"Nếu bình thường, áp lực công việc một thì trong giai đoạn ấy, áp lực cao gấp 10 lần, thậm chí 100 lần. Áp lực đó không chỉ gây khó trong điều hành, mà còn là phép thử về khả năng chống chịu, ứng biến và đột phá thoát ra khỏi khó khăn của đất nước", theo lời đại biểu Trịnh Xuân An.
Những quyết sách trực diện, đậm tính thời sự
"Chủ động, linh hoạt, trách nhiệm và quyết liệt" là những gì đại biểu Trịnh Xuân An cảm nhận được từ cách điều hành của Chính phủ, sau khi đã đi qua hơn nửa nhiệm kỳ.
Đưa ra một phép so sánh, ông An nói nếu như nhiệm kỳ trước, với một nền tảng tương đối vững chắc và khó khăn không dồn dập, Chính phủ thể hiện rõ là Chính phủ liêm chính, kiến tạo và hành động.
Còn nửa nhiệm kỳ qua, sự chủ động, quyết liệt, linh hoạt trong điều hành của Chính phủ được đẩy lên cao hơn, bởi nếu không như vậy, sẽ không xử lý được hàng loạt vấn đề phát sinh.
"Chính phủ chủ động đưa ra quyết sách - những quyết sách rất trực diện", ông An nhận định.
Có lẽ, chưa nhiệm kỳ nào, Chính phủ ban hành nhiều nghị quyết để điều hành, giải quyết những vấn đề phát sinh như nửa đầu nhiệm kỳ này.
Nhiều người băn khoăn điều hành như vậy có hợp lý không, đúng thẩm quyền không, song đại biểu Trịnh Xuân An cho rằng với những vấn đề chưa được luật hóa, nghị quyết Chính phủ ban hành có ý nghĩa rất quan trọng để tháo gỡ nút thắt, điển hình trong việc chống dịch, phát triển kinh tế, gỡ khó cho thị trường bất động sản…
Với mục tiêu vì người dân, vì doanh nghiệp, ông An đánh giá Chính phủ đã tập trung đưa ra nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn, thậm chí có những khi bằng mệnh lệnh hành chính để tháo gỡ ngay vướng mắc, cho thấy điều hành của Chính phủ rất sát và quyết liệt.
Bên cạnh đó, Chính phủ đã mạnh dạn phân cấp phân quyền cho bộ, ngành, địa phương và đẩy mạnh cải cách hành chính. Đây là hai điểm nhấn giúp giải quyết được nhiều điểm nghẽn thời gian qua.
Cùng với sự quyết liệt trong điều hành của Chính phủ, là sự đồng hành của Quốc hội. Đại biểu Trịnh Xuân An cho rằng hoạt động của Quốc hội như có luồng gió mới về quy trình, thủ tục và cách thức hoạt động.
"Quốc hội thể hiện rõ vai trò đồng hành, kiến tạo, chia sẻ trách nhiệm với Chính phủ trong việc xử lý những vấn khó, phức tạp, để cùng vượt qua khó khăn", ông An nói.
Một điểm mới được ông nhấn mạnh là việc Quốc hội chủ động trong công tác xây dựng pháp luật. Việc xây dựng luật cũng không theo cách thức truyền thống mà có sự ưu tiên, chọn lọc nhằm xử lý điểm nghẽn và kiến tạo chính sách để phát triển.
Công tác giám sát cũng có đổi mới khi vừa mang tính thực thi, vừa mang tính đồng hành. Nửa nhiệm kỳ qua, theo ông An, Quốc hội đã lựa chọn những chuyên đề giám sát rất thời sự, thậm chí có nội dung đang thực hiện cũng tiến hành giám sát ngay, ví dụ giám sát việc huy động các nguồn lực chống dịch Covid-19.
Hay như ngay thời điểm dịch bùng phát, Quốc hội chất vấn Bộ trưởng Y tế để cùng lắng nghe, tháo gỡ ngay những vướng mắc trong công tác chống dịch.
Trong quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước, bằng việc tổ chức 4 kỳ họp bất thường, Quốc hội đã nhanh nhạy đưa ra nhiều quyết sách quan trọng, tạo cơ sở pháp lý cho Chính phủ triển khai thực hiện.
"Nhìn lại nửa nhiệm kỳ qua, chúng ta đã cơ bản thoát khỏi cơn bão dữ và đang phải xử lý hoàn lưu của bão, song ta đang đi đúng hướng. Sự điều hành của Chính phủ và đồng hành của Quốc hội đã giúp xử lý được nhiều tình huống chưa từng có tiền lệ", ông An nhấn mạnh.
Cho rằng chưa thể thỏa mãn và bằng lòng với những gì đạt được, vị đại biểu lưu ý sức khỏe nền kinh tế vẫn đang yếu, doanh nghiệp chưa thực sự thoát khỏi khó khăn và vẫn cần bệ đỡ về cơ chế để bứt tốc phát triển.
Chia sẻ băn khoăn về thủ tục hành chính còn nhiều, ông An nhấn mạnh điều doanh nghiệp cần không phải bơm tiền, mà cần hệ thống thể chế thông thoáng, minh bạch, không rườm rà.
Đột phá hạ tầng, hiện thức hóa ước mơ về những chuyến cao tốc
566km đường bộ cao tốc đã về đích kể từ năm 2020 đến nay, bằng 1/2 số km cao tốc được xây dựng trong suốt 20 năm qua. Đó là "điểm sáng" nổi bật sau nửa nhiệm kỳ nhìn lại, chứng mình rằng những cơ chế, chính sách đặc thù mà Quốc hội, Chính phủ trao cho đã phát huy hiệu quả.
Sáng 1/1 - ngay trong ngày đầu tiên của năm mới 2023, Thủ tướng Phạm Minh Chính dự lễ khởi công 12 dự án thành phần đường cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2 với tổng chiều dài 729km, đi qua 15 tỉnh, thành.
Trong một bối cảnh "chưa từng có tiền lệ", bằng việc được Quốc hội và Chính phủ trao cho những cơ chế, chính sách đặc thù, ngành giao thông đã kịp khởi công toàn bộ 12 dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2 trong cùng thời điểm. Kể từ khi Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư cho đến khi khởi công dự án chỉ trong vòng 1 năm, rút ngắn được 1/2 thời gian so với thủ tục thông thường.
Đến nay, cả nước đã có 1.729 km đường bộ cao tốc và đang tiếp tục tích cực triển khai xây dựng các dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông; các đường vành đai Vùng Thủ đô Hà Nội, TPHCM và các tuyến cao tốc kết nối Tây Bắc; Tây Nguyên và Tây Nam Bộ, để đến cuối năm 2025 phấn đấu có 3.000km đường cao tốc và đạt 5.000km vào năm 2030.
Với hàng không, sân bay quốc tế Long Thành là dự án tầm cỡ, có quy mô lớn nhất từ trước đến nay, cũng đã sẵn sàng khởi công sau khi được tháo gỡ mọi vướng mắc, đấu thầu và lựa chọn được nhà thầu.
Thủ tướng Phạm Minh Chính nhiều lần nhấn mạnh "dứt khoát không để tình trạng kéo dài, chậm tiến độ", để thể hiện quyết tâm của Chính phủ trong việc thực hiện "siêu dự án" Cảng hàng không quốc tế Long Thành.
Thủ tướng cũng đã yêu cầu lập Tổ công tác của Chính phủ để đôn đốc, kiểm tra, khớp nối các công việc, giao Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà làm Tổ trưởng với sự tham gia của lãnh đạo các bộ liên quan.
Sau chuyến thị sát và nhiều cuộc họp liên tục, người đứng đầu Chính phủ tiếp tục có công điện chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ sân bay Long Thành, yêu cầu xác định rõ nguyên nhân, trách nhiệm cụ thể của từng đơn vị, cá nhân nếu để xảy ra chậm trễ.
Và tối hậu thư "phải khởi công sân bay Long Thành trong tháng 8" mà Thủ tướng đưa ra đã được hiện thực hóa, khi sáng 31/8, gói thầu lớn nhất trị giá 35.000 tỷ đồng thi công nhà ga hành khách sân bay Long Thành chính thức khởi công xây dựng, dưới sự chứng kiến của Thủ tướng Phạm Minh Chính.
Cùng với việc khởi công Nhà ga Long Thành, ngày 31/8, nhà ga T3 sân bay Tân Sơn Nhất với các hạng mục nhà ga hành khách, nhà xe cao tầng kết hợp dịch vụ phi hàng không và hệ thống cầu cạn phía trước, cũng được khởi công.
Công trình có tổng mức đầu tư gần 10.990 tỷ đồng, thi công trong 20 tháng, khai thác từ quý II/2025.
Một điểm mới trong triển khai loạt dự án giao thông trọng điểm là có nhiều dự án được giao cho địa phương đầu tư hoặc là cơ quan chủ quản, tạo sự chủ động, linh hoạt và thúc đẩy tiến độ các dự án nhanh hơn so với trước đây.
Bên cạnh đó, trong giai đoạn triển khai đồng loạt những công việc lớn, Chính phủ vẫn không lơ là giám sát mà thường xuyên kiểm tra, đôn đốc. Minh chứng là thành lập Ban Chỉ đạo quản lý Nhà nước về công trình giao thông trọng điểm mà trực tiếp Thủ tướng làm Trưởng ban, họp giao ban định kỳ hàng tháng.
Mỗi cuối tuần, kết hợp trong chuyến công tác tới các địa phương, lãnh đạo Chính phủ đều "tranh thủ" đi kiểm tra hiện trường dự án trọng điểm quốc gia, có những chỉ đạo tháo gỡ khó khăn ngay tại hiện trường.
Hình ảnh lãnh đạo Chính phủ thường xuyên đi xuống địa phương, thị sát trên các công trường thi công dự án trọng điểm là liều thuốc tinh thần rất lớn, giúp cán bộ vượt qua lối mòn tư duy để mạnh dạn hành động.
Trong điều hành, TS Trần Du Lịch cho rằng Chính phủ, Thủ tướng đã chọn hướng đi đúng khi lực chọn quan điểm phân cấp, phân quyền mạnh mẽ, cụ thể hóa trách nhiệm cá nhân. Chủ trương này giúp mọi việc triển khai nhanh hơn, trôi hơn rất nhiều.
Ông dẫn chứng với dự án đường Vành đai 3 TPHCM hay Vành đai 4 Thủ đô Hà Nội, với việc phân cấp cho địa phương đã tạo sự chủ động, năng động, sáng tạo để địa phương triển khai mọi việc hiệu quả hơn.
Cán bộ sợ sai phải 'đứng sang một bên'
"Một nhiệm kỳ 5 năm, nhưng có đến quá nửa thời gian, chúng ta phải tập trung mọi nguồn lực vào phòng chống dịch và khôi phục kinh tế. Vì vậy, để đánh giá những kết quả sau chặng đường vừa đi qua, cần tiếp cận một cách khách quan", theo lời TS Trần Du Lịch.
Nếu so sánh với những nhiệm kỳ trước, ông nói rằng kết quả đạt được trong nửa nhiệm kỳ vừa qua rõ ràng khiến chúng ta không hài lòng. Nhưng trong bối cảnh cả thế giới phải chịu tác động nặng nề từ đại dịch, trong cùng thời điểm ấy, TS Trần Du Lịch nhấn mạnh Việt Nam vẫn có nhiều điểm sáng.
Điểm sáng nổi bật mà vị chuyên gia kinh tế đề cập, đó là sự linh hoạt, kịp thời trong phản ứng chính sách.
Ông đánh giá cao việc Chính phủ, Quốc hội thường xuyên có các cuộc họp với các bộ, ngành và chuyên gia để lắng nghe, tìm cách giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, tháo gỡ những khó khăn của thị trường bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp…
Đặc biệt, vị chuyên gia chia sẻ ấn tượng với nỗ lực của Chính phủ, Thủ tướng trong việc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, khởi công nhiều công trình trọng điểm lớn trong cùng thời điểm.
Trong khi đó, đại biểu Quốc hội Tạ Văn Hạ (Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục), cũng nhìn nhận nhiều điểm sáng đạt được trong nửa đầu nhiệm kỳ đầy khó khăn là một kết quả rất đáng ghi nhận.
Đánh giá cao sự điều hành chủ động, linh hoạt, quyết liệt của Chính phủ cũng như sự đồng hành sát sao của Quốc hội, ông Hạ nói rất nhiều nút thắt tưởng chừng phải mất rất nhiều thời gian mới có thể tháo gỡ, lại được giải quyết một cách nhanh chóng trong nhiệm kỳ này.
Điển hình như quyết sách về hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; chủ trương đầu tư các công trình, dự án trọng; phân bổ, điều chỉnh vốn đầu tư công; tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho thị trường bất động sản…
"Tất cả những nút thắt quan trọng ấy đều được Quốc hội khẩn trương xem xét, quyết định để Chính phủ sớm triển khai thực hiện", theo lời đại biểu Tạ Văn Hạ.
Đặc biệt, ông cũng đánh giá cao việc Quốc hội, Chính phủ đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát những nội dung vốn được coi là nhạy cảm, quan trọng, như việc quản lý thị trường bất động sản, nhà ở xã hội, hay việc triển khai hàng loạt dự án giao thông trọng điểm của quốc gia.
Dù vậy, vị đại biểu đánh giá tâm lý sợ trách nhiệm, sợ sai… vẫn đang là rào cản kìm hãm sự phát triển.
Để gỡ nút thắt về thể chế, xóa bỏ tâm lý sợ sai, đại biểu Tạ Văn Hạ đề nghị đẩy mạnh phân cấp phân quyền theo định hướng những vấn đề phát sinh thuộc thẩm quyền cấp nào cấp đó tự quyết định phương thức giải quyết và thực hiện, tránh tình trạng trước đây là cứ gặp khó, địa phương gửi lên bộ, ngành, Trung ương.
"Nếu cán bộ sợ sai do thể chế chưa hoàn thiện, phải hoàn thiện thể chế. Còn nếu do con người, phải thay thế con người đó, đúng theo tinh thần ai không làm thì đứng sang một bên", ông Hạ nói.
Theo ông, đất nước không thể có những đột phá nếu cán bộ không dám nghĩ, dám làm, dám đổi mới sáng tạo, dám chịu trách nhiệm, vì lợi ích chung.
Đồng quan điểm, đại biểu Trịnh Xuân An cho rằng phải gỡ được nút thắt liên quan tinh thần trách nhiệm của cán bộ. Bởi với thực trạng cán bộ sợ sai như hiện tại, ông An lo đó sẽ là gánh nặng và kéo lùi sự phát triển của đất nước.
"Phải xây dựng được hệ thống chính sách minh bạch, cụ thể, rõ trách nhiệm triển khai cụ thể và có cơ chế xử lý những người không dám làm", ông An nhấn mạnh vai trò của cả Chính phủ và Quốc hội trong thực hiện nhiệm vụ này.
Nội dung: Hoài Thu
Thiết kế: Thủy Tiên
Bình luận
TVQuản trị viênQuản trị viên
Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm