Thông tin trên Báo Dân trí cho biết, theo Báo cáo Triển vọng Dân số Thế giới 2022 do Ban Kinh tế Xã hội của Liên Hợp Quốc thực hiện, dân số thế giới sẽ chạm mốc 8 tỷ người vào ngày hôm hay (15/11). Cột mốc này diễn ra chỉ 11 năm sau khi dân số loài người đạt ngưỡng 7 tỷ.
Đây được xem là khoảnh khắc vui mừng cần được chào đón, nhưng cũng là lời kêu gọi khẩn thiết cho toàn nhân loại để cùng tìm kiếm những giải pháp giúp giải quyết những thách thức mà chúng ta đang phải đối mặt.
Những thách thức mà nhân loại phải đối mặt là hết sức cấp bách. Các vấn đề có thể ảnh hưởng tới nhiều thế hệ như biến đổi khí hậu, xung đột và Covid-19. Các vấn đề này đang gây ra những tác động không đồng đều tới những nhóm dân số yếu thế và dễ bị tổn thương.
Đến nay, hàng triệu người vẫn tiếp tục sống trong cảnh nghèo đói và thiếu dinh dưỡng, không được tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe và bảo trợ xã hội, không thể hoàn thành chương trình giáo dục tiểu học và trung học có chất lượng. Phụ nữ trên khắp thế giới vẫn chưa được thực hiện quyền cơ bản là đưa ra quyết định về cơ thể và tương lai của mình. Đặc biệt, thế giới đang chứng kiến một sự tụt hậu đáng lo ngại về việc thực hiện quyền của phụ nữ ở nhiều quốc gia.
Ảnh minh họa
Liên Hợp Quốc ước tính, dân số loài người có thể đạt 8,5 tỷ vào năm 2030, 9,7 tỷ vào năm 2050 và đạt đỉnh khoảng 10,4 tỷ trong những năm 2080 và duy trì ở mức đó cho đến năm 2100.
Tuy nhiên, sự tăng trưởng dân số sẽ không diễn ra đồng đều trên khắp hành tinh. Theo đó, hơn 50% mức tăng dự kiến về dân số toàn cầu cho đến năm 2050 sẽ chỉ tập trung ở 8 quốc gia: Congo, Ai Cập, Ethiopia, Ấn Độ, Nigeria, Pakistan, Philippines và Tanzania.
Tạp chí Tri thức trực tuyến dẫn nguồn tin từ Reuters cho hay, theo dự đoán của Liên hợp quốc, Trung Quốc và Ấn Độ - hai nước đông dân nhất thế giới hiện tại sẽ hoán đổi vị trí vào năm 2030.
Cụ thể, dân số Trung Quốc từ 1,4 tỷ người giảm xuống còn 1,3 tỷ người vào năm 2050. Đến cuối thế kỷ 21, dân số Trung Quốc có thể giảm xuống còn 800 triệu người.
Trong khi đó, dân số Ấn Độ sẽ đạt 1,7 tỷ người vào năm 2050. Sau hai nước trên, Mỹ tiếp tục là quốc gia đông dân thứ ba trên thế giới vào năm 2050 và sẽ ngang bằng Nigeria với 375 triệu người.
Theo ước tính của Liên Hợp Quốc, tỷ lệ người 65 tuổi sẽ tăng từ 10% trong năm 2022 lên 16% vào năm 2050. Con số đó gần gấp đôi số trẻ em dưới 5 tuổi và gần bằng số trẻ em dưới 12 tuổi. Những thay đổi về nhân khẩu học đặt ra những thách thức lớn đối với các quốc gia.
Do đó, Liên Hợp Quốc kêu gọi các quốc gia có dân số già điều chỉnh các chính sách công để giải quyết vấn đề này, bao gồm cải thiện tính bền vững của hệ thống an sinh xã hội và lương hưu, thiết lập hệ thống chăm sóc sức khỏe phổ quát,...
Bình luận
TVQuản trị viênQuản trị viên
Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm