Trao đổi với Báo Sức khỏe & Đời sống sáng 29/9, bác sĩ Hoàng Mạnh Ninh - Trưởng Khoa Phẫu thuật Tạo hình và Thẩm mỹ, Bệnh viện Bưu điện (Hà Nội) cho biết, đơn vị vừa tiếp nhận khám và điều trị cho một bệnh nhân bị hoại tử, biến dạng ngực sau khi tiêm chất làm đầy (filler).
Theo đó, bệnh nhân là chị H. (38 tuổi, Hà Nội). Chị H. cho biết, do không hài lòng về ngực nên khi xem được quảng cáo trên mạng về phương pháp nâng ngực không đau, không phẫu thuật của một spa tại Hà Nội chị đã quyết định bỏ ra hơn 20 triệu đồng để nâng ngực bằng tiêm filler.
Mới đầu, chị thấy ngực cũng có sự khác biệt. Nhưng một tháng sau, phần ngực bắt đầu có dấu hiệu bất thường đau và cương lên. Từ đó chị liên tục phải dùng kháng sinh, vì cứ dừng thuốc ngực lại sưng to, đau.
Các bác sĩ mổ xử lý tổn thương cho bệnh nhân. Ảnh: Báo Sức khỏe & Đời sống
Tình trạng này càng nặng hơn, chị Hoài phải đến khoa Phẫu thuật Tạo hình và Thẩm mỹ, Bệnh viện Bưu Điện để thăm khám trong tình trạng hai bên bầu vú bị cương cứng, vú bên trái đã có dấu hiệu hoại tử sắp vỡ, vú bên phải bắt đầu có dấu hiệu hoại tử da. Vú không tròn mà thay đổi biến dạng cứng, da vùng này cũng mỏng dính, đỏ rực.
Bác sĩ Minh cho hay, kết quả chụp MRI ngực, thăm khám cho thấy bệnh nhân bị áp xe, hoại tử mô vú 2 bên. Vì vú bệnh nhân bị áp xe nên buộc bác sĩ phải can thiệp tháo rạch chích mủ để làm sạch tổ chức, loại bỏ ổ viêm, hoại tử và filler không rõ nguồn gốc.
Chiều 27/9, bệnh nhân đã được mổ xử lý tổn thương. Sau mổ, bệnh nhân được chỉ định dùng kháng sinh theo phác đồ điều trị, hàng ngày thay băng. Bệnh nhân sẽ được tiếp tục theo dõi tại bệnh viện. Tuy nhiên, với những trường hợp biến chứng do tiêm filler thường cần phải theo dõi một thời gian dài mới có thể ổn định, nhiều trường hợp đôi khi tái đi tái lại.
Chia sẻ với Báo VietNamNet, Trưởng Khoa Phẫu thuật Tạo hình và Thẩm mỹ, Bệnh viện Bưu điện thông tin thêm, filler được sử dụng trong dịch vụ thẩm mỹ ngày càng nhiều, hiệu quả nhanh chóng, song chỉ thích hợp với những vùng có diện tích nhỏ như mũi, cằm, má, môi, tai... Riêng vùng ngực là nơi nhạy cảm, khi tiêm filler số lượng lớn có thể gây tắc mạch, nhiễm trùng và ảnh hưởng tuyến sữa.
Filler chỉ có tác dụng trong thời gian ngắn, nếu muốn duy trì kết quả cần phải tiêm lại nhiều lần, thông thường sau 1 - 2 năm. Tiêm thường xuyên có thể làm cho ngực bị nhão, chảy xệ và mất tính đàn hồi, phải tiêm nhiều lần nên chi phí khá tốn kém.
Ngoài ra, nếu khách hàng tiêm filler không rõ nguồn gốc có thể để lại nhiều hậu quả nặng nề như tắc động mạch máu, xuất huyết, hoại tử gây biến dạng, thậm chí tổn thương vĩnh viễn một số chức năng và tử vong.
Hiện nay chưa có loại filler nào đảm bảo an toàn tuyệt đối để nâng ngực, do đó các bác sĩ không khuyến khích nâng ngực theo cách này.
Bình luận
TVQuản trị viênQuản trị viên
Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm