Đại diện chủ đầu tư một dự án bất động sản lớn tại Đồng Nai cho biết, từ hơn 3 tháng nay công ty bị “đứt gãy” dòng tiền, doanh thu từ bán hàng gần như bằng 0. Hiện chi phí cố định mỗi tháng gồm lương, thuê văn phòng, chi phí xây dựng, lãi suất lên đến gần 70 tỷ đồng một tháng. Do khó khăn về tài chính nên công ty đã chậm lương, hoa hồng của nhân viên kinh doanh từ tháng 8.
Thời điểm thị trường thanh khoản tốt, doanh nghiệp này cũng chủ động thanh toán được các khoản vay tới hạn trả tại ngân hàng. Nhưng hiện nay, việc huy động vốn gặp rất nhiều khó khăn nên không có nguồn để thanh toán, doanh nghiệp này như ngồi trên đống lửa bởi nếu không trả nợ gốc và lãi đúng hạn cho ngân hàng thì sẽ bị nhảy nhóm nợ xấu. “Không chỉ chúng tôi mà nhiều doanh nghiệp hiện nay chọn giải pháp là phải tạm dừng tất cả các dự án, nằm im một chỗ đợi tín hiệu mới của chính sách tiền tệ từ NHNN”, vị đại diện chủ đầu tư này cho biết.
Theo Tiến sĩ Trần Du Lịch, nhìn chung tình hình các doanh nghiệp đang rất khó khăn. Thị trường bất động sản hiện có tình trạng các dự án làm dở dang phải dừng lại hoặc thi công cầm chừng vì không có dòng vốn để tiếp tục. Các dự án có ngân hàng thương mại cam kết cho vay, đóng tiền từng đợt hiện nay cũng không vay được. Nhiều chủ đầu tư nói rằng khách hàng rất khó khăn, không vay được tiền để mua nhà theo lộ trình đã xây dựng. Từ chỗ không có dòng tiền, doanh nghiệp không thể thi công, ảnh hưởng tới thanh toán cho các nhà cung cấp vật tư, nhà thầu.
Do ngân hàng siết chặt tín dụng nên khách hàng không thể vay mua bất động sản dẫn đến nguồn thu chủ lực của các chủ đầu tư bị "khóa van".
Theo các chuyên gia kinh tế, về tổng thể, thị trường đang gặp rất nhiều khó khăn, các kênh huy động vốn truyền thống như vay ngân hàng, phát hành trái phiếu hiện nay không còn thuận lợi. Các ngân hàng thương mại hết “room” tín dụng, kênh huy động vốn từ phát hành trái phiếu thì đang bị thanh tra, kiểm tra. Trong khi đó, do ngân hàng hạn chế cho vay bất động sản nên khách hàng cũng không có đủ tiền mua các dự án mà chủ đầu tư mở bán, dẫn đến tính thanh khoản trên thị trường hiện nay rất thấp. Doanh nghiệp khó càng khó thêm.
Trong khi đó, các khoản “vay lớn”, “vay nhỏ” sắp đến hạn thanh toán. Với dòng tiền bị đứt gãy như hiện nay thì việc chậm thanh toán rất có thể xảy ra, dẫn đến các khoản vay bị nhảy nhóm.
Đại diện một số tập đoàn cho rằng, hiện nay hệ số nợ nếu tính bằng tỷ lệ giữa nợ vay thuần và tổng tài sản là rất thấp. Nếu tính hệ số nợ/tổng tài sản cho toàn bộ chỉ tiêu “Nợ phải trả” theo Báo cáo tài chính thì hệ số nợ của những đơn vị này là “chấp nhận được”, ví dụ hệ số nợ của một số “đại gia” như Vingroup là 0,75 lần, Nova Group có hệ số nợ là 0,82, Techcombank 0,83, Vietjet 0,73…
Theo chuyên gia ngân hàng, TS Nguyễn Trí Hiếu, tỷ lệ này cho thấy khả năng trả nợ của cũng như tình hình tài chính của doanh nghiệp đang ở ngưỡng “an toàn”.
Bởi vậy, TS Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, cần có giải pháp linh động để hỗ trợ các doanh nghiệp vượt qua khó khăn trong giai đoạn này. Nguồn lực ít thì phải dồn lực, phải có sự liên kết của hệ thống ngân hàng thương mại dưới sự chỉ huy của NHNN nước để tập trung tháo gỡ vướng mắc, xem xét cơ cấu lại các khoản vay cho doanh nghiệp. Với những doanh nghiệp có tổng tài sản lớn, công ty có năng lực, tiềm năng phát triển thì với những khoản vay đến hạn thanh toán, NHNN cần chỉ đạo các ngân hàng thương mại rà soát, cơ cấu lại, lùi thời hạn trả nợ để các khoản vay này không bị nhảy nhóm, thành nợ xấu.
“Dòng tiền hiện nay bị đứt gãy, các kênh huy động vốn bị “khóa”, khách hàng cũng không tiếp cận được tín dụng dẫn đến nguồn thu của doanh nghiệp gần như không có. Đây là nguyên nhân khách quan, nên NHNN cần phải có giải pháp linh hoạt, rà soát lại tất cả các khoản vay, tập trung “giải cứu” những doanh nghiệp có tiềm năng phát triển, ngăn việc nợ vay đến hạn bị nhảy nhóm”, đại diện một tập đoàn tại Hà Nội đề xuất.
Bình luận
TVQuản trị viênQuản trị viên
Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm