Theo số liệu của UBND thành phố Hà Nội, tính đến ngày 27/6/2023, trên địa bàn thành phố có tổng số 712 dự án chậm tiến độ, chậm triển khai, vi phạm pháp luật đất đai. Trong đó, có 135 dự án vốn ngoài ngân sách chưa có quyết định giao đất cho thuê đất, 404 dự án đã được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất và 173 dự án do UBND các quận, huyện, thị xã đề xuất mới, tiếp tục kiến nghị xử lý.
Thành ủy, UBND, HĐND thành phố Hà Nội đã chỉ đạo rà soát, xử lý dự án chậm triển khai trên địa bàn. Đến nay, Hà Nội đã xử lý được 419 dự án chậm triển khai. Hiện còn 293 dự án cần xử lý trong thời gian tới. Trong đó, thành phố đã giao Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội thực hiện 137 dự án; UBND các quận, huyện, thị xã thực hiện 81 dự án; Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội thực hiện 11 dự án; Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội thực hiện 17 dự án; 46 dự án giao các ngành liên quan và UBND các quận, huyện, thị xã...
Theo Sở Kế hoạch và đầu tư Hà Nội, mục tiêu của thành phố là đến hết tháng 11/2023 cơ bản giải quyết xong 293 dự án. Đến hết tháng 11/2023, nếu nhà đầu tư không thực hiện hoặc cố tình chây ỳ sẽ kiên quyết hủy bỏ, thu hồi giấy phép đầu tư.
Hà Nội đặt mục tiêu hết tháng 11/2023 xử lý dứt điểm 293 dự án chậm tiến độ, chậm triển khai (Ảnh: TN)
Hiện nay, thành phố Hà Nội đang xử lý các dự án chậm triển khai theo hướng tập trung hỗ trợ thủ tục đầu tư cho các dự án đẩy nhanh tiến độ triển khai và kiên quyết thu hồi, dừng các dự án không đủ điều kiện hoặc vi phạm quy định. Tuy nhiên, với số lượng dự án chậm tiến độ, chậm triển khai lớn, trải qua nhiều giai đoạn chuyển tiếp. Cùng với đó, chính sách, quy định của pháp luật có nhiều thay đổi qua các thời kỳ; quá trình triển khai có nhiều diễn biến mức độ khác nhau; các thủ tục liên quan đến nhiều cấp, nhiều ngành và chịu sự điều chỉnh của nhiều văn bản quy phạm pháp luật.
Theo đại diện Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội, thực trạng về các dự án chậm tiến độ, chậm triển khai là vấn đề gây nhức nhối dư luận. Hàng chục năm qua, câu chuyện về những dự án chậm tiến độ, chậm triển khai không chỉ thu hút sự chú ý từ cơ quan báo chí, truyền thông mà còn là vấn đề được các chuyên gia, nhà quản lý, người dân đặc biệt quan tâm, bởi đó là tài nguyên quý, nguồn lực quan trọng cho quá trình phát triển kinh tế-xã hội. Những dự án chậm tiến độ không chỉ tạo ra khung cảnh nhếch nhác, mất mỹ quan đô thị mà còn gây ra những thiệt hại to lớn về kinh tế, kéo theo đó là mầm mống phát sinh của hàng loạt những vấn đề bất cập khác, làm giảm niềm tin của người dân vào chính sách của Nhà nước. Nhiều người dân trong diện bị thu hồi đất đã phản ứng mạnh mẽ, thậm chí làm đơn khiếu kiện...
Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Trọng Đông cũng chỉ đạo các Sở, ngành tuyệt đối không để xảy ra tình trạng lợi dụng việc điều chỉnh quy hoạch, điều chỉnh chủ trương đầu tư để hợp thức hóa việc gia hạn các dự án chậm triển khai. Đối với các dự án đủ điều kiện tiếp tục rà soát, phân loại vướng mắc để tham mưu đề xuất giải quyết đối với các nội dung thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan trung ương và tập trung tháo gỡ dứt điểm khó khăn thuộc thẩm quyền giải quyết của thành phố, nhất là trong giải phóng mặt bằng.
Trong đó, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội có trách nhiệm giám sát, đôn đốc các sở, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã thanh tra, kiểm tra và có kết luận đối với từng dự án; làm rõ nguyên nhân, đề xuất các giải pháp; quyết liệt xử lý dứt điểm, triệt để các dự án chậm tiến độ, chậm triển khai.
Ngoài ra, Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội xử lý nghiêm, triệt để đối với các dự án chưa được Nhà nước giao đất, cho thuê đất (đã có quyết định chủ trương, chấp thuận chủ trương đầu tư, chấp thuận đầu tư, văn bản giao chủ đầu tư nghiên cứu), đến nay đã quá tiến độ thực hiện (đặc biệt là các dự án chậm tiến độ kéo dài nhiều năm, dự án điều chỉnh nhiều lần), hoàn thành xong trong tháng 11/2023.
Bình luận
TVQuản trị viênQuản trị viên
Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm