Dù Tổng thống Mỹ Donald Trump thể hiện thiện cảm với Tổng thống Putin và có thể giảm vai trò của Mỹ trong tiến trình hòa bình, điều đó chưa chắc đã khiến Ukraine rơi vào thế yếu. Ảnh Getty/The Atlantic
Trong khi sự kháng cự quân sự của Ukraine trước cuộc tấn công của Nga đã khiến cả thế giới bất ngờ, thì khả năng phục hồi kinh tế của nước này lại là một khía cạnh ít được chú ý hơn của cuộc chiến.
Từ năm 2022, nhờ sự mở rộng nhanh chóng của bộ máy nhà nước, chính sách tiền tệ thận trọng, vai trò tích cực của xã hội dân sự và đặc biệt là sự hỗ trợ tài chính từ các đối tác nước ngoài, Ukraine đã tránh được nguy cơ sụp đổ như nhiều quốc gia từng gặp phải trong chiến tranh.
Theo ông Luke Cooper, Phó Giáo sư tại Trường Kinh tế London (LSE), Ukraine không hề “định sẵn thất bại” — kể cả khi Mỹ dưới thời Tổng thống Donald Trump rút khỏi tiến trình hòa bình như một số tín hiệu gần đây cho thấy.
Ngược lại, Nga đang cho thấy dấu hiệu căng thẳng kinh tế nghiêm trọng và có thể sớm phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng tín dụng. Đây là kết luận trong báo cáo của phân tích kinh tế Ukraine và Nga của ông Cooper trong bối cảnh cuộc chiến kéo dài và các cuộc đàm phán vẫn tiếp diễn.
Mỹ rút lui, Ukraine vẫn trụ vững?
Ông Cooper cho biết, trước chiến tranh, Ukraine từng có xu hướng theo mô hình nhà nước nhỏ. Nhưng chỉ sau một năm, Kiev đã mở rộng nhanh chóng năng lực nhà nước, song song với việc duy trì sự hỗ trợ mạnh mẽ từ chính quyền địa phương và xã hội dân sự. Người dân chủ động đóng thuế, quyên góp cho quốc phòng, điều chưa từng thấy trong giai đoạn 2014–2022.
Theo ông, nếu Ukraine sụp đổ thể chế hoặc rơi vào tình trạng vô pháp như trong nhiều xung đột khác trên thế giới, đó sẽ là thắng lợi lớn cho Nga, vì Ukraine sẽ không thể hội nhập châu Âu.
Dù Tổng thống Mỹ Donald Trump thể hiện thiện cảm với Tổng thống Putin và có thể giảm vai trò của Mỹ trong tiến trình hòa bình, ông Cooper cho rằng điều đó chưa chắc đã khiến Ukraine rơi vào thế yếu.
Trái lại, nếu Mỹ rút khỏi vai trò trung gian, Ukraine sẽ không còn đối mặt với một “đối tác thân Nga” trong bàn đàm phán, mà có thể xoay trục sang châu Âu hoặc các nước thứ ba như Trung Quốc, Ả Rập Saudi để tìm phương án mới.
Đặc biệt, nếu châu Âu tiếp tục hỗ trợ tài chính và vũ khí, Ukraine hoàn toàn có thể giữ vững phòng tuyến. Ông nhận định: “Mục tiêu của Ukraine không phải là phản công sâu rộng, mà là trụ lại, giữ vững chiến tuyến. Điều đó là đủ để gây áp lực lớn lên Nga, vì họ không thể duy trì nền kinh tế chiến tranh và tổn thất nhân lực mãi mãi".
“Ukraine đang nắm trong tay nhiều lá bài chiến lược”
Trái với tuyên bố của ông Trump rằng “Ukraine không có quyền ra điều kiện", ông Cooper khẳng định: “Rõ ràng Ukraine có những quân bài trong tay”.
Nước này có quân đội gần 1 triệu người với kinh nghiệm chiến đấu hơn một thập kỷ, nền kinh tế được tái thiết và tài trợ vững chắc đến năm 2027.
Thực tế, trong hai tháng gần đây, dù Mỹ có các cuộc đàm phán song phương với Moscow, họ không đạt được gì và Ukraine cũng không bị ép buộc phải nhượng bộ. Điều đó chứng minh vị thế của Kiev trong cuộc chiến lẫn trên bàn đàm phán đang mạnh hơn nhiều người tưởng.
Nga đang gặp khó
Về phía Nga, theo ông Cooper, từ khi chiến tranh mở rộng, nhà nước đã tăng đầu tư mạnh vào công nghiệp quốc phòng, tài chính dựa chủ yếu vào nguồn thu từ dầu mỏ. Điều này khiến Nga cực kỳ dễ tổn thương trước biến động giá dầu. Trong quý I/2025, giá dầu toàn cầu đã giảm, gây áp lực lớn lên ngân sách và buộc Điện Kremlin phải đưa ra những lựa chọn khó khăn về tài chính.
Ông Cooper cũng chỉ ra hai nguồn rủi ro lớn với hệ thống ngân hàng Nga: Một là nguy cơ vỡ nợ diện rộng trong khu vực kinh tế dân sự. Hai là bong bóng trái phiếu doanh nghiệp được chính phủ bảo lãnh trong lĩnh vực quốc phòng. Hệ thống tài chính Nga, vốn phụ thuộc vào nguồn thu dầu mỏ, sẽ gặp khó nếu giá dầu tiếp tục đi xuống.
Dù không khẳng định kinh tế Nga sẽ sụp đổ, ông Cooper cho rằng các yếu tố này đang siết chặt không gian điều hành chính sách và làm thay đổi tính toán của giới lãnh đạo Nga.
Một số chuyên gia quân sự nhận định rằng Tổng thống Putin sẽ tiếp tục chiến tranh cho đến khi chiếm được những thành phố lớn như Dnipro hay Odessa.
Nhưng từ góc độ kinh tế, ông Cooper cho rằng nhà lãnh đạo Nga có thể cân nhắc đến một lối thoát danh dự, nhất là khi phải đối mặt với khủng hoảng ngân hàng và mâu thuẫn trong nội bộ các nhóm lợi ích.
Nhưng nếu lệnh trừng phạt được dỡ bỏ — điều có thể đạt được thông qua đàm phán — Nga sẽ lại tiếp cận được thị trường tài chính quốc tế và dễ dàng hơn trong việc tài trợ cho chiến tranh.
Bình luận
TVQuản trị viênQuản trị viên
Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm