Mới đây, Văn phòng Chính phủ đã công bố kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Hưng Yên.
Theo kết luận này, Thủ tướng đồng ý việc dừng giao Tổng công ty Phát triển hạ tầng và đầu tư tài chính Việt Nam (Vidifi) làm chủ đầu tư 2 khu công nghiệp Tân Dân và Lý Thường Kiệt. Thủ tướng giao UBND tỉnh Hưng Yên lựa chọn các nhà đầu tư mới thay thế Vidifi làm chủ đầu tư. Nhà đầu tư mới có trách nhiệm hoàn trả toàn bộ kinh phí Vidifi đã đầu tư vào 2 khu công nghiệp.
Trước đó, tại buổi làm việc với Thủ tướng, tỉnh Hưng Yên đã đề nghị dừng việc giao cho Vidifi làm chủ đầu tư hạ tầng khu công nghiệp Lý Thường Kiệt và Tân Dân.
Theo lãnh đạo tỉnh Hưng Yên, Vidifi có khu công nghiệp 500ha bỏ hoang từ 11 năm nay (từ năm 2009). Hiện tại, Vidifi đã có văn bản khẳng định không có khả năng thực hiện dự án. Bởi vậy, nếu cứ để như thế sẽ gây thiệt hại rất lớn với Hưng Yên.
Trong khi đó, đây là địa điểm có vị trí tương đối đẹp, ngay cửa ngõ, thuận lợi mà các nhà đầu tư có năng lực, có kinh nghiệm rất quan tâm. Nếu như thay đổi lại được nhà đầu tư, chắc chắn chỉ trong khoảng 1 năm, hơn năm sẽ lấp đầy toàn bộ 500ha này và sẽ mang lại cho ngân sách từ 3.000 - 5.000 tỷ đồng.
Hồi tháng 12/2009, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý bổ sung 3 khu công nghiệp của tỉnh Hưng Yên do Vidifi làm chủ đầu tư vào danh mục các khu công nghiệp ưu tiên thành lập mới đến năm 2015 và định hướng 2020.
Theo đó, 3 khu công nghiệp nêu trên gồm: Tân Dân (diện tích 200ha, tổng vốn đầu tư 65 triệu USD); Lý Thường Kiệt (diện tích 300ha, tổng số vốn đầu tư 160 triệu USD); Thổ Hoàng (diện tích 400ha).
Ngoài việc dừng giao 2 dự án Khu công nghiệp cho Vidifi, Thủ tướng cũng giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Phát triển Việt Nam, Vidifi và các địa phương (Hà Nội, Hải Phòng, Hải Dương, Hưng Yên) báo cáo, đánh giá toàn diện về dự án đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng.
Các bộ ngành này cũng được yêu cầu báo cáo tình hình hoạt động kinh doanh của Vidifi, việc triển khai các dự án khu đô thị, khu công nghiệp dọc tuyến cao tốc Hà Nội - Hải Phòng; phương án tài chính và cơ chế tài chính của dự án, các khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện các dự án khu đô thị, khu công nghiệp; xác định các khoản chi phí Vidifi đã đầu tư cho các dự án.
Trên cơ sở các báo cáo này, các bộ ngành thống nhất phương án xử lý, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 2/2022, nhằm tạo thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, không gây lãng phí nguồn lực đất đai.
Về Vidifi, sau khi thông xe toàn tuyến cao tốc Hà Nội - Hải Phòng từ cuối năm 2015, năm 2016 là năm đầu tiên doanh nghiệp này có nguồn thu từ việc thu phí cao tốc Hà Nội – Hải Phòng sau hơn 7 năm đầu tư, nhưng mức doanh thu không đủ để bù đắp được chi phí vận hành, lãi vay cũng như khấu hao nên dẫn đến việc Vidifi lỗ 1.757 tỷ đồng trong năm đầu khai thác toàn tuyến.
Tính đến cuối năm 2018, tổng nợ phải trả của Vidifi là hơn 41.180 tỷ đồng - phần lớn là khoản vay dài hạn hơn 35.200 tỷ đồng.
Trong năm 2019, doanh thu Vidifi đã có sự khởi sắc đáng kể khi tăng lên 2.362 tỷ so với mức 1.900 tỷ của 2 năm trước đó nhưng chi phí tài chính quá lớn vẫn khiến công ty lỗ thêm 1.200 tỷ trong năm vừa qua. Mức lỗ này đã giảm nhiều so với con số 2.200 tỷ của năm 2017 và 1.500 tỷ năm 2018.
Tuy nhiên, sau 4 năm vận hành, tổng lỗ của Vidifi lên tới gần 6.700 tỷ đồng, tương đương 12% chi phí đầu tư.
Bình luận
TVQuản trị viênQuản trị viên
Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm