Livestream để chứng minh công ty làm ăn trong sạch
Vào ngày 16/04/2025, ông Xing – chủ sở hữu công ty – chia sẻ với tờ Hongxing News rằng hoạt động này đã được triển khai trong một khoảng thời gian và nhằm chứng minh quy trình “thật và minh bạch” của công ty, từ đó củng cố lòng tin của người tiêu dùng.
Một doanh nghiệp bán buôn thực phẩm ở Trung Quốc đang đối mặt với làn sóng phản đối khi phát trực tiếp cảnh nhân viên làm việc ngoài giờ vào cuối tuần. SCMP.
Trong một buổi phát trực tiếp, khoảng 15 nhân viên của Miaohuo Net xuất hiện đang làm việc tại văn phòng vào cuối tuần. Ông Xing khẳng định rằng nhiều doanh nghiệp thường thuê ngoài nhưng vẫn tuyên bố sở hữu đội ngũ riêng, trong khi Miaohuo Net muốn chứng minh họ thực sự có nhân sự cố định đang làm việc trực tiếp. Theo lời ông, “chúng tôi muốn mọi người thấy đây là công ty nghiêm túc, có đội ngũ làm việc tận tâm”.
Dữ liệu công khai từ năm 2023 cho thấy công ty này có khoảng 50 lao động, nhưng chỉ mua bảo hiểm cho 13 người. Số liệu này đặt ra nghi vấn về số lượng lao động thực sự gắn bó với doanh nghiệp, nhất là khi tiêu chuẩn bảo hiểm xã hội là một trong những căn cứ đánh giá mối quan hệ lao động chính thức tại Trung Quốc.
Quyền cá nhân bị xâm phạm
Câu chuyện của Miaohuo Net nhanh chóng gây ra tranh cãi trên mạng xã hội Trung Quốc. Nhiều người chỉ trích việc công ty phát sóng cảnh làm việc cuối tuần là hình thức “đánh bóng thương hiệu” bất chấp quyền lợi và tinh thần của người lao động. Không ít ý kiến cho rằng hành vi này có thể vi phạm quyền hình ảnh cá nhân – một quyền đã được quy định rõ trong Bộ luật Dân sự Trung Quốc có hiệu lực từ năm 2021.
Tuy nhiên, luật sư Zhao Liangshan, thuộc Văn phòng luật sư Hằng Đại tỉnh Thiểm Tây, cho biết công ty không vi phạm quyền chân dung của nhân viên nếu đã có sự đồng thuận từ họ trước khi phát sóng.
Nhân viên công ty làm việc vào cuối tuần. SCMP.
Bên cạnh đó, quy định của pháp luật lao động Trung Quốc giới hạn thời gian làm thêm không quá ba giờ mỗi ngày hoặc 36 giờ mỗi tháng. Người lao động cũng phải được nghỉ ít nhất một ngày mỗi tuần. Tuy nhiên, trong thực tế, nhiều doanh nghiệp tại Trung Quốc thường đẩy giới hạn làm việc đến mức tối đa, trả thù lao ít ỏi và chỉ cho nghỉ một ngày mỗi tuần.
Một số người dùng mạng chia sẻ rằng họ cảm thấy kiệt sức nhưng không có lựa chọn nào khác trong bối cảnh cạnh tranh lao động khốc liệt. “Tôi làm việc 10 tiếng mỗi ngày, 6 ngày mỗi tuần, nếu nghỉ thì người khác sẽ thay thế ngay lập tức”, một người dùng Weibo bình luận.
Dư luận Trung Quốc hiện chia làm hai luồng. Một số người tỏ ra thông cảm với nỗ lực duy trì hoạt động của công ty nhỏ trong thời kỳ kinh tế khó khăn. Tuy nhiên, phần lớn người dân bày tỏ lo ngại về việc biến tinh thần chăm chỉ thành tiêu chuẩn bóc lột lao động trá hình.
Bình luận
TVQuản trị viênQuản trị viên
Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm