Nhiều phao cứu sinh đặt trên cầu bắc qua sông Hồng bị lấy trộm. Ảnh: VTV
Theo thông tin trên báo Dân Việt, vào ngày 18/5, trên cầu Chương Dương, cầu Nhật Tân đã không còn chiếc phao cứu sinh nào do nhóm CLB Bơi Khám phá đặt trước đó. Trao đổi với PV, anh Nguyễn Ngọc Khánh - Chủ nhiệm CLB Bơi Khám phá không cảm thấy bất ngờ về điều này.
“Chúng tôi đã tính trước được điều này, việc mất phao là điều có thể xảy ra, thế nhưng, chúng tôi luôn hướng đến điều tích cực…Mất lần một thì chúng tôi lại lắp lần hai, mất lần hai thì chúng tôi lại lắp lần ba.”, anh Khánh nói và cho biết, đối với anh Khánh cũng như các thành viên trong câu lạc bộ của mình, dự án treo phao cứu sinh vẫn đang hoạt động có hiệu quả.
Theo anh Khánh, đã làm thiện nguyện là không tính toán quá nhiều mà chỉ nhìn đến lợi ích cuối cùng. Trong 400 chiếc phao được lắp đặt, chỉ cần một chiếc được sử dụng đúng mục đích, cứu được một mạng người, thì dự án của anh coi như đã thành công và thực hiện được sứ mệnh của nhóm.
“Có thể trong những lần sau, tại mỗi cầu đã bị mất chúng tôi sẽ treo phao ít hơn. Cùng với đó, chúng tôi sẽ in thêm biển để cạnh phao, nội dung như: Phao cứu sinh miễn phí, không giữ làm của riêng, chỉ dùng trong trường hợp cần thiết”, anh Khánh cho biết.
Đến nay số phao cứu sinh đã bị mất khoảng 50 chiếc. Ảnh: Lao động
Nói về vấn đề phao cứu sinh bị mất, chia sẻ trên báo Tiền Phong, anh Nguyễn Ngọc Khánh cũng thông tin, từ ngày 6/5 nhóm đã thực hiện lắp đặt 100 phao cứu sinh qua các tỉnh Lào Cai, Yên Bái, Tuyên Quang, TP. Hà Nội, đến nay số phao cứu sinh đã bị mất khoảng 50 chiếc. Còn trên địa bàn TP. Hà Nội, nhóm đã lắp 33 phao cứu sinh nay chỉ còn vài ba chiếc còn sót lại tại cầu Long Biên và Thanh Trì.
“Sau 4 ngày lắp đặt tôi nhận được rất nhiều tin nhắn báo phao cứu sinh đã bị mất; đặc biệt là trên cầu Vĩnh Tuy và Chương Dương”, anh Khánh cho biết.
Dự án lắp phao cứu sinh được trải dài trên 10 tỉnh, thành những nơi sông Hồng chảy qua do CLB Bơi Khám phá thực hiện. Khoảng 400 chiếc phao cứu sinh đã được đặt trên các cây cầu bắc qua sông Hồng, trong đó các cầu thuộc khu vực Hà Nội là 30 chiếc.
Trao đổi với báo Dân trí, một thành viên trong nhóm tình nguyện về bơi lội cho biết, việc lắp đặt các phao cứu sinh này đã diễn ra được khoảng 1 tuần nay và dự kiến trong tháng 7/2022, nhóm tình nguyện sẽ lắp đặt xong.
Trung bình, trên mỗi cây cầu sẽ có từ 4-6 chiếc phao cứu sinh. Để có thể dễ dàng tháo ra và thuận tiện cho việc sử dụng, mỗi chiếc phao cứu sinh đều được cố định bằng dây thép. Chỉ cần vặn ngược là có thể sử dụng bất cứ lúc nào.
Chia sẻ với phóng viên báo Lao động, anh Khánh cho hay, đây là một dự án nhỏ trong chuỗi dự án “Tình yêu sông Hồng” mà nhóm thực hiện, với mong muốn có thể giảm thiểu được phần nào những tai nạn đáng tiếc xảy ra trên sông Hồng.
Theo anh Khánh, việc lắp đặt phao cứu sinh trên các cây cầu nhằm cung cấp công cụ cho những người đuối nước hoặc những người do áp lực cuộc sống phải chọn cách gieo mình xuống sông có cơ hội sống xót. Vì vậy, anh rất mong muốn người dân ủng hộ, chung tay bảo vệ nó và không lấy đi.
Bình luận
TVQuản trị viênQuản trị viên
Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm