Theo báo Thanh Niên, Bộ Tài chính đề xuất đưa sách giáo khoa vào danh mục hàng hóa nhà nước định giá trong Báo cáo tình hình kinh tế - tài chính 8 tháng đầu năm 2022.
Theo Bộ Tài chính, sách giáo khoa là mặt hàng có tính chất đặc thù, ảnh hưởng trên phạm vi rộng đến từng gia đình, đặc biệt gia đình trẻ có con trong độ tuổi đi học. Cho nên, việc quản lý nhà nước về giá sách giáo khoa là điều cần thiết.
Theo quy định hiện hành, sách giáo khoa thuộc danh mục mặt hàng phải kê khai giá với cơ quan quản lý nhưng không thuộc danh mục nhà nước định giá, bình ổn giá. Các nhà xuất bản chủ động xây dựng, tự chịu trách nhiệm về giá bán và thực hiện kê khai giá với cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Để hạn chế tác động tiêu cực của giá sách giáo khoa đối với gia đình, Bộ Tài chính cho biết đang trình Chính phủ dự thảo luật Giá (sửa đổi), trong đó, đưa sách giáo khoa vào danh mục hàng hóa nhà nước định giá và giao Bộ GD&ĐT quyết định giá tối đa, các nhà xuất bản tự quyết định giá cụ thể.
Giá cả mặt hàng này trong thời gian gần đây biến động thất thường, giá sách giáo khoa tăng vào mỗi dịp đầu năm học mới. Cụ thể, giá sách giáo khoa trong tháng 8 so với tháng 7/2022 tăng 1,05%, các loại bút viết các loại giá tăng 1,38%, các loại vở, giấy viết các loại tăng 1,02%.
Trước diễn biến trên, Bộ Tài chính đã họp với Bộ Giáo dục và Đào tạo và đề nghị các nhà xuất bản rà soát, tiết kiệm các chi phí như chi phí quản lý, quảng bá sách, lợi nhuận... để giảm giá sách giáo khoa. Sau khi các đơn vị rà soát, tiết kiệm chi và kê khai lại giá, giá sách giáo khoa đã giảm từ 5 - 15% tùy loại.
Theo báo VietNamNet, ngày 27/4 vừa qua, NXB Giáo dục Việt Nam thông tin về giá sách giáo khoa lớp 3, lớp 7 và lớp 10 theo Chương trình giáo dục phổ thông mới. Cụ thể, giá sách giáo khoa mới của lớp 3, lớp 7, lớp 10 của chính Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam áp dụng năm học tới đều tăng cao, có giá cao gấp 2-3 lần. Lãnh đạo NXB giải thích giá SGK tăng cao do chi phí tăng ở cả bốn yếu tố cấu thành giá bán là số lượng cuốn sách trong một bộ sách, chi phí tổ chức bản thảo, chi phí vật tư và chi phí tiếp thị.
Trước đó, vào tháng 8/2022, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ vừa ký Nghị quyết số 581/NQ-UBTVQH15 thành lập Đoàn giám sát chuyên đề “Việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông”.
Nội dung giám sát là đánh giá kết quả đạt được, hạn chế, khó khăn, vướng mắc, xác định nguyên nhân, chỉ rõ trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội; kiến nghị giải pháp thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 88/2014/QH13, Nghị quyết số 51/2017/QH14 và hoàn thiện chính sách, pháp luật có liên quan.
Bình luận
TVQuản trị viênQuản trị viên
Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm