Trong hiệp hai trận đấu giữa tuyển Việt Nam và Oman, đội chủ nhà có tình huống ghi bàn từ chấm phạt góc bên phía cánh phải. Trước đó, họ cho một loạt cầu thủ tập trung đứng gần vị trí của thủ môn Văn Toàn để cản thủ thành của tuyển Việt Nam bay lên đấm bóng.
Bàn thua này khiến nhiều người tranh cãi và mỗi bên đều có những lý lẽ riêng của mình, trong khi trọng tài công nhận bàn thắng và tuyển Việt Nam bị vươn lên dẫn trước 2-1 qua đó đánh mất thế trận và phải trắng tay rời sân đối thủ.
Về chiến thuật dàn xếp đá phạt góc kỳ lạ của đội chủ nhà Oman, cựu HLV đội tuyển U19 Việt Nam Troussier chia sẻ với giới truyền thông: "Về cách thức dàn xếp đá phạt góc của Oman, tôi từng đối mặt với vấn đề tương tự khi dẫn dắt Đội tuyển Nam Phi chạm trán Đan Mạch tại World Cup 1998. Họ xếp những cầu thủ to lớn chắn kín khu vực gần cột 1 và vạch cầu môn.
Phương án dàn xếp phòng ngự trong những tình huống cố định thế này cần được tập trung giành cho bóng, chứ không phải cho đối phương. Oman cắm tới 5 người đi nữa, trên sân cũng chỉ có 1 quả bóng để họ ghi bàn mà thôi.
Mục tiêu của Oman khi cắm đông đảo số lượng người hướng tới việc gây rối và cản trở không gian hoạt động của thủ môn. Như vậy, khi chúng ta bổ sung thêm hậu vệ vào khu vực này, đó chính là điều đối phương mong đợi, với sự hỗn loạn ngay trước khung thành nhân lên gấp bội, qua đó càng khiến thủ môn gặp khó khăn trong kiểm soát tình huống.
Để tránh sập bẫy, không nên kèm 1với 1 và bị hút theo vị trí đối phương, hãy cứ mặc kệ đối phương tuỳ nghi cắm người họ muốn. Phương án tôi từng sử dụng trước Đan Mạch là phòng ngự theo khu vực, với 2-3 cầu thủ sở hữu chiều cao tốt nhất đội đứng chắn rìa cột 1, ngoài phạm vi đối phương đang bao lấy vạch vôi.
Tại khu vực dưới vạch 5m50, tôi vẫn bố trí một hàng phòng ngự tiêu chuẩn cũng theo định hướng khu vực, nhằm ngăn chặn bất kì tình huống băng cắt nào của số đối phương phía ngoài và phản ứng với tình huống bóng hai.
Hơn nữa, một hậu vệ cần tiến lại gần nhất có thể, đối diện chấm đá, nhằm gây rối và tạo sức ép lên cầu thủ đá phạt góc. Ngoài ra, có thể hạn chế số lượng đối phương trong vòng cấm bằng cách cắt cử 1-2 cầu thủ tấn công cắm ở vạch nửa sân, qua đó gây sức ép ngược và ghim người.
Với bố trí như vậy, cầu thủ đá phạt, nếu làm theo đúng bài dàn xếp tấn công, gần như chắc chắn phải thực hiện một đường bóng cong, cao và bổng vào phía trong hướng tới mục tiêu khung thành. Sở hữu 2-3 cầu thủ đứng chắn trước khu vực cột 1 giúp tôi có lợi thế chắn bóng tới nhóm đối phương đang cắm trong. Bóng sẽ bị phá ra trước khi nhóm này có thể đón lõng.
Trong trường hợp cú đá của đối phương được thực hiện với chất lượng tốt, bóng cuộn và đi xoáy, vượt qua nhóm hậu vệ chắn cột 1, nghe có vẻ vô trách nhiệm, nhưng đó là khu vực mà thủ môn phải tự mình đảm đương và hoàn toàn chịu trách nhiệm.
Bóng dù đi cao và cuộn với đối phương bám xung quanh, thủ môn trên thực tế vẫn sở hữu lợi thế hơn về chiều cao với khả năng bật nhảy và quyền sử dụng sải tay dài vươn ra đón bóng.
Việc bỏ bớt hậu vệ ra khỏi khu vực hỗn loạn trước đó đã giải phóng rất nhiều giới hạn đặt lên không gian hoạt động thủ môn. Khả năng phán đoán chọn điểm rơi cần được thực hiện. Ngoài ra, hình ảnh một thủ môn bị 4-5 đối phương vây quanh ngay trên vạch vôi mà không có hậu vệ nào hỗ trợ còn đem tới ấn tượng thị giác cho trọng tài.
Bất kì động thái xô đẩy, tì tay hay tác động nào lên thủ môn đều dễ dàng khiến trọng tài chú ý. Nhẹ sẽ là cảnh cáo, nặng sẽ là phạt lỗi. Kể cả trong trường hợp thủ môn chạm được vào bóng nhưng không bắt dính do áp lực hành động đối phương, thậm chí rơi bóng vào trong khung thành, chắc chắn trọng tài vẫn sẽ ưu tiên giành lợi thế cho đội phòng ngự."
Trong khi đó, trao đổi với trang pháp luật và bạn đọc, cựu danh thủ Huỳnh Quang Thanh nhận định về bàn thua của Văn Toản sau pha đá phạt góc tinh quái của đối thủ.
"Tôi nghĩ tình huống này Văn Toản hơi non. Có lẽ cậu ấy mới lần đầu bắt ở một trận đấu lớn như vậy nên cũng chưa tính toán được chuyện đó, nhưng nếu người đứng sát như thế thì phải có ai nhắc Văn Toản đẩy họ ra, hoặc né khu vực đó ra.
Khi bóng bay vào thì thủ môn phải bay người đấm bóng trước hàng hậu vệ, không được để người ta đè mình ở khu vực 5m50, bởi họ đè thế thì ta đâu di chuyển được. Mà nếu thủ môn không đấm bóng thì trọng tài sẽ không thổi bắt lỗi cầu thủ đối phương đâu".
Cựu tuyển thủ Việt Nam nói tiếp: "Tình huống này ngày xưa tôi đá ở Long An cũng gặp rồi. Cầu thủ Khánh Hòa họ dùng bài tương tự, thủ môn Long An không nhảy lên đấm bóng, không có tranh chấp nên trọng tài không cắt còi bắt lỗi.
Nói chung tôi thấy pha bóng như thế này nếu không đẩy được cầu thủ đối phương ra thì thủ môn phải đứng hơi xa một chút, rồi canh lúc bóng bay vào để nhào ra đấm bóng. Thủ môn lao lên đấm bóng trước như thế, giả sử đấm không được thì cũng sẽ ập vào đường chạy của đối phương. Khi đó trọng tài sẽ thổi còi vì cầu thủ đội bạn đã cản bước di chuyển của thủ môn và như thế là phạm lỗi rồi.
Còn tình huống này tôi thấy Văn Toản không nhảy lên. Cậu ấy cứ xô xô người rồi đứng sát ngay đó. Đến lúc bay lên thì bóng vào lưới mất rồi".
Cũng bàn về tình huống này, cựu thủ môn Dương Hồng Sơn phân tích trên trang Pháp luật và bạn đọc: Theo tôi, vị trí thủ môn quan trọng là phải chỉ huy được hàng phòng ngự, làm sao cho mình có khoảng trống để chơi bóng. Còn khi đã không có khoảng trống, cộng thêm việc bị che khuất tầm nhìn, tình huống lại đông người quá thì mình rơi vào cảnh không di chuyển được.
Đội tuyển Việt Nam thua bàn đó tôi nghĩ do các bạn ấy tập trung người nhiều quá nhưng lại không theo tình huống bóng. Đường bóng này nhìn thì đơn giản nhưng thực ra rất nguy hiểm. Thủ môn nếu không chỉ huy được hàng phòng ngự, không đẩy được đối phương lên thì khó có khoảng trống mà chơi.
Hôm qua Văn Toản chơi một trận đấu khá tốt, ra vào hợp lý, nhưng ở bàn thua phạt góc, tôi nghĩ thủ môn cần chỉ huy hàng phòng ngự để đẩy đối phương lên, tìm cho mình tầm nhìn và khoảng trống để chơi bóng", HLV Dương Hồng Sơn chia sẻ.
Bình luận
TVQuản trị viênQuản trị viên
Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm