Kiến nghị trên được đưa ra trong báo cáo về tình hình dạy học sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán (tính đến 16/2), trước thực trạng mỗi nơi khoanh vùng F1 một kiểu khiến nhiều giáo viên, học sinh phải chuyển sang dạy và học trực tuyến nhiều ngày rồi mới quay lại học trực tiếp.
Theo Bộ GD-ĐT, từ đợt bùng phát dịch lần thứ 4 đến nay, toàn ngành có 162.917 cán bộ, giáo viên, giảng viên, học sinh, sinh viên nhiễm Covid-19, trong đó cán bộ, giáo viên: 27.677 người; trẻ em, học sinh và sinh viên: 135.244 em.
Đặc biệt, sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, khi tổ chức các hoạt động dạy học trực tiếp, một số địa phương có tỷ lệ giáo viên, học sinh nhiễm Covid-19 tăng mạnh, gồm: Hải Phòng 9.649 ca (chiếm 1,76%), Hà Tĩnh 675 ca (chiếm 0,24%), Nghệ An 298 ca (chiếm 0,08%)...
Tình hình trên đã dẫn đến nhiều cơ sở giáo dục phải chuyển đổi hình thức dạy học trực tiếp kết hợp học trực tuyến vì phát hiện có ca F0 trong cán bộ, giáo viên và học sinh. Một số ít địa phương chưa quyết định mốc thời gian cụ thể cho trẻ em mầm non, học sinh tiểu học đến trường.
Đặc biệt, một số địa phương còn quan điểm khác nhau về thời gian, thời điểm, cách thức, quy mô cho trẻ em, học sinh đi học trực tiếp. Có nơi triển khai đồng loạt, có nơi thận trọng triển khai từng bước và có thí điểm thăm dò, đặc biệt là đối với cấp mầm non và tiểu học.
Hiện các địa phương cũng có quan điểm khác nhau về thời gian, thời điểm, cách thức, quy mô học trực tiếp. Có nơi đã triển khai đồng loạt, nơi lại thận trọng thí điểm, thăm dò. Tính đến 16/2, có chín tỉnh, thành chưa cho trẻ mầm non đến trường gồm Hậu Giang, Trà Vinh, Hưng Yên, Vĩnh Long, Hà Nội, Phú Yên, An Giang, Tiền Giang. Sáu địa phương chưa cho tiểu học đi học gồm Hậu Giang, An Giang, Đà Nẵng, Tiền Giang, Hưng Yên (chỉ tổ chức khối 1), Vĩnh Long (chỉ tổ chức khối 5, 6).
Nhiều trường học còn lúng túng khi xử lý học sinh F0, F1. Việc khoanh vùng xác định F1 chưa hợp lý dẫn đến nhiều học sinh phải nghỉ học trực tiếp. Có nơi cho cả lớp hoặc cả khối dừng đến trường khi phát hiện F0 trong một lớp học.
"Một số địa phương còn yêu cầu 100% học sinh phải xét nghiệm Covid-19 trước khi đến trường, phần kinh phí do phụ huynh chi trả, gây ra những phản ứng không cần thiết. Việc tổ chức bán trú và học hai buổi cũng rất khác nhau giữa các địa phương", báo cáo nêu.
Các địa phương ghi nhận nhiều phụ huynh chưa yên tâm cho trẻ trở lại trường, đặc biệt với cấp mầm non và tiểu học, dẫn đến tỷ lệ đi học thấp. Tại TP HCM, ngày 14/2, chỉ 66,3% trẻ mầm non đến trường. Hải Phòng ngày 15/2 ghi nhận 11,7% trẻ mầm non tới lớp.
Trước tình hình trên, Bộ GD-ĐT đề nghị Bộ Y tế xem xét, điều chỉnh quy định về thời gian cách ly y tế và số lần xét nghiệm cho trường hợp F1 theo hướng rút gọn thời gian cách ly y tế và số lần xét nghiệm đối với trường hợp F1 là giáo viên, trẻ em mầm non, học sinh nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc thúc đẩy mở cửa trường học (kiến nghị từ các địa phương). Ban hành hướng dẫn và thống nhất với các địa phương về việc test sàng lọc học sinh khi tới lớp; test thường xuyên/định kỳ, cụ thể đối tượng nào cần test.
"Bộ Y tế cho ý kiến chuyên môn về phòng chống dịch đối với việc cho trẻ em tới trường nhưng chưa được tiêm vaccine, việc tổ chức ăn bán trú, học hai buổi... để Bộ GD-ĐT và các địa phương thống nhất trong việc chỉ đạo, điều hành; ban hành Sổ tay hướng dẫn cho nhà trường và phụ huynh việc chăm sóc trẻ em F0 tại nhà để tổ chức tuyên truyền đến phụ huynh", Bộ GD-ĐT đề xuất.
Bình luận
TVQuản trị viênQuản trị viên
Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm