Cùng với những tiến bộ trong phẫu thuật ít xâm lấn thực hiện bởi các bác sĩ giàu kinh nghiệm, phẫu thuật túi mật giờ đây đã trở thành một phương án điều trị đáng tin cậy và hiệu quả.
Tìm hiểu về các bệnh lý túi mật
Chức năng của túi mật
Túi mật là một cơ quan nhỏ hình quả lê nằm bên dưới gan. Chức năng chính của túi mật là dự trữ dịch mật - một chất lỏng do gan sản xuất giúp tiêu hóa chất béo. Dòng chảy dịch mật nếu bị gián đoạn, thường là do sỏi mật gây ra, sẽ ảnh hưởng không ít đến cơ thể con người.
Sỏi mật là những tinh thể rắn hình thành trong túi mật gây tắc nghẽn và đau dữ dội. Nếu không được điều trị, sỏi mật có thể dẫn đến các biến chứng.
Các triệu chứng phổ biến của sỏi mật và bệnh lý túi mật
Sỏi mật tuy đôi khi không xuất hiện triệu chứng, nhưng chúng có thể gây ra cơn đau dữ dội. Các triệu chứng phổ biến gồm có: đau dai dẳng vùng bụng trên bên phải, cơn đau có thể lan đến lưng hoặc xương bả vai, đặc biệt là sau khi ăn nhiều chất béo. Cơn đau này còn được gọi là đau quặn mật, có thể kéo dài vài phút hoặc nhiều giờ đồng hồ.
Ngoài ra còn có các triệu chứng khác: buồn nôn, nôn mửa, đầy hơi và khó tiêu. Trong những trường hợp nghiêm trọng, sỏi mật có thể gây vàng da, vàng mắt, hoặc sốt và ớn lạnh nghĩ đến tình trạng nhiễm trùng hoặc viêm túi mật.
Vì sao cần điều trị sỏi mật?
Sỏi mật có thể gây ra các biến chứng, bao gồm:
- Viêm túi mật: Viêm túi mật do tắc nghẽn ống mật gây đau dữ dội, sốt và nhiễm trùng.
Sỏi mật: Khi sỏi mật di chuyển đến ống mật chủ làm cản trở dòng chảy dịch mật, gây vàng da, đau và nhiễm trùng có khả năng đe dọa tính mạng.
- Viêm đường mật: Nhiễm trùng ống mật nghiêm trọng do tắc nghẽn gây sốt, ớn lạnh, vàng da và đau bụng.
- Viêm tụy: Viêm tụy do sỏi mật làm tắc nghẽn ống tụy dẫn đến đau bụng dữ dội, buồn nôn và nôn mửa.
- Vỡ túi mật: Hiếm gặp nhưng nguy hiểm, tình trạng này xảy ra khi túi mật bị viêm hoặc nhiễm trùng nghiêm trọng, khiến túi mật bị vỡ.
- Vàng da: Da và mắt chuyển sang màu vàng do dịch mật tích tụ trong máu khi dòng chảy dịch mật bị tắc nghẽn.
- Ung thư túi mật: Mặc dù hiếm gặp, tình trạng viêm mãn tính và kích ứng túi mật do sỏi mật gây ra có thể làm tăng nguy cơ phát triển ung thư túi mật theo thời gian.
Bệnh lý túi mật được chẩn đoán như thế nào?
Bệnh lý túi mật được chẩn đoán thông qua kết hợp đánh giá y tế, chẩn đoán hình ảnh và xét nghiệm phòng lab:
- Đánh giá tiền sử bệnh và sức khỏe tổng quát: Bác sĩ sẽ đánh giá các triệu chứng và tiền sử bệnh, kiểm tra vùng bụng để xác định vị trí cơn đau và dấu hiệu sưng tấy.
- Xét nghiệm hình ảnh:
+ Siêu âm: Phát hiện sỏi mật và tình trạng viêm.
+ CT scan: Cung cấp hình ảnh chi tiết của túi mật và các cơ quan xung quanh.
+ MRCP: Thông qua hình ảnh MRI để phát hiện tắc nghẽn ống mật.
- Xét nghiệm máu: Kiểm tra tình trạng nhiễm trùng, viêm hoặc tắc nghẽn ống mật bằng cách đo lường nồng độ men gan, bilirubin và bạch cầu.
- Nội soi:
+ ERCP: Kiểm tra và xử lý tắc nghẽn ống mật.
+ Siêu âm nội soi: Cung cấp hình ảnh chi tiết của túi mật và ống mật.
Điều trị sỏi mật và bệnh lý túi mật
Sỏi mật và các bệnh về túi mật có thể được kiểm soát thông qua cả phương pháp không phẫu thuật và phẫu thuật, tùy thuộc vào mức độ của tình trạng bệnh và các triệu chứng gặp phải.
Phương pháp không phẫu thuật
Các phương án không phẫu thuật thường được chỉ định để kiểm soát các triệu chứng nhẹ hoặc cho những bệnh nhân không phù hợp làm phẫu thuật:
- Dùng thuốc: Một số loại thuốc, chẳng hạn như thuốc thông mật viên nén làm từ axit mật có công dụng hòa tan sỏi mật nhỏ, nhưng quá trình này có thể mất nhiều tháng và không phải lúc nào cũng hiệu quả.
- Thay đổi chế độ ăn uống: Áp dụng chế độ ăn ít chất béo để giảm tải cho túi mật và giúp xoa dịu các triệu chứng như đầy hơi và đau bụng.
- Theo dõi và thay đổi thói quen sinh hoạt: Đối với sỏi mật không triệu chứng, bệnh nhân thường sẽ tiếp tục theo dõi tình trạng và điều chỉnh thói quen sinh hoạt để ngăn ngừa nguy cơ bệnh chuyển nặng.
Phẫu thuật cắt túi mật nội soi (Phẫu thuật lỗ khóa túi mật)
Khi các triệu chứng bệnh chuyển nặng, phẫu thuật thường là phương pháp điều trị hiệu quả nhất. Phương pháp phẫu thuật phổ biến nhất là phẫu thuật cắt túi mật nội soi, còn được gọi là phẫu thuật lỗ khóa túi mật.
Thủ thuật ít xâm lấn này sẽ cắt bỏ túi mật thông qua các vết rạch nhỏ, giúp phục hồi nhanh hơn, giảm đau và ít sẹo. Đây được coi là tiêu chuẩn vàng trong điều trị sỏi mật và các bệnh lý liên quan.
Bác sĩ sẽ đề xuất phương pháp điều trị phù hợp nhất dựa trên tình trạng và sức khỏe tổng quát của bệnh nhân.
Tổng quan về phẫu thuật túi mật
Phẫu thuật túi mật (Cắt bỏ túi mật) là gì?
Phẫu thuật túi mật, hay còn gọi là cắt bỏ túi mật, là một thủ thuật cắt đi túi mật để xử lý triệt để các vấn đề liên quan đến sỏi mật. Bằng cách cắt bỏ túi mật, nguy cơ hình thành sỏi mật trong tương lai và các biến chứng như nhiễm trùng, tắc nghẽn và viêm sẽ được loại bỏ. Điều này khiến phẫu thuật cắt bỏ túi mật trở thành giải pháp điều trị dứt điểm dành cho những bệnh nhân gặp phải các triệu chứng nghiêm trọng hoặc tái phát.
Phẫu thuật mở so với phẫu thuật nội soi ít xâm lấn
Về vấn đề cắt bỏ túi mật, hiện nay có 2 lựa chọn phẫu thuật chính là phẫu thuật mở và phẫu thuật nội soi (lỗ khóa). Mỗi phương pháp đều có những ưu điểm riêng và được quyết định dựa trên tình trạng của bệnh nhân và đánh giá của bác sĩ phẫu thuật.
Phẫu thuật nội soi (lỗ khóa)
- Thực hiện thông qua các vết rạch nhỏ, quan sát bên trong bằng camera và thao tác sử dụng các dụng cụ phẫu thuật.
- Ít xâm lấn, ít đau hơn, sẹo nhỏ hơn và phục hồi nhanh hơn (1-2 tuần).
Phẫu thuật mở
- Vết mổ thường lớn hơn để tiếp cận trực tiếp túi mật.
- Có thể được ưu tiên cho các trường hợp phức tạp, chẳng hạn như tình trạng viêm nặng hoặc nghi ngờ ung thư.
- Thời gian phục hồi lâu hơn (4-6 tuần), và nguy cơ đau đớn hoặc biến chứng sau phẫu thuật nhiều hơn.
Đối tượng phù hợp với phẫu thuật túi mật?
Phẫu thuật túi mật thường được chỉ định cho những bệnh nhân có các triệu chứng nghiêm trọng/hoặc tái phát do sỏi mật hoặc các bệnh lý túi mật khác. Những trường hợp sau sẽ được cân nhắc làm phẫu thuật:
- Sỏi mật có triệu chứng: Đau dai dẳng hoặc dữ dội, đặc biệt là ở vùng bụng trên bên phải, thường sau khi ăn các bữa ăn nhiều chất béo.
- Phát sinh biến chứng: Các tình trạng như viêm túi mật, vàng da, viêm tụy hoặc tắc nghẽn ống mật.
- Thường xuyên bị đau quặn mật: Các cơn đau do sỏi mật tái phát làm ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày.
- Nguy cơ cao gặp phải biến chứng nghiêm trọng: Tình trạng túi mật có thể chuyển biến nghiêm trọng nếu không được điều trị.
Ngoài ra, những người có sỏi mật không triệu chứng có thể cân nhắc phẫu thuật nếu họ có các vấn đề sức khỏe tiềm ẩn (ví dụ: bệnh tiểu đường) làm tăng nguy cơ rối loạn, hoặc nếu sỏi mật có kích thước lớn bất thường làm tăng nguy cơ rủi ro trong tương lai.
Bác sĩ sẽ phụ trách đánh giá các triệu chứng, sức khỏe tổng quát và rủi ro tiềm ẩn để xác định xem phẫu thuật túi mật có phải là lựa chọn tốt nhất hay không.
Phục hồi sau phẫu thuật
- Phục hồi nhanh: Sau phẫu thuật, bệnh nhân sẽ được chuyển đến phòng hồi sức để được theo dõi khi tỉnh dậy sau gây mê.
- Nằm viện: Phần lớn bệnh nhân phẫu thuật nội soi có thể xuất viện về nhà trong ngày, và phẫu thuật mở thì sẽ lưu viện trong vòng 1-2 ngày.
- Phục hồi tại nhà: Sẽ bị đau nhẹ và nhức nhối xung quanh vết mổ, có thể kiểm soát bằng thuốc giảm đau theo toa. Hầu hết bệnh nhân trở lại hoạt động bình thường trong vòng 1-2 tuần sau phẫu thuật nội soi, và khoảng 4-6 tuần đối với bệnh nhân phẫu thuật mở.
- Chăm sóc theo dõi: Bác sĩ sẽ lên lịch hẹn tái khám để theo dõi quá trình lành bệnh và xử lý các vấn đề liên quan.
Thay đổi chế độ ăn uống và thói quen sinh hoạt sau phẫu thuật cắt bỏ túi mật
Sau phẫu thuật cắt túi mật, điều quan trọng là phải điều chỉnh chế độ ăn uống và thói quen sinh hoạt để hỗ trợ tiêu hóa và thúc đẩy quá trình phục hồi suôn sẻ. Mặc dù phần lớn bệnh nhân vẫn tiếp tục sống cuộc sống bình thường mà không cần túi mật, nhưng những thay đổi nêu trên sẽ xoa dịu đi triệu chứng và duy trì sức khỏe lâu dài:
Điều chỉnh chế độ ăn uống
- Chế độ ăn ít chất béo: Tập trung vào protein nạc, trái cây và rau quả; tránh tiêu thụ thực phẩm nhiều dầu mỡ hoặc chiên rán.
- Chia thành các bữa ăn nhỏ và thường xuyên: Giảm tải cho hệ tiêu hóa bằng cách ăn khẩu phần nhỏ và chia đều trong ngày.
- Làm quen dần với thực phẩm: tiêu thụ dần từng loại thực phẩm để theo dõi dấu hiệu kích ứng.
- Uống đủ nước: Uống nhiều nước và hạn chế đồ uống chứa caffein hoặc có ga.
Thay đổi lối sống
- Tập thể dục nhẹ: Hoạt động nhẹ nhàng như đi bộ để hỗ trợ quá trình phục hồi.
- Duy trì cân nặng khỏe mạnh: Ngăn ngừa căng thẳng cho hệ tiêu hóa bằng cách kiểm soát cân nặng.
- Theo dõi các triệu chứng: Hãy tái khám nếu tình trạng khó chịu vẫn tiếp diễn.
- Hạn chế hút thuốc và uống quá nhiều rượu: Hỗ trợ tiêu hóa và sức khỏe tổng quát bằng cách hạn chế những thói quen này.
Bác sĩ Tan Chun Hai – Bác sĩ phẫu thuật ngoại tổng quát - Bệnh viện Gleneagles Singapore với chuyên khoa sâu ở các bệnh: phẫu thuật ung thư dạ dày, thoát vị bụng – háng, viêm ruột thừa, sỏi mật – túi mật và bệnh ống mật.
Để biết thêm chi tiết và nhận thông tin từ bác sĩ Tan Chun Hai, vui lòng liên hệ:
Văn phòng đại diện Tập đoàn Y tế Parkway – IHH Singapore tại Hà Nội
110 Bà Triệu, phường Hai Bà Trưng, Hà Nội.
Hotline: 0988 155 855 hoặc 084 308 3637
Email: info@parkway.com.vn
FB page: https://www.facebook.com/parkwayhanoi
Bình luận
TVQuản trị viênQuản trị viên
Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm