Thứ trưởng Ngô Thị Minh phát biểu chỉ đạo tại phiên họp.
Phiên họp được tổ chức bằng hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến.
So với hơn 10 năm trước đây, trẻ em ngày nay có những bước phát triển tốt trong nhận thức, sức khỏe thể lực, ngôn ngữ… do nền kinh tế phát triển, điều kiện tham gia học tập tại trường mầm non dần được cải thiện. Trẻ em ngày càng mạnh dạn, tự tin hơn trước đây trong việc học và mở rộng hiểu cho bản thân; tự khẳng định bản thân trong giao tiếp xã hội; trẻ nhanh chóng tiếp cận với công nghệ do có nhiều cơ hội tiếp xúc với các thiết bị số trong học tập và trong cuộc sống.
Trong những năm gần đây, Bộ GD&ĐT đã chỉ đạo rõ nét và cụ thể định hướng giáo dục mầm non theo quan điểm “lấy trẻ làm trung tâm”. Đây là một xu hướng đúng đắn mà các nước tiên tiến đang thực hiện. Xu hướng đổi mới của GD Mầm non Việt Nam hiện nay đã làm thay đổi quá trình “trẻ học qua chơi”, “trẻ học qua thực hành, trải nghiệm”… làm cho trẻ em ngày càng tự lập; chủ động hơn trong tư duy và hành động; nhạy bén với việc tìm hiểu và khám phá thế giới gần gũi để xây dựng vốn hiểu biết cho mình.
Vụ trưởng Nguyễn Bá Minh trình bày đề cương xây dựng Bộ chuẩn phát triển trẻ em 5 tuổi
Thực tế cho thấy “Bộ chuẩn phát triển trẻ em 5 tuổi” được ban hành từ năm 2010, tính đến nay đã hơn 10 năm sử dụng, cũng cần có nghiên cứu đánh giá và điều chỉnh cho phù hợp với cách tiếp cận mới trong GD Mầm non “lấy trẻ làm trung tâm”, hướng đến hình thành năng lực cho trẻ nói chung, những năng lực cần thiết để trẻ sẵn sàng đi học lớp 1 nói riêng, phù hợp và liên thông với những năng lực cần thiết ở giáo dục phổ thông. Do đó, chương trình giáo dục và đánh giá sự phát triển của trẻ em cần phải gắn với bối cảnh cuộc sống và điều kiện học tập mới.
Trình bày Đề cương bộ chuẩn “Bộ chuẩn phát triển trẻ em 5 tuổi” đang được xây dựng, Vụ trưởng Vụ GD Mầm non Nguyễn Bá Minh cho biết, đã kế thừa bộ chuẩn 5 tuổi cũ, cập nhật những biến đổi xã hội đáp ứng thực tiễn, tham khảo xu hướng nghiên cứu và phát triển chuẩn học tập và phát triển trẻ em của các nước trên thế giới. Ban soạn thảo cũng tổ chức các hoạt động nghiên cứu và khảo sát của Bộ GD&ĐT tại các địa phương, tổ chức nhiều hội thảo - tập huấn, tọa đàm cấp quốc gia và hỗ trợ địa phương triển khai sử dụng Bộ chuẩn cho các tỉnh trong toàn quốc theo từng giai đoạn.
Nội dung Đề cương cũng đảm bảo việc xây dựng có sự điều chỉnh hợp lý, hầu hết ý kiến của giáo viên mầm non, phụ huynh, cán bộ quản lý thống nhất Bộ chuẩn phát triển trẻ em 5 tuổi có mối quan hệ chặt chẽ với Chương trình GD Mầm non. Chuẩn cần được nhìn nhận vai trò quan trọng trong định hướng xây dựng Chương trình GD Mầm non và ban hành chính sách có liên quan đến trẻ em. Trên thực tế, giáo viên đã dựa vào các chỉ số ở Bộ chuẩn kết hợp với Chương trình GD Mầm non để xây dựng kế hoạch giáo dục; xây dựng bộ công cụ theo dõi sự phát triển của trẻ 5 tuổi...
Phiên họp được tổ chức trực tiếp và trực tuyến, các đại biểu tham luận tại điểm cầu
Nêu ý kiến tại phiên họp, các chuyên gia độc lập đến từ các Bộ, ngành liên quan, cơ sở giáo dục mầm non, vụ chức năng của Bộ GD&ĐT - đã lưu ý về căn cứ phát triển kinh tế xã hội, thay đổi thể chất phát triển của trẻ đòi hỏi tiêu chí thay đổi theo thời điểm; vấn đề dinh dưỡng cho trẻ, thông tư phải đảm bảo tính khoa học cao...
Phát biểu chỉ đạo, Thứ trưởng Ngô Thị Minh đặc biệt nhấn mạnh việc rất cần thiết phải có Bộ chuẩn phát triển trẻ em 5 tuổi. Thứ trưởng đánh giá cao các chuyên gia đã ý kiến xây dựng, đưa ra kết quả nghiên cứu, đây là căn cứ để Ban soạn thảo, tổ biên tập chuẩn bị hoàn chỉnh. Thứ trưởng gợi mở, Ban soạn thảo, tổ biên tập cần tiếp tục chỉnh sửa để Đề cương xây dựng “Bộ chuẩn phát triển trẻ em 5 tuổi” đảm bảo tính liên thông với GD phổ thông 2018...
"Bộ chuẩn phát triển trẻ em 5 tuổi" phải có tính kế thừa, bổ sung cái mới phải có thuyết trình vì sao đưa cái mới vào. Cần đánh giá đức trí thể mỹ một cách toàn diện, quan hệ xã hội yêu cầu đối với trẻ em thế nào. Tiếp cận với các bộ luật đã ban hành, tích hợp, tính toán sao cho phù hợp. Đa dạng cách tiếp cận và kế thừa bộ chuẩn cũ, cùng sự đa dạng chăm sóc giáo dục trẻ. Cần có sự nghiên cứu tính toán phù hợp với vùng miền, tiếp tục ý kiến đảm bảo việc tổ chức thực hiện trong ngành giáo dục, gia đình và cộng đồng. – Thứ trưởng Ngô Thị Minh |
Bình luận
TVQuản trị viênQuản trị viên
Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm