Bộ Tài chính có văn bản gửi Thủ tướng và Phó Thủ tướng nêu quan điểm về đề xuất giảm 50% phí trước bạ đối với xe hơi sản xuất, lắp ráp trong nước đăng ký lần đầu. Ngoài các lý do như lo ngại các nước "kiện" vì phân biệt đối xử, hay thất thoát ngân sách địa phương, Bộ Tài chính đề xuất không giảm 50% phí trước bạ vì không phù hợp với chủ trương hạn chế phương tiện cá nhân của Chính phủ, lo ngại dân đổ xô mua xe dẫn đến ùn tắc giao thông.
Trong báo cáo gửi lãnh đạo Chính phủ, Bộ Tài chính cho rằng chính sách giảm phí trước bạ 50% đã qua 2 lần thực hiện và có những mặt được và những mặt hạn chế.
Bộ Tài chính đề xuất không giảm 50% phí trước bạ do lo ngại ùn tắc giao thông (Ảnh: Chinh Hoàng)
Bộ này phân tích, từ tháng 12/2019, dịch Covid-19 bùng phát và nhanh chóng lan rộng ra các quốc gia trên thế giới, để góp phần hỗ trợ ngành sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước, Chính phủ ban hành Nghị định số 70/2020/NĐ-CP ngày 28/6/2020 quy định giảm 50% mức thu LPTB đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước (có hiệu lực từ ngày 28/6/2020 đến hết ngày 31/12/2020).
Từ tháng 5/2021, đợt dịch Covid-19 thứ 3 và thứ 4 bùng phát trở lại và diễn biến phức tạp hơn, nhiều địa phương phải thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội, đặc biệt một số tỉnh, thành phố phía Nam phải thực hiện phong tỏa trong thời gian dài do số ca nhiễm Covid-19 tăng cao, nhiều ngành sản xuất, kinh doanh bị gián đoạn, nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng cản trở mạnh quá trình phục hồi và tăng trưởng kinh tế của nước ta, trong đó ngành sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước chịu thiệt hại nghiêm trọng, số lượng xe tiêu thụ giảm mạnh.
Chính phủ ban hành Nghị định số 103/2021/NĐ-CP ngày 26/11/2021 quy định tiếp tục giảm 50% mức thu LPTB đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước (có hiệu lực từ ngày 01/12/2021 đến hết ngày 31/5/2022). Từ ngày 01/6/2022, mức phí trước bạ trở lại như cũ.
Về kết quả, Bộ Tài chính cho rằng việc giảm 50% phí trước bạ góp phần hỗ trợ tài chính cho người dân, doanh nghiệp thông qua việc trực tiếp giảm chi phí khi đăng ký quyền sở hữu xe ô tô, từ đó kích thích nhu cầu, thúc đẩy người dân, doanh nghiệp mua sắm ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước để phục vụ cho nhu cầu tiêu dùng và sản xuất kinh doanh.
Chính sách này thúc đẩy các nhà sản xuất ô tô trong nước đẩy mạnh sản xuất, lắp ráp xe mới đưa vào thị trường, nâng cao năng lực cạnh tranh của xe ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước đáp ứng nhu cầu thị trường nội địa, hướng tới mục tiêu xuất khẩu sang khu vực ASEAN. Từ đó, góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, đảm bảo an sinh xã hội, có tác dụng lan tỏa sang các ngành kinh tế khác và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế sau dịch Covid-19.
Theo thống kê, số lượng xe ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước đăng ký từ tháng 12/2021 đến hết tháng 5/2022 (thời gian áp dụng giảm 50% mức thu LPTB đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước theo Nghị định số 103/2021/NĐ-CP) là 398.177 xe. Chỉ tính 5 tháng đầu năm 2022 thì số lượng xe ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước đăng ký là 294.455 xe, chiếm gần 50% tổng số xe ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước đăng ký năm 2022.
Bộ Tài chính cho biết, sản lượng xe ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước đăng ký tăng mạnh (số lượng xe ô tô đăng ký tháng 12/2021 - thời điểm bắt đầu áp dụng giảm LPTB theo Nghị định số 103/2021/NĐ-CP là 103.722 xe, tăng 2,67 lần so với tháng 11/2021; số lượng xe ô tô đăng ký từ tháng 1/2022 đến tháng 5/2022 đều tăng từ 1,2 đến 2 lần so với các tháng cùng kỳ năm 2021), theo đó số thu ngân sách nhà nước (NSNN) không giảm nhiều do có điều chỉnh chính sách (số thu NSNN về LPTB 5 tháng đầu năm 2022 (6.127 tỷ đồng) vẫn thấp hơn so với số thu NSNN về LPTB 5 tháng đầu năm 2021 (6.907 tỷ đồng).
Bộ Tài chính phân tích, việc giảm 50% LPTB đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước từ tháng 12/2021 đến hết tháng 5/2022, tổng số thu NSNN về LPTB đạt 8.727 tỷ đồng. "Việc giảm 50% LPTB đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước đã tác động giảm thu NSNN về LPTB tương ứng 8.727 tỷ đồng", Bộ Tài chính nhấn mạnh.
Theo đánh giá của Bộ Tài chính, việc giảm 50% mức thu LPTB đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước có thể làm tăng sản lượng tiêu thụ ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước, từ đó làm tăng số thu về thuế giá trị gia tăng và thuế TTĐB. Tuy nhiên, số thu thuế giá trị gia tăng và thuế TTĐB chỉ tập trung ở 8 địa phương là Vĩnh Phúc, Hải Dương, Hải Phòng, Ninh Bình, Đà Nẵng, Quảng Nam, Bình Dương, thành phố Hồ Chí Minh (là nơi có các công ty sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước); còn các địa phương khác đều giảm thu ngân sách địa phương từ chính sách này (địa phương đã có yêu cầu ngân sách trung ương cấp bù khoản hụt thu này để đảm bảo cân đối ngân sách địa phương.
Chính vì vậy, Bộ Tài chính cho rằng, việc tiếp tục thực hiện giảm mức thu LPTB đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước ngoài việc làm giảm thu NSNN được đánh giá là sẽ có những ảnh hưởng nhất định tới cân đối ngân sách năm 2023 của nhiều địa phương.
Ngoài ra, một vấn đề khác được Bộ Tài chính nêu lên là theo Nghị quyết số 48/NQ-CP ngày 05/4/2022 của Chính phủ về việc tăng cường đảm bảo trật tự, an toàn giao thông và chống ùn tắc giao thông giai đoạn 2022-2025, một trong những nhiệm vụ trọng tâm được Chính phủ quán triệt thực hiện là: "Tái cơ cấu vận tải, nâng cao thị phần vận tải đường sắt, đường thủy nội địa, hàng hải, hàng không, giảm dần phụ thuộc vào đường bộ; đẩy mạnh tiến độ đầu tư, phát triển hệ thống vận tải công cộng trong đô thị và liên tỉnh gắn với hạn chế sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân trong các đô thị lớn".
Bộ Tài chính viện dẫn: Việc thực hiện giảm mức thu LPTB đối với ô tô là chưa đảm bảo phù hợp với chủ trương của Chính phủ trong việc tăng cường đảm bảo trật tự, an toàn giao thông và chống ùn tắc giao thông giai đoạn 2022 - 2025.
Bình luận
TVQuản trị viênQuản trị viên
Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm