I - Đau đỉnh đầu là bệnh gì?
Đau đỉnh đầu là tình trạng đau đột ngột hoặc âm ỉ ở vùng đỉnh đầu, có cảm giác như bị một vật nặng đè chặt trên đỉnh đầu. Cơn đau có thể chỉ xảy ra trong vài phút, nhưng cũng có thể kéo dài vài ngày, ảnh hưởng không nhỏ tới cuộc sống và công việc của người bệnh. Đau đỉnh đầu thường sẽ kèm theo các triệu chứng đồng thời khác như buồn nôn, hoa mắt, chóng mặt, nhạy cảm với âm thanh và ánh sáng…
Đau đỉnh đầu xuất phát từ rất nhiều nguyên nhân khác nhau. Đặc biệt, với các nguyên nhân liên quan tới bệnh lý nguy hiểm, người bệnh còn có thể gặp phải thêm các dấu hiệu như khó thở, rối loạn lo âu…
II - Nguyên nhân gây ra chứng đau đỉnh đầu
1. Do căng thẳng
Đây là loại đau đầu phổ biến nhất. Đau đỉnh đầu do căng thẳng, áp lực kéo dài thường sẽ âm ỉ và không gây nhói. Vì ít gây nghiêm trọng nên người bệnh vẫn có thể ăn uống, sinh hoạt bình thường. Và thời gian đau cũng sẽ chỉ kéo dài trong một khoảng thời gian ngắn khoảng 30 phút, lâu nhất là 1 tuần.
Ngoài đau đỉnh đầu, căng thẳng kéo dài còn có thể gây ra các cơn đau đầu vùng cổ gáy hoặc thái dương.
2. Do viêm xoang
Viêm xoang là bệnh lý có thể dẫn tới tình trạng đau đỉnh đầu, đau một bên hoặc đau hai bên. Trong trường hợp này, cách duy nhất để khắc phục chứng đau đầu là phải điều trị được bệnh viêm xoang hiệu quả. Hiện nay, phương pháp trị viêm xoang phổ biến nhất là uống thuốc hoặc phẫu thuật.
3. Do thiếu ngủ
Ngoài căng thẳng, thiếu ngủ cũng là một nguyên nhân phổ biến gây ra chứng đau đỉnh đầu. Như 1 vòng tròn luẩn quẩn, mất ngủ dẫn đến đau đầu, còn đau đầu lại làm trầm trọng thêm tình trạng mất ngủ. Nguyên nhân chính là do chất lượng giấc ngủ bị suy giảm gây ra rối loạn quá trình sản sinh chất dẫn truyền thần kinh mang tên orexin - chất dẫn truyền đóng vai trò quan trọng trong giấc ngủ và tạo sự kích thích.
4. Do lạm dụng thuốc
Tình trạng đau đỉnh đầu hoặc đau nửa đầu còn có nguyên nhân là do việc lạm dụng các loại thuốc giảm đau (bao gồm cả thuốc kê theo đơn và thuốc không kê đơn).
5. Tiếp xúc với nhiệt độ lạnh
Khi tiếp xúc với nhiệt độ lạnh, có thể là do thời tiết hoặc do ăn uống đồ lạnh, người bệnh sẽ gặp phải tình trạng đau nhói ở đỉnh đầu, cơn đau kéo dài chỉ vài giây. Nguyên nhân là bởi do sự đóng băng não hoặc sự kích thích lạnh.
6. Do vận động quá sức
Khi vận động quá sức, cụ thể là tập thể dục hoặc làm việc cường độ mạnh, nhiều người thường bị đau đỉnh đầu. Tình trạng này còn được gọi là đau đầu do gắng sức, nguyên nhân là do bị tăng huyết áp.
Để khắc phục được tình trạng này, trước khi vận động khoảng 1 tiếng rưỡi, người bệnh nên bổ sung nguồn protein, uống đủ nước trước và trong khi tập, làm việc. Nếu đau vùng đỉnh đầu hoặc vùng khác xảy ra thường xuyên khi vận động, người bệnh nên đi thăm khám để có thể tìm ra nguyên nhân chính xác cũng như cách điều trị hiệu quả.
7. Chứng đau nửa đầu Migraine
Đau nửa đầu Migraine là một bệnh lý về thần kinh với dấu hiệu điển hình là cơn đau đầu lan tỏa từ đỉnh đầu, dọc theo một bên hoặc xuống sau gáy. Cơn đau thường sẽ trầm trọng và đau nhói. Đặc biệt còn xuất hiện thêm đồng thời các triệu chứng khác như nhạy cảm với ánh sáng, âm thanh, gây buồn nôn.
Đây là một bệnh lý không phổ biến bằng đau nửa đầu do căng thẳng nhưng lại nghiêm trọng hơn. Chính vì vậy, khi nghi ngờ mình bị đau nửa đầu Migraine, tốt nhất người bệnh nên đi thăm khám để được điều trị kịp thời và hiệu quả.
8. Mắc chứng nhức đầu kinh niên
Đau đầu kinh niên (đau đầu mạn tính) là tình trạng đau đầu xảy ra thường xuyên, kéo dài và với cường độ tăng dần từ 15 ngày trở lên, với các dạng đau đầu khác nhau, trong đó có đau đỉnh đầu. Chính vì vậy, để tránh tình trạng này kéo dài, ảnh hưởng tới sinh hoạt và công việc, người bệnh nên đi thăm khám và điều trị kịp thời.
9. Chứng nhức đầu chùm Cluster
Chứng nhức đầu chùm Cluster là cơn đau đầu lặp lại hàng ngày, thậm chí hàng tuần, và xuất hiện theo từng “cụm”, cơn đau lúc đầu ở vùng quanh hoặc sau hốc mắt, sau đó mới lan đến vùng đỉnh đầu. Đặc biệt, tình trạng này sẽ xuất hiện vào cùng một thời điểm mỗi ngày, thường là vào buổi tối với cường độ mạnh, kéo dài khoảng 20 phút cho tới 3 giờ đồng hồ.
Bệnh lý này còn kèm theo các dấu hiệu khác như mắt bị sụp mí, bị sưng đỏ, chảy nước mắt, nước mũi, nghẹt mũi.
10. Dây thần kinh chẩm bị kích thích
Dây thần kinh chẩm bị kích thích gây ra đau đỉnh đầu là dạng đau bắt nguồn từ cột sống, sau đó lan đến cổ và sau đầu. Đặc biệt, cơn đau không chỉ ở khu vực quanh đỉnh đầu mà còn lan ra sau đầu, đến trán và sau hốc mắt.
Ngoài 10 nguyên nhân trên, chứng đau đỉnh đầu còn có thể xuất phát từ các nguyên nhân khác như bị chứng nghiến răng, uống quá nhiều caffein, nằm hoặc ngồi sai tư thế, bị chấn thương đầu…
III - Đau nhức đỉnh đầu điều trị như thế nào?
1. Điều trị thông thường
Khi bị đau đỉnh đầu thì dùng thuốc là phương pháp phổ biến và nhiều người bệnh áp dụng nhất. Các thuốc thường được dùng bao gồm các loại thuốc chống viêm không steroid (NSAID) như ibuprofen, thuốc giãn cơ và triptans, thuốc giảm đau không kê đơn acetaminophen. Tuy nhiên, những loại thuốc này có thể gây ra tác dụng phụ không mong muốn, vậy nên nếu dùng thuốc kéo dài tới hơn 3 ngày, người bệnh cũng cần tham khảo ý kiến chuyên gia.
Bên cạnh đó:
- Với cơn đau đầu liên quan đến dây thần kinh chẩm, người bệnh có thể dùng thêm thuốc chống trầm cảm.
- Với cơn đau đầu liên quan đến chứng co mạch máu não hồi phục, người bệnh có thể dùng thêm thuốc chẹn kênh canxi.
- Đặc biệt, với cơn đau đầu liên quan đến huyết áp tăng, người bệnh có thể dùng thêm thuốc hạ huyết áp. Tuy nhiên, trong trường hợp này, tốt hơn hết người bệnh nên tới bệnh viện điều trị để ngăn ngừa các nguy cơ nguy hiểm trong đó có cả đột quỵ.
2. Điều trị thần kinh cột sống
Với những cơn đau đỉnh đầu có liên quan tới việc sai tư thế trong sinh hoạt hoặc vấn đề về đốt sống cổ (Vì cơn đau đầu có liên quan tới 2 đốt sống cổ trên cùng, xương chẩm, xương đáy sọ), cơn đau tái phát nhiều lần thì điều trị thần kinh cột sống chính là giải pháp hiệu quả.
Việc điều trị đau đỉnh đầu theo phương pháp này sẽ giúp chỉnh cột sống cổ trên thẳng hàng, đồng thời giữ cho vùng cổ, đầu xương, dây thần kinh và cơ ở đúng vị trí của nó.
IV - Những lưu ý để hạn chế, phòng tránh đau nhức đỉnh đầu
Người bệnh hoàn toàn có thể hạn chế, phòng ngừa nguy cơ đau nhức đỉnh đầu nhờ thay đổi chế độ ăn uống, sinh hoạt và làm việc khoa học hơn. Cụ thể:
- Giảm lo âu, căng thẳng kéo dài, để tinh thần được thoải mái, thư giãn hơn với các bài tập yoga, thiền, thể dục đều đặn, nghỉ ngơi hợp lý.
- Bỏ hoàn toàn hoặc hạn chế tối đa việc sử dụng rượu bia, các chất kích thích.
- Dùng cafein ở mức vừa phải, ổn định.
- Ngủ đủ giấc.
Hy vọng những thông tin trên đã giúp người bệnh hiểu rõ hơn về chứng đau đỉnh đầu, nguyên nhân cũng như các cách điều trị hiệu quả Song, nếu tình trạng đau kéo dài, cơn đau dữ dội, người bệnh nên chủ động đến bệnh viện để được thăm khám và điều trị kịp thời.
Bình luận
TVQuản trị viênQuản trị viên
Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm