Minh họa/INT
Trong một bình luận mới nhất trên mạng xã hội Truth hôm 17/4, Tổng thống Mỹ Donald Trump công khai chỉ trích Đại học Havard không còn là nơi đào tạo tốt hàng đầu thế giới nữa và ông gọi cơ sở này chỉ là “một trò đùa”.
Ông chủ Nhà Trắng cho rằng ngôi trường này giờ đây chỉ dạy về “sự căm thù và ngu ngốc”, nên đó là lý không không nên được tiếp tục nhận tài trợ liên bang.
Căng thẳng dâng cao từ hôm 12/4 khi các giáo sư tại Đại học Havard đệ đơn kiện lên tòa án liên bang ở thành phố Boston để ngăn chặn việc chính quyền Tổng thống Trump xem xét cắt khoản tài trợ và hợp đồng liên bang trị giá gần 9 tỷ USD cho trường. Trước đó, các cơ quan liên bang Mỹ đã thông báo rà soát khoản 255,6 triệu USD hợp đồng và 8,7 tỷ USD tài trợ dài hạn cho Đại học Havard và các đơn vị liên kết.
Chính quyền Tổng thống Trump yêu cầu Đại học Havard phải thực hiện nhiều điều kiện liên quan đến học thuật và quản lý sinh viên nếu muốn tiếp tục nhận tài trợ như cấm đeo khẩu trang trong các cuộc biểu tình và hợp tác với các cơ quan thực thi pháp luật. Động thái này của chính quyền Mỹ được cho là một phần trong chiến dịch chống lại chủ nghĩa bài Do Thái trong các trường đại học ở nước này.
Trước đó, các cuộc biểu tình ủng hộ người Palestine trong các đại học Mỹ gồm Havard đã nổ ra trước khi ông Trump nhậm chức nhiệm kỳ hai vừa qua, sau các cuộc tấn công của Hamas vào Israel và cuộc xung đột tại Dải Gaza. Vì các cuộc biểu tình này, có ít nhất 300 du học sinh đã bị hủy visa và trục xuất khỏi nước Mỹ.
Đến ngày 14/4, Đại học Havard tuyên bố bác bỏ hầu hết các yêu cầu của Tổng thống Donald Trump và ngay lập tức Nhà Trắng đáp trả bằng lệnh đóng băng khoản 2,3 tỷ USD tiền tài trợ của liên bang, đồng thời xem xét đóng băng tiếp khoản 9 tỷ USD nói trên.
Tổng thống Mỹ ngày 15/4 leo thang thêm căng thẳng khi cảnh báo sẽ tước quyền miễn thuế của Đại học Havard và yêu cầu ngôi trường danh tiếng này phải xin lỗi vì đã từ chối thực hiện các yêu cầu của chính quyền về xử lý các vấn đề “bài xích Do Thái”.
Nhưng bất chấp thái độ cứng rắn từ Nhà Trắng, Đại học Havard vẫn kiên quyết bất tuân yêu cầu và quan điểm này đang nhận được sự ủng hộ từ các sinh viên và cựu sinh viên của trường.
Hiệu trưởng Đại học Havard Alan Garber trong một lá thư ngỏ đã khẳng định trường đã có nhiều thay đổi trong 15 tháng qua để cải thiện môi trường học tập và chống lại chủ nghĩa bài Do Thái. Nhưng ông khẳng định không chính phủ hay đảng phái nào được phép ra lệnh về những gì các trường đại học có thể giảng dạy, những ai được tuyển dụng và những lĩnh vực nghiên cứu nào được theo đuổi.
Một loạt trường đại học danh tiếng khác của nước Mỹ như Princeton và Stanford đã công khai lên tiếng ủng hộ Đại học Havard và coi phản ứng của Havard bắt nguồn từ truyền thống tự do của người Mỹ, một truyền thống thiết yếu mà các đại học cần bảo vệ và duy trì. Cựu tổng thống Barack Obama cũng công khai ủng hộ Đại học Havard.
Cuộc đối đầu giữa chính quyền Tổng thống Trump với Đại học Havard hiện vẫn chưa rõ hồi kết. Nhưng động thái này cũng đã đánh dấu việc lần đầu tiên một đại học tại Mỹ trực tiếp từ chối tuân thủ các yêu cầu của chính quyền, mở ra một cuộc đối đầu giữa chính quyền liên bang với giới học thuật.
Bình luận
TVQuản trị viênQuản trị viên
Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm