Đón loạt đại gia, đất Hóc Môn, Củ Chi bị “thổi giá”
Thời gian gần đây, khi có một vài đề xuất đưa 2 huyện Củ Chi, Hóc Môn lên thành phố, giá đất khu vực này tăng chóng mặt. Giá đất hai khu vực này tăng theo ngày, tăng 50-70%, thậm chí có nơi tăng gấp đôi. Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP HCM, cho biết nhiều người đã lợi dụng thông tin từ các cuộc họp để trục lợi.
Giá đất tăng phi mã, người dân bán đất và giới “cò” kiếm bộn. Tuy nhiên, người được hưởng lợi nhiều lại là một số đại gia bất động sản, những đơn vị vừa mới được chấp nhận đầu tư tại hai khu vực này. Trong đó, quy mô lớn nhất thuộc về Tập đoàn Sovico.
Mới đây, trong khuôn khổ hội nghị Xúc tiến đầu tư vào 2 huyện Hóc Môn - Củ Chi, nhiều nhà đầu tư khẳng định sẽ tìm hiểu và có nhiều dự án tỷ đô tại khu vực này. Sovico gây chú ý vì tham gia nhiều dự án trong nhiều lĩnh vực, đáng kể nhất vẫn là bất động sản.
Tại Hóc Môn, Tập đoàn Sovico sẽ đầu tư xây dựng khu đô thị mới và sân golf; khu chung cư cao tầng thương mại dịch vụ, khu đô thị sinh thái (45ha, mặt tiền quốc lộ 22); khu chung cư cao tầng thương mại dịch vụ, khu đô thị sinh thái (86ha); khu chung cư cao tầng thương mại dịch vụ, khu đô thị sinh thái, bệnh viện quốc tế.
Tại Củ Chi, Tập đoàn Sovico đầu tư dự án công viên Sài Gòn Safari; khu nông nghiệp kết hợp du lịch sinh thái và dân cư nhà vườn xã Phú Mỹ Hưng – phân khu 1, quy mô 335,15ha; khu nông nghiệp kết hợp du lịch sinh thái và dân cư nhà vườn xã An Phú – phân khu 2, quy mô 575ha; khu công nghiệp kỹ thuật cao, khu cảng sông và logistics, quy mô 420ha; khu nông nghiệp công nghệ cao, quy mô 350ha; khu làng nghề hoa, cây kiểng, cá cảnh, quy mô 509ha; khu trung tâm thương mại, quy mô 12,29ha.
Bà Nguyễn Thị Phương Thảo, Chủ tịch - Tổng giám đốc Tập đoàn Sovico cho biết rất hào hứng tham gia chương trình phục hồi kinh tế của TP.HCM. Dự kiến Sovico sẽ đầu tư 4 dự án Hóc Môn, 7 dự án ở Củ Chi, trị giá hàng tỷ USD.
Tuy nhiên, câu hỏi được đặt ra là liệu Sovico có đủ năng lực để thực hiện các siêu đự án này khi mà 2 năm gần đây, hệ sinh thái Tập đoàn đi xuống rõ nét.
Năm 2021, Vietjet, một trong những hạt nhân của hệ sinh thái ghi nhận lợi nhuận sau thuế tăng mạnh từ 68,7 tỷ đồng lên 100 tỷ đồng. Tuy nhiên, con số này chưa hẳn đã lạc quan khi Vietjet chứng kiến doanh thu chỉ đạt 12.998 tỷ đồng, giảm giảm so với18.220 tỷ đồng năm 2020 và “rơi tự do” so với 50.603 tỷ đồng năm 2019 – thời điểm chưa xuất hiện Covid-19.
Vietjet có được mức tăng trưởng doanh thu kể trên là nhờ hoạt động bán tài sản. Chỉ trong 6 tháng đầu năm, Vietjet đã ghi nhận doanh thu tài chính 3.584 tỷ đồng nhờ chuyển nhượng cổ phần của Tập đoàn tại Công ty Đầu tư và Phát triển Pacific Star cho các bên liên quan.
Nếu không bán tài sản này, năm 2021 Vietjet đã có thể gánh khoản lỗ khổng lồ.
Không chỉ có vậy, bản thân Tập đoàn Sovico cũng giảm mạnh hiệu quả sử dụng vốn. Trong 3 năm (2016, 2017 và 2018), tỷ suất lợi nhuận/vốn chủ sở hữu tại Sovico dao động từ 16,3% tới 20,1% nhưng lại tụt mạnh từ khi tăng vốn.
Năm 2019, vốn chủ sở hữu Tập đoàn Sovico tăng vọt từ 145 tỷ đồng lên 9.809 tỷ đồng nhưng lợi nhuận chỉ đạt 164 tỷ đồng, tương ứng tỷ suất lợi nhuận/vốn giảm sâu xuống 1,67%. Năm 2020 còn thê thảm hơn khi Tập đoàn chỉ lãi 2,9 tỷ đồng khiến hiệu quả sử dụng vốn “lao dốc”, chỉ còn 0,3%.
Lợi nhuận lao dốc nhưng nợ tại Sovico lại leo dốc. Tại thời điểm cuối năm 2020, nợ phải trả tại Sovico vọt lên 23.900 tỷ đồng, cao gấp 2,4 lần vốn chủ sở hữu và chiếm 70,1% tổng nguồn vốn.
Ngoài Sovico, nhiều đại gia bất động sản khác cũng cam kết rót hàng tỷ USD vào Hóc Môn và Củ Chi.
Tại Hóc Môn, Công ty Cổ phần Đầu tư và phát triển đô thị TDH ECOLAND muốn xây dựng khu đô thị sinh thái, Tổng công ty Cổ phần Thương mại Xây dựng (WTO) đầu tư dự án xây dựng khu đô thị mới, dịch vụ thương mại kết hợp du lịch giải trí trị giá 1,880 tỷ USD, Công ty Cổ phần Đầu tư Kinh doanh Bất động sản Hà An (Đất Xanh Group) đầu tư dự án khu dân cư cao tầng kết hợp thương mại dịch vụ trị giá 480 triệu USD, Công ty Văn Phú Invest về việc đầu tư dự án khu đô thị mới trị giá 240 triệu USD, Công ty Cổ phần Tập đoàn Địa Ốc Cát Tường đầu tư dự án Xây dựng khu dân cư trị giá 65 triệu USD, Công ty TNHH Hyundai E&C Vina xây dựng khu dân cư đô thị mới - Thị trấn Hóc Môn và Khu dân cư đô thị xã Xuân Thới Sơn.
Ban Quản lý Khu đô thị Tây Bắc và Công ty Cổ phần Tập đoàn Hưng Thịnh bàn về đầu tư xây dựng Khu dân cư 6-4 trị giá 87 triệu USD. Ban Quản lý Khu đô thị Tây Bắc và Công ty Cổ phần Tập đoàn Đầu tư và quản lý giáo dục Văn Lang về đầu tư Khu Đô thị Giáo dục trị giá 652 triệu USD.
Loạt tỉnh thành đề nghị công an điều tra về “thổi giá” đất
Trong tháng 4 này, nhiều tỉnh thành đồng loạt đề nghị công an điều tra có hay không các chiêu trò “thổi giá” đất.
Tại buổi họp báo thường kỳ quý I/2022 của UBND TP.Đà Nẵng vào chiều 18/4, ông Tô Văn Hùng, Giám đốc Sở TN&MT TP.Đà Nẵng thông tin về tình hình "sốt" đất tại huyện Hòa Vang.
Theo ông Hùng, "cò" đất cố gắng khai thác vào những chủ trương, chính sách, đặc biệt là khai thác vào những điểm không rõ ràng để có thể đánh lừa người dân, thổi giá đất nhằm trục lợi.
Ông Hùng cho biết Sở đã có văn bản gửi công an thành phố đề nghị vào cuộc điều tra xem có hay không đường dây thông đồng giữa “cò” đất, cơ quan và cán bộ quản lý Nhà nước để thực hiện việc chuyển mục đích sử dụng đất, tạo cơn "sốt" đất tại huyện Hòa Vang.
Trước đó, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc Vũ Chí Giang đã ký Chỉ thị số 10 về tăng cường quản lý hoạt động kinh doanh bất động sản trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc.
Theo UBND tỉnh này, thời gian gần đây, tại các khu vực có quy hoạch xây dựng, dự kiến thực hiện các dự án khu đô thị, khu công nghiệp… có dấu hiệu hoạt động đầu cơ mua đi bán lại đất đai, bất động sản gây "sốt ảo" trên thị trường. Vì vậy, Sở đã chỉ đạo hàng loạt cơ quan chức năng có liên quan tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý các vi phạm.
Đặc biệt, Công an tỉnh Vĩnh Phúc tăng cường kiểm tra, xử lý theo quy định. Công an tỉnh tổ chức theo dõi các khu vực có dấu hiệu giá đất tăng đột biến, tình trạng chuyển mục đích, chuyển nhượng quyền sử dụng đất, "sốt ảo"; điều tra các đối tượng có hành vi đầu cơ, "thổi giá", làm thị trường tạo cơn "sốt đất" ảo để kiếm lời.
Trước cơn sốt nóng bất động sản tại Gia Lai, UBND tỉnh Gia Lai yêu cầu các sở ngành như: Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Tư pháp, Sở Tài chính, Sở Xây dựng… kiểm tra hoạt động tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất trên địa bàn tỉnh, kịp thời phát hiện, ngăn chặn những biểu hiện bất thường, xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm quy định của pháp luật, không để lợi dụng đấu giá gây nhiễu loạn thị trường, trục lợi.
Cơ quan chức năng tỉnh này đã đề nghị công an vào cuộc làm rõ các hành vi vi phạm pháp luật. Công an tỉnh Gia Lai cũng tăng cường điều tra, làm rõ các dấu hiệu, hành vi đẩy giá, thổi giá đất để thu lợi bất chính, gây nhiễu loạn thị trường bất động sản nếu có.
Bình luận
TVQuản trị viênQuản trị viên
Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm