Cô và trò Trường THCS Giảng Võ (Hà Nội). Ảnh: Xuân Phú
Bộ GD&ĐT công bố dự thảo Thông tư ban hành Quy chế tuyển sinh THCS và THPT. Đây là khung pháp lý quan trọng để triển khai kỳ tuyển sinh vào lớp 10 đầu tiên theo Chương trình GDPT 2018, tổ chức vào năm 2025.
Quy định cụ thể
Chia sẻ về vấn đề được quan tâm hiện nay là tuyển sinh vào lớp 10 THPT, TS Nguyễn Viết Huy - Phó Trưởng phòng Giáo dục Trung học, Sở GD&ĐT Thái Bình nhận định: So với Văn bản hợp nhất số 03/VBHN-BGDĐT ngày 3/5/2019, dự thảo Thông tư ban hành Quy chế tuyển sinh THCS và THPT Bộ GD&ĐT mới công bố có những điểm đáng chú ý:
Trước hết, dự thảo Quy chế tạo ra khung pháp lý tương đối đầy đủ để tổ chức thực hiện đồng bộ trong cả nước; có định hướng rõ ràng ngay từ đầu, thể hiện ở nguyên tắc công tác tuyển sinh phải bảo đảm mục tiêu giáo dục toàn diện của giai đoạn giáo dục cơ bản; khách quan, công bằng và nghiêm túc.
Dự thảo quy định rõ hơn các đối tượng được tuyển thẳng, chế độ ưu tiên tuyển sinh vào lớp 10 THPT; cụ thể học sinh THCS đoạt giải trong các cuộc thi đối với môn văn hóa, văn nghệ, thể thao cấp quốc gia do Bộ GD&ĐT tổ chức hoặc phối hợp với cơ quan ngang Bộ tổ chức trên quy mô toàn quốc; các cuộc thi quốc tế do Bộ GD&ĐT cử chọn.
Bên cạnh đó, nội dung dự thảo cũng quy định cụ thể trách nhiệm, quyền hạn của các thành viên trong hội đồng ra đề thi, coi thi, chấm thi, phúc khảo bài thi khi tổ chức thi tuyển vào lớp 10 THPT. Đặc biệt, quy định môn thi thứ 3 được lựa chọn trong số các môn có đánh giá bằng điểm số trong chương trình GDPT cấp THCS có sự thay đổi theo các năm nhằm thực hiện mục tiêu giáo dục toàn diện.
“Có thể nói, dự thảo Quy chế đã thay đổi khá nhiều về nội dung với quan điểm chỉ đạo có định hướng và mục tiêu rõ ràng so với các văn bản hiện hành.
Dự thảo Quy chế nếu được sự đóng góp ý kiến của các chuyên gia, cán bộ quản lý, nhà giáo và tầng lớp nhân dân, theo tôi khi ban hành sẽ có tác động lớn đến cơ quan quản lý giáo dục, cơ sở giáo dục trong việc lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành việc đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra, đánh giá.
Hướng tới mục tiêu thực hiện thắng lợi Chương trình GDPT 2018 ở các cấp học; tạo điều kiện cho cơ quan quản lý giáo dục có căn cứ trong việc hoạch định chiến lược giáo dục ở địa phương”, TS Nguyễn Viết Huy nhận định.
Bày tỏ đồng tình với dự thảo Quy chế, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT An Giang Trần Tuấn Khanh cho rằng, dự thảo đã quy định cụ thể, rõ ràng các hình thức, phương pháp tuyển sinh; đối tượng được tuyển thẳng, cộng điểm ưu tiên.
Một số điểm mới đối với tuyển sinh THCS theo ông Trần Tuấn Khanh đáng lưu ý liên quan đến việc đã nêu rõ phương thức tuyển sinh (chủ yếu xét tuyển). Trường hợp nhà trường có số học sinh đăng ký vào học lớp 6 nhiều hơn chỉ tiêu thì được thực hiện tuyển sinh theo phương thức kết hợp xét tuyển với kiểm tra, đánh giá năng lực học sinh. Dự thảo cũng cho phép học sinh hoàn thành chương trình xóa mù chữ tiếp tục học cấp THCS theo nhu cầu và có độ tuổi theo quy định.
Đối với tuyển sinh THPT, ông Trần Tuấn Khanh nhận định, dự thảo cơ bản đáp ứng được nhu cầu thực tế tại các địa phương. Đáng chú ý, dự thảo quy định 3 phương thức xét tuyển, thi tuyển, kết hợp thi tuyển và xét tuyển; quy định rõ môn thi gồm Toán, Ngữ văn và một môn thi thứ ba hoặc bài thi tổ hợp do sở GD&ĐT, cơ sở giáo dục đại học có trường THPT lựa chọn và được công bố trước ngày 31/3 hằng năm.
Môn thi thứ ba được lựa chọn trong số các môn học có đánh giá bằng điểm số thuộc chương trình giáo dục phổ thông cấp THCS. Việc lựa chọn môn thi thứ ba có sự thay đổi qua các năm nhằm thực hiện mục tiêu giáo dục toàn diện trong giai đoạn giáo dục cơ bản.
Bài thi tổ hợp các môn học được lựa chọn trong số môn học có đánh giá bằng điểm số thuộc chương trình giáo dục phổ thông cấp THCS. Thời gian làm bài thi cũng được quy định cụ thể (Ngữ văn 120 phút, Toán 90 phút hoặc 120 phút, môn thứ ba là 60 phút hoặc 90 phút).
Với tuyển sinh vào trường THPT chuyên, học sinh phải thi thêm 1 môn thi chuyên; bài thi môn chuyên có nội dung phù hợp để lựa chọn được học sinh có năng khiếu. Thời gian làm bài thi môn chuyên là 150 phút.
Cô trò Trường THCS Đống Đa, quận Đống Đa, Hà Nội. Ảnh: NTCC
Quan tâm hơn đến chất lượng giáo dục
Ông Nguyễn Tân - Giám đốc Sở GD&ĐT Thừa Thiên Huế cho rằng, tuyển sinh THPT được tổ chức theo một trong ba phương thức: Thi tuyển; kết hợp thi tuyển với xét tuyển; xét tuyển là phù hợp. Thực tế, nhiều địa phương sử dụng phương thức thi tuyển kết hợp xét học bạ vào trường THPT công lập đại trà có kết quả rất tốt.
Nếu sử dụng phương thức kết hợp thi tuyển với xét tuyển, tỷ lệ điểm học bạ nên chiếm khoảng 20% đến dưới 30% để đánh giá được cả quá trình học tập của học sinh ở THCS. Phần trăm còn lại là dùng điểm thi môn Toán, Ngữ văn và một môn thứ 3 như quy định trong dự thảo Quy chế tuyển sinh THCS và THPT Bộ GD&ĐT đưa ra.
Đưa quan điểm này, ông Nguyễn Tân nhấn mạnh thêm: Tổ chức thi vào lớp 10 THPT có tác động tích cực, “đụng” đến cả quá trình dạy ở THCS và quản lý của địa phương; khắc phục được tình trạng “ngồi nhầm lớp”; thúc đẩy nhà trường, giáo viên quan tâm, lo lắng hơn đến chất lượng giáo dục; học sinh chăm lo hơn cho việc học.
Tuy nhiên, điều các địa phương quan tâm nhất là việc ra được đề thi có chất lượng, công bằng phù hợp với năng lực, kiến thức của học sinh. Do đó, rất mong sự hỗ trợ của Bộ GD&ĐT trong xây dựng ngân hàng đề dùng chung. Cách làm này cũng góp phần giúp hạn chế tình trạng dạy thêm, học thêm và giảm nguy cơ lộ đề.
Góp ý cho dự thảo Quy chế, TS Nguyến Viết Huy cho rằng, cần quy định rõ hơn việc lựa chọn môn thi thứ 3 đảm bảo mục tiêu giáo dục toàn diện trong giai đoạn giáo dục cơ bản. Nếu quy định việc lựa chọn môn thi thứ 3 có sự thay đổi theo các năm thì học sinh có thể hiểu năm nay thi môn này, sang năm hoặc các năm sau không thi môn đó nữa.
Đồng thời, cần quy định rõ việc công bố điểm chuẩn và chỉ tiêu tuyển sinh phải được thực hiện sau khi phúc khảo bài thi để tránh sự xáo trộn của các cơ sở giáo dục trong tình huống có nhiều bài thi phúc khảo thay đổi điểm so với ban đầu.
Cũng đề cập nội dung về điểm chuẩn, ông Trần Tuấn Khanh cho rằng, dự thảo quy định “việc công bố điểm chuẩn được thực hiện đồng thời với công bố điểm thi” gây áp lực lớn đến Hội đồng tuyển sinh theo hình thức thi tuyển. Lý do, sau khi chấm thi, Hội đồng tuyển sinh cần phải có thời gian họp xét, rà soát điểm chuẩn, sau đó mới công bố điểm chuẩn. Trong khi đó, học sinh tham gia kỳ thi mong muốn biết điểm sớm.
Trước thực trạng cạnh tranh căng thẳng, áp lực trong kỳ thi vào lớp 10 ở nhiều địa phương, Giám đốc Sở GD&ĐT Thừa Thiên Huế cho rằng: Quyết định số 522/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong GDPT giai đoạn 2018 – 2025” đến thời điểm này nên có sự điều chỉnh cho phù hợp. Quy định cứng về tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THCS vào THPT, tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THPT vào đại học không còn phù hợp trong bối cảnh hiện nay.
Bình luận
TVQuản trị viênQuản trị viên
Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm