ đồng), do sự gia tăng của các khoản phải thu và chi phí lãi vay. Để bù đắp dòng tiền, bên cạnh đi vay, CEO đã hạn chế mua sắm tài sản và rút vốn về, thể hiện ở việc thu hồi cho vay, bán công cụ nợ của đơn vị khác (thu về 227 tỷ đồng) và thu hồi đầu tư góp vốn đơn vị khác (420 tỷ đồng).
Bình luận
TVQuản trị viênQuản trị viên
Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm