Thu nhập giảm, giá điện giá thực phẩm tăng công nhân hoang mang lo lắng
Hà Nội bước vào những ngày đầu hè, nhiệt độ có ngày lên tới hơn 40 độ C. Dù vậy, tại những xóm trọ nghèo, công nhân vẫn phải chôn chân trong những căn phòng chật hẹp, nóng bức, lợp mái tôn chỉ chưa đầy 10m2.
Từ đầu năm tới nay công việc của chị Lưu Thị Anh (33 tuổi), quê Nghệ An - đang làm công nhân may ở Khu công nghiệp Thăng Long (Hà Nội) ít hơn trước. Đơn hàng giảm, công ty cho công nhân nghỉ luân phiên, không có tăng ca.
Chị Lưu Thị Anh chia sẻ: "Trước đây đi làm tăng ca tháng được 8-10 triệu đồng tiền lương, giờ thì thu nhập chỉ còn hơn 5 triệu đồng. Lương thấp, chi tiêu lại tăng vì giá điện tăng, giá thực phẩm... đều tăng hơn trước".
Đời sống công nhân đang rất khó khăn, nhiều lao động chọn cách tiết kiệm chi phí ăn uống để duy trì cuộc sống. Ảnh: Lao động ở trọ tại Đông Anh, Hà Nội - Nguyễn Hải
Khổ nhất là trước đây, công ty nhiều việc, công nhân tăng ca ở xưởng cả ngày, nên chi phí cho tiền ăn, tiền điện cũng ít hơn. Ở xưởng công ty bật điều hòa, bao thêm 2 bữa ăn nên chi phí sinh hoạt giảm nhiều.
Cùng chung nỗi niềm, chị Nguyễn Thị Hiền - Công nhân Công ty Chế tác linh kiện điện tử tại Khu công nghiệp Thăng Long cũng đang rất lo lắng vì tiền điện tăng cao. Chị Hiền nói: "Mấy năm trước, gia đình khó khăn, không dám lắp điều hòa. Cả nhà 4 người nhốt mình vào căn phòng trọ hơn 10m2 lợp mái tôn. Mùa đông thì lạnh, mùa hè nóng bức, chật chội. Mỗi lần nấu ăn xong là cảm giác như tắm. Tiết kiệm mãi mới đây nhà tôi mới dám mua 1 chiếc điều hòa Nhật bãi, giờ điện tăng giá, cũng đâu dám bật", chị Hiền kể.
Hiện tại tiền lương của chị Hiền đã giảm gần 1 nửa. Trước kia có thời điểm tăng ca được hơn 10 triệu đồng/tháng, giờ thì chỉ còn 5,5 triệu đồng/tháng. Theo chị Hiền khoản tiền lương này không đủ để chi tiêu sinh hoạt, trả tiền nhà trọ, tiền ăn uống và nuôi hai con ăn học.
"Không chỉ thu nhập của tôi, thu nhập của chồng tôi cũng giảm. Tôi đang tính bỏ việc, xin hưởng trợ cấp thất nghiệp rồi rút BHXH 1 lần và ra ngoài làm tự do chứ cứ khó khăn thế này không trụ được", chị Hiền nói.
Nhu cầu tìm việc làm thêm tăng cao, nguy cơ công nhân bị lừa đảo cao
Bức xúc lớn nhất của công nhân, lao động lúc này chính là việc ít thu nhập giảm. Bởi vì thu nhập giảm, chi phí tăng cao nên nhiều công nhân, lao động phải tìm kiếm công việc làm thêm.
Chị Nguyễn Thị Thu - Trưởng nhóm Công nhân tự lực tại Khu Công nghiệp Thăng Long cho biết, qua khảo sát trong nhóm thì thấy đa phần thu nhập của công nhân, lao động đều giảm sâu. Có người giảm tới 50%. Một số công nhân không trụ được nên đã xin nghỉ việc, đăng ký hưởng bảo hiểm thất nghiệp, hoặc đăng ký hưởng BHXH 1 lần rồi ra ngoài làm tự do luôn...
"Một số khác cố bươn chải, tìm kiếm thêm công việc trên mạng để làm thêm, thế nhưng làm thêm chưa thấy được tiền mà lại bị lừa mất tiền. Thành thử nhiều người sợ, thà ở nhà không có việc, mang tiếng lười nhác còn hơn đi làm để bị lừa", chị Thu nói.
Những xóm trọ "ổ chuột" vẫn được nhiều công nhân lựa chọn bởi giá thuê trọ rẻ. Ảnh: NN
Mới đây chị Lương Thị Nhâm, 27 tuổi, công nhân cơ khí đã bị lừa đảo vào đường dây bán hàng đa cấp, mất 15 triệu đồng. Chị Nhâm kể, ban đầu vì công việc công ty giảm, tiền lương 2 vợ chồng chỉ còn hơn chục triệu đồng, không đủ nuôi 2 đứa con nên chị lên mạng tìm kiếm công việc làm thêm.
"Ban đầu mình thấy có trang tuyển cộng tác viên bán hàng online. Họ nói vì là cộng tác viên mới nên mình phải hoàn thành các thử thách. Mỗi lần hãng giao 1 đơn hàng bất kỳ mình phải bán được. Nếu bán được mình sẽ được nhận 30% hoa hồng trên tổng giá trị sản phẩm. Tuy nhiên, để tham gia phải nộp vào công ty 5 triệu đồng xem như tiền ứng trước để lấy sản phẩm về bán. Sau hơn 1 tháng số tiền mình nạp vào đã lên tới 15 triệu đồng, chưa kể số tiền hoa hồng đúng ra mình phải được nhận thêm khi hoành thành các thử thách lên tới 30 triệu đồng nhưng phía công ty vẫn không chịu trả. Tới lúc đòi thì bạn nhân viên kia ngắt liên lạc", chị Nhâm kể.
Nắng nóng nhưng nhiều công nhân lựa chọn giải pháp bật quạt thay cho điều hòa để tiết kiệm tiền điện. Ảnh: NN
Số tiền chị mang đầu tư làm ăn là số tiền chị vay mượn bạn bè, và số tiền tích cóp để đóng tiền học cho con. "Giờ vợ chồng tôi đang buồn quá, không biết nghĩ cách gì làm ăn lấy tiền trả nợ cho bạn. Chồng tôi nói chắc sang tháng anh đăng ký chạy thêm Grab tối, còn tôi chắc cũng phải xin đi rửa bát thêm cho mấy quán ăn nhà hàng để kiếm thêm thu nhập", chị Nhâm ngậm ngùi chia sẻ.
Ông Ngọ Duy Hiểu - Phó chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết đây đang là giai đoạn khó khăn nhất của công nhân lao động. Ưu tiên đầu tiên lúc này là phải giữ việc làm, tạo việc làm bền vững cho người lao động. Trong Tháng Công nhân (tháng 5), Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam cũng đặt mục tiêu chăm lo nhiều hơn cho người lao động có hoàn cảnh khó khăn. Thực hiện các giải pháp nhằm hỗ trợ tạo việc làm giúp đoàn viên mất việc làm quay trở lại thị trường lao động, quay lại với tổ chức công đoàn.
Bình luận
TVQuản trị viênQuản trị viên
Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm