Ô Quan Chưởng ở thập niên 80 thế kỷ XX trong phim “Hà Nội trong mắt ai”.
Tín hiệu đáng mừng
Nếu nói về phim tài liệu, người ta thường nhắc đến "Chuyện tử tế", "Hà Nội trong mắt ai", "Tiếng vĩ cầm ở Mỹ Lai" của đạo diễn Trần Văn Thủy; "Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng" của đạo diễn Nguyễn Thị Thắm... Cho đến nay, những tác phẩm này vẫn có sức sống đặc biệt trong lòng khán giả.
Mới đây, trong khuôn khổ Tuần phim tài liệu hướng tới kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2024), Đài Truyền hình Việt Nam đã công chiếu phim tài liệu “Hà Nội trong mắt ai”. Bộ phim đã chạm được vẻ đẹp văn hóa sâu nhất của Hà Nội. Đó là mùa thu, là hoa sữa, là ẩm thực phố phường... Những ngày công chiếu “Hà Nội trong mắt ai” thu hút đông đảo sự chú ý của khán giả, đặc biệt là những người trẻ.
NSND Nguyễn Hoàng Lâm - Phó Giám đốc Trung tâm Phim tài liệu (Đài Truyền hình Việt Nam) cho biết: “Hà Nội trong mắt ai” là một bộ phim nổi tiếng của NSND, đạo diễn Trần Văn Thủy. Bộ phim mang lại tên tuổi cho ông và khẳng định được vị thế của một đơn vị sản xuất phim tài liệu của Việt Nam, đó là Hãng phim Tài liệu khoa học Trung ương.
Không giống như phim thương mại, dễ dàng tạo nên cơn sốt tại các phòng vé và có doanh thu nghìn tỷ, phim tài liệu kén người xem và có ít doanh thu. Mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng thời gian qua đã có nhiều tác phẩm gây tiếng vang với những câu chuyện giàu cảm xúc và tỏa sáng ở sân chơi quốc tế. Trong đó có bộ phim VTV đặc biệt mang tên “Ranh giới” của đạo diễn Tạ Quỳnh Tư phát sóng vào tháng 9/2021. Những thước phim cận cảnh, chân thực về hình ảnh đội ngũ y bác sĩ ở tuyến đầu chống dịch giành giật sự sống cho những phụ nữ mang thai nhiễm Covid-19 đã thu hút đặc biệt sự quan tâm của dư luận.
Cùng với đó, bộ phim “Những đứa trẻ trong sương” của đạo diễn Hà Lệ Diễm đã rất xuất sắc khi giành được hàng chục giải tại các liên hoan phim quốc tế. Trong nước, “Những đứa trẻ trong sương” đạt doanh thu 1,8 tỷ đồng tại các phòng vé trong nước. Bộ phim được đạo diễn Hà Lệ Diễm thực hiện trong giai đoạn 2017 - 2022, lấy bối cảnh miền núi Tây Bắc, kể về hành trình trưởng thành của Di - một cô bé người Mông ở Sa Pa (Lào Cai). “Những đứa trẻ trong sương” phản ánh sự xung đột giữa phong tục cổ xưa và giá trị hiện đại, những thách thức mà các bé gái người dân tộc thiểu số phải đối mặt trong tục kéo vợ. Tác phẩm này đã được ra rạp tại Mỹ, Pháp, Australia, Hà Lan, Singapore...
Tiếp nối là bộ phim tài liệu “Mùa Xuân vĩnh cửu” của đạo diễn Việt Vũ đã chiến thắng giải Grand Prix Documentary Short tại Liên hoan phim quốc tế Cork lần thứ 66. Giải thưởng ở sự kiện này mở ra cơ hội cho “Mùa Xuân vĩnh cửu” nhận đề cử cho “Phim tài liệu ngắn xuất sắc” tại giải Oscar 2022.
NSƯT Trịnh Quang Tùng - Phó tổng Giám đốc phụ trách Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương cho biết, phim tài liệu đang dần xác lập được vị trí của mình. “Hiện nay, Việt Nam đang có một đội ngũ nhà làm phim tài liệu sung sức. Họ được đào tạo bài bản, đặc biệt ngày càng tiếp cận gần hơn với trình độ làm phim tài liệu hiện đại của thế giới. Nhiều người trẻ chịu khó dấn thân vào những đề tài khó, gai góc và họ cũng đã đổi mới cách kể chuyện cho bộ phim” - ông Tùng nói.
Qua các kỳ Liên hoan phim cho thấy, lượng khán giả quan tâm tới phim tài liệu ngày càng trẻ hóa. Đó là tín hiệu đáng mừng và là nguồn động viên rất lớn đối với những người làm phim tài liệu.
Nói về vấn đề này, NSƯT, đạo diễn Tạ Quỳnh Tư cho rằng: Phim tài liệu hiện nay đã đến gần khán giả hơn, nội dung phong phú, thời lượng của phim đa dạng hơn, khung giờ phát sóng trên các kênh truyền hình cũng như các phương tiện truyền thông khác cũng được mở rộng hơn. Đồng thời, nhiều bộ phim có cách làm mới lạ độc đáo, học hỏi và áp dụng cách làm phim quốc tế, có những bộ phim chọn hình thức không lời bình để truyền tải tư tưởng chủ đề thông qua hiện thực đời sống nhân vật.
Hình ảnh trong phim tài liệu “Ranh giới” gây xúc động đặc biệt cho người xem. Ảnh: ĐPCC.
Tạo động lực phát triển
Mặc dù có những khởi sắc nhưng thể loại phim này vẫn còn nhiều khó khăn trong hành trình chinh phục khán giả. Một trong những khó khăn đó chính là đầu ra cho các bộ phim. Nhiều đạo diễn cho rằng, làm phim tài liệu khá tốn kém, nếu không có sự hỗ trợ của Nhà nước hay tài trợ thì rất khó ra rạp. Nếu phim bị xếp vào khung giờ ít người xem, sẽ nhanh chóng bị lép vế trước phim điện ảnh trong nước và nước ngoài, và không chịu nổi chi phí thuê rạp.
NSƯT Trịnh Quang Tùng cũng chỉ ra rằng, trong khi các phim truyền hình hay điện ảnh thu lại tiền quảng cáo, tiền vé rất lớn thì phim tài liệu lại rất ít, bởi chủ yếu là nhằm mục đích tuyên truyền. Cùng với đó, việc thiếu những chiến lược đầu tư dài hơi cũng là trở ngại lớn cho những nhà làm phim. Từ những khó khăn đó, theo ông Tùng, để tạo được sự chuyển mình mạnh mẽ cho thể loại này, đóng góp tích cực cho nền công nghiệp điện ảnh Việt Nam, cần có chiến lược đầu tư dài hơi và có thêm các cơ chế, chính sách khuyến khích, tạo điều kiện cho các nhà làm phim. Đặc biệt, chúng ta cần phải quan tâm nhiều hơn đến các nhà làm phim độc lập, các nhà làm phim trẻ.
Bình luận
TVQuản trị viênQuản trị viên
Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm