Đợt tăng vốn này đã được Ngân hàng Nhà nước và Đại hội đồng cổ đông NCB thông qua với tổng số lượng chào bán riêng lẻ là 620 triệu cổ phiếu, giá chào bán là 10.000 đồng/CP. Số cổ phiếu này bị hạn chế chuyển nhượng trong vòng 1 năm kể từ ngày kết thúc đợt chào bán.
NCB dự kiến sẽ dùng 5.300 tỷ đồng để bổ sung nguồn vốn hoạt động kinh doanh, dành 500 tỷ đồng cho nâng cấp công nghệ và chuyển đổi số, dành 200 tỷ đồng cho việc xây dựng nhận diện thương hiệu và 200 tỷ đồng dành cho việc cải tạo, nâng cấp cơ sở vật chất. Kế hoạch tăng vốn lớn này sẽ giúp ngân hàng nâng cao sức mạnh tài chính, cạnh tranh, tạo nền tảng quan trọng cho quá trình chuyển đổi toàn diện và bứt phá trong giai đoạn sắp tới.
Theo danh sách mới được NCB công bố, có 13 nhà đầu tư chuyên nghiệp đăng ký tham gia đợt chào bán cổ phần này, gồm 12 nhà đầu tư cá nhân và 1 nhà đầu tư là Quỹ đầu tư. Trong số này, có 7 nhà đầu tư là cổ đông hiện hữu của NCB.
Lãnh đạo đương nhiệm của NCB là bà Bùi Thị Thanh Hương – Chủ tịch HĐQT và ông Dương Thế Bằng – Thành viên HĐQT NCB cũng đăng ký tham gia góp vốn thông qua mua cổ phiếu riêng lẻ của ngân hàng.
Hội đồng quản trị NCB đã thông qua số lượng cổ phiếu dự kiến được phân phối cho từng nhà đầu tư. Trong đó, có 5 cá nhân đăng ký mua khối lượng lớn nhất và bằng nhau là 58,5 triệu cổ phiếu gồm bà Nguyễn Minh Anh, Dương Thế Bằng -Thành viên HĐQT ngân hàng NCB, Vương Khá Huấn, Vương Khá Nguyện, Vũ Thị Tuyến, Nguyễn Thị Hoàng Yến.
Bà Bùi Thanh Hương – Chủ tịch Ngân hàng NCB đăng ký mua 56,32 triệu cổ phiếu với tổng giá trị tương ứng hơn 563 tỷ đồng.
Các cá nhân khác được duyệt mua từ 30 triệu cổ phiếu đến 51 triệu cổ phiếu, tương ứng giá trị vài trăm tỷ đồng. Riêng Quỹ đầu tư Khám phá Giá trị Việt Nam chỉ đăng ký mua 2,17 triệu cổ phiếu NCB.
Nếu chào bán thành công toàn bộ 620 triệu cổ phiếu riêng lẻ, NCB sẽ có thể huy động thêm 6.200 tỷ đồng, tiếp tục tăng vốn điều lệ lên hơn 11.800 tỷ đồng.
Trước thông tin tăng vốn lớn, giá cổ phiếu NVB của ngân hàng này chỉ hồi phục tăng 10,5% so với mức giá đáy, ở mức 9.900 đồng/CP. Đây cũng là vùng giá thấp nhất của NVB trong 3 năm qua, và vẫn thấp hơn 75% so với mức đỉnh hồi năm 2021 khi thị trường chứng khoán đang trên đỉnh.
Đáng chú ý, mức giá này vẫn thấp hơn mức giá chào bán riêng lẻ. Đồng thời, thanh khoản của NVB từng phiên cũng rất thấp, trung bình trong 10 phiên vừa quả chỉ ở mức 200.000 cổ phiếu/phiên. Do đó, sẽ khó thu hút dòng tiền trên sàn chứng khoán. Đây có lẽ cũng là lý do khiến NCB chọn phương án chào bán riêng lẻ nhắm tới đối tượng mua có sự chọn lọc trước.
Về hoạt động kinh doanh, NCB không hoàn thành nhiều chỉ tiêu quan trọng mà Đại hội đồng cổ đông giao trong năm 2023 như: Tổng dư nợ cho vay chỉ thực hiện được 96% kế hoạch đề ra; lợi nhuận trước thuế năm 2023 dự kiến là 16 tỷ đồng nhưng lũy kế hết năm lại báo lỗ 672 tỷ đồng.
Tỷ lệ nợ xấu của NCB cũng tăng gấp đôi so với năm 2022, lên hơn 16.400 tỷ đồng ở thời điểm cuối năm 2023. Trong đó, nợ có khả năng mất vốn (nhóm 5) chiếm tới hơn 13.665 tỷ đồng (tăng hơn 10.000 tỷ đồng so với năm 2022).
Do vậy, năm nay NCB đưa ra mục tiêu kinh doanh khá thận trọng, như tổng tài sản tăng 10% lên 105.892 tỷ đồng; dư nợ cho vay khách hàng tăng 16,27%; quy mô khách hàng tăng 15%; luỹ kế số lượng thể tín dụng tăng 28%… Tuy nhiên, ngân hàng lại không đặt ra mục tiêu lợi nhuận mà chỉ cam kết dùng toàn bộ nguồn thu được trong năm 2024 để thực hiện nghĩa vụ theo phương án cơ cấu lại.
Đến hết quý 1 vừa qua, lượng tiền gửi khách hàng của NCB tăng thêm 3.300 tỷ đồng lên mức 80.160 tỷ đồng. Dư nợ cho vay khách hàng tăng trưởng 5,2%, đạt 58.376 tỷ đồng. Thu nhập lãi thuần quý 1 đã tăng mạnh đạt hơn 221,6 tỷ đồng.
Được biết, từ nửa cuối năm 2021, NCB có nhiều thay đổi về nhân sự lãnh đạo cấp cao và triển khai tái cơ cấu sau khi có sự tham gia của nhóm cổ đông mới đến từ một tập đoàn Bất động sản.
Bình luận
TVQuản trị viênQuản trị viên
Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm