Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan
Người đứng đầu lâm thời của nhóm vũ trang Hezbollah - ông Naim Qassem đã tuyên bố sẽ hỗ trợ chính phủ Syria chiến đấu với các chiến binh thánh chiến và kêu gọi các quốc gia Ả Rập hỗ trợ Damascus, RT đưa tin.
"Cuộc tấn công vào Syria được Mỹ và Israel bảo trợ" - ông Naim Qassem tuyên bố.
Vị này đồng thời nói rằng các nhóm Hồi giáo cực đoan "luôn là công cụ của Mỹ và Israel từ năm 2011, khi vấn đề bắt đầu ở Syria".
Ông Qassem tuyên bố rằng Mỹ đang cố gắng “tạo ra sự hỗn loạn ở Syria và biến Syria từ vị trí kháng cự chuyển sang một vị trí thù địch khác phục vụ cho kẻ thù Israel,” nhưng ông bày tỏ hy vọng Damascus sẽ vượt qua được điều này.
Ông cũng kêu gọi các quốc gia Ả Rập và cộng đồng Hồi giáo, yêu cầu họ giúp Syria chiến đấu chống lại các chiến binh thánh chiến, đồng thời cáo buộc người Ả Rập chỉ im lặng nhìn những gì đang xảy ra, so sánh với cuộc chiến ở Gaza và các cuộc tấn công của Israel vào Lebanon.
Bên cạnh Hezbollah thì Iran cũng đã thể hiện sự ủng hộ mạnh mẽ chính quyền của Tổng thống Bashar al-Assad.
Bộ trưởng Ngoại giao Iran Abbas Araghchi cho biết Tehran sẽ hỗ trợ Damascus đẩy lùi cuộc tấn công của phiến quân thánh chiến ở Syria vì đây là mối nguy hiểm đối với toàn bộ khu vực.
“Các nhóm khủng bố Takfiri đã vạch ra một âm mưu dài hạn nhằm gây mất an ninh và bạo lực trong khu vực. Mục tiêu của chúng tôi là tăng cường tham vấn và phối hợp để hỗ trợ chính phủ và người dân Syria” - ông Araghchi cho biết.
Tại cuộc họp ở Baghdad, Iran và Iraq đã cam kết phối hợp chính sách về Syria. Thủ tướng Iraq Mohammed Shia al-Sudani cho biết cuộc khủng hoảng ở Syria có "tác động rõ ràng" đến an ninh Iraq và cần phải được ngăn chặn.
Tổng thống Iraq Latif Rashid cho biết: "Điều cấp thiết là chúng ta phải đoàn kết để bảo vệ sự thống nhất, chủ quyền và sự an toàn của người dân Syria".
Đầu tuần này, Araghchi cho biết Tehran sẽ cân nhắc can thiệp quân sự công khai vào Syria nếu Damascus yêu cầu. Iran đã cung cấp cho chính phủ của Tổng thống Bashar Assad dữ liệu tình báo và vệ tinh, một quan chức cấp cao muốn giấu tên đã nói với Reuters hôm 6/12.
"Có khả năng Tehran sẽ cần gửi thiết bị quân sự, tên lửa và máy bay không người lái tới Syria" - một quan chức Iran giấu tên cho biết thêm.
Người này đồng thời lưu ý rằng Iran đã "thực hiện mọi bước cần thiết để tăng số lượng cố vấn quân sự tại Syria và triển khai quân đội".
Trong khi đó, quốc gia láng giềng Syria là Thổ Nhĩ Kỳ đã bày tỏ quan điểm khác về cuộc chiến này.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan trong một tuyên bố hôm 6/12 đã bày tỏ ủng hộ "cuộc diễu hành" của các nhóm thánh chiến Syria đến thẳng Damascus.
Ông cho rằng, những phần tử nổi dậy là "đối lập ôn hòa" và khẳng định Ankara đã kêu gọi Damascus “cùng nhau quyết định tương lai của Syria”, nhưng “không nhận được phản hồi tích cực”.
"Idlib, Hama, Homs, và mục tiêu, tất nhiên, là Damascus. Cuộc diễu hành của phe đối lập vẫn tiếp tục. Mong muốn của chúng tôi là cuộc diễu hành này ở Syria sẽ tiếp tục mà không có tai nạn hay thảm họa" - ông Erdogan nói.
Trong khi Erdogan bày tỏ cam kết bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ của Syria, ông cũng cho biết "phe đối lập hợp pháp" cần phải được lắng nghe.
Tuần này, Bộ trưởng Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ Hakan Fidan dường như đổ lỗi cho chính quyền Damascus về việc các chiến binh thánh chiến tiếp tục tấn công, tuyên bố rằng "các vấn đề liên quan" của đất nước này vẫn chưa được giải quyết trong hơn 13 năm.
Theo các báo cáo của phương tiện truyền thông vào thứ sáu, hàng ngàn người đang chạy trốn khỏi thành phố lớn thứ ba của Syria là Homs, trong bối cảnh các báo cáo cho biết phiến quân vẫn tiếp tục tiến quân.
Homs là thành phố tiếp theo về phía nam trên con đường từ Aleppo đến Damascus. Lãnh đạo HTS Abu Mohammed al-Jawlani được cho là đã cảnh báo người dân Homs: "thời của các người đã đến".
Bình luận
TVQuản trị viênQuản trị viên
Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm