Thí sinh Hà Nội tham dự kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2024 - 2025. Ảnh minh họa: INT
Bộ GD&ĐT có văn bản gửi các sở GD&ĐT về việc góp ý một số nội dung dự kiến sửa đổi, bổ sung Quy chế tuyển sinh THCS và tuyển sinh THPT; trong đó có phương thức tuyển sinh THPT và tổ chức thi tuyển.
2 phương thức tuyển sinh THPT
Cụ thể, 2 phương thức tuyển sinh THPT được đưa ra xin ý kiến góp ý là xét tuyển và thi tuyển. Theo đó, với xét tuyển, căn cứ để xét tuyển là kết quả rèn luyện và học tập các năm học chương trình giáo dục phổ thông cấp THCS hoặc chương trình giáo dục thường xuyên cấp THCS của đối tượng tuyển sinh, nếu lưu ban lớp nào thì lấy kết quả năm học lại của lớp đó.
Với thi tuyển, số lượng môn thi là 3 môn, gồm: Toán, Ngữ văn và 1 môn thi do sở GD&ĐT tổ chức bắt thăm ngẫu nhiên trong số các môn học còn lại thuộc chương trình giáo dục phổ thông cấp THPT.
Thành phần tổ chức bắt thăm gồm: Lãnh đạo sở GD&ĐT, đại diện lãnh đạo các phòng trực thuộc sở GD&ĐT, thanh tra sở GD&ĐT và thành phần có liên quan khác do sở GD&ĐT mời; biên bản bốc thăm phải có chữ ký của các thành viên tham gia. Môn thi được bắt thăm phải công bố trước ngày 31/3 hằng năm. Đối với việc tuyển sinh vào trường THPT chuyên, mỗi môn chuyên có thêm 1 môn thi chuyên.
Thời lượng dành cho các môn thi: Môn Ngữ văn 120 phút; môn Toán 90 phút; môn thi còn lại không quá 90 phút; môn thi chuyên 150 phút. Nội dung đề thi nằm trong chương trình giáo dục phổ thông cấp THCS, chủ yếu là chương trình lớp 9. Mỗi môn thi chuyên được thi bằng một đề riêng theo chương trình môn học trong chương trình giáo dục phổ thông cấp THCS; đề thi bảo đảm lựa chọn được những học sinh có năng khiếu về môn chuyên đó.
Ngoài nội dung trên, Bộ GD&ĐT cũng xin góp ý một số nội dung dự kiến sửa đổi, bổ sung liên quan đến: Thành lập các Hội đồng ra đề thi, coi thi, chấm thi, phúc khảo bài thi theo phạm vi quản lý; ra đề thi; coi thi; chấm thi; phúc khảo bài thi; việc công bố điểm chuẩn được thực hiện đồng thời với công bố điểm thi.
Cô trò Trường THCS Nam Từ Liêm (Hà Nội). Ảnh: NTCC
Chọn môn thi thứ 3 bảo đảm khách quan, tránh học lệch
Đưa ý kiến góp ý, nhiều nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục đồng tình với việc Bộ GD&ĐT quy định cụ thể chỉ thi 3 môn với phương thức tuyển sinh vào THPT bằng thi tuyển. Điều này giúp kỳ thi nhẹ nhàng, không gây áp lực và đỡ tốn kém. Cách thức lựa chọn môn thi thứ 3 bằng bắt thăm cũng nhận được nhiều sự quan tâm.
Chia sẻ về nội dung này, thầy Nguyễn Tiến Dũng - Hiệu trưởng Trường THCS Thụy Liên (huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình) cho biết: Trước đây, ngoài 2 môn bắt buộc là Toán, Ngữ văn, tỉnh Thái Bình cũng áp dụng hình thức bắt thăm môn thi thứ 3 trong kỳ tuyển sinh vào lớp 10 THPT.
Một số năm gần đây chú trọng tiếng Anh nên môn học này được chọn làm môn thứ 3. “Thực hiện bắt thăm môn thi thứ 3 bảo đảm được yếu tố khách quan, tránh học lệch, học tủ, chỉ tập trung vào một môn thi nào đó mà coi nhẹ các môn khác”, thầy Nguyễn Tiến Dũng chia sẻ.
Nhiều nhà giáo cũng đồng tình với quan điểm này và cho biết thêm: Theo Chương trình GDPT 2018, THCS là giai đoạn giáo dục cơ bản, lên THPT mới là giai đoạn định hướng nghề nghiệp. Lựa chọn môn thi thứ 3 trong tuyển sinh vào lớp 10 một cách khách quan, không có tính định hướng, học sinh sẽ phải học nghiêm túc các môn. Sử dụng hình thức bắt thăm thể hiện tinh thần không thiên vị môn học nào. Đây cũng là một trong những giải pháp để học sinh THCS không học lệch, chỉ tập trung vào môn thi vào lớp 10.
Ông Phùng Quốc Lập - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Phú Thọ cho biết, sở GD&ĐT đã nghiên cứu để có ý kiến góp ý một số nội dung dự kiến sửa đổi, bổ sung Quy chế tuyển sinh THCS và tuyển sinh THPT theo yêu cầu của Bộ GD&ĐT. Trong đó, sở GD&ĐT nhất trí dự thảo thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT gồm 3 môn: Toán, Ngữ văn bắt buộc, môn thi thứ ba lựa chọn trong các môn có đánh giá bằng điểm số. Riêng với môn thi thứ 3, Sở GD&ĐT Phú Thọ đề nghị Bộ GD&ĐT nghiên cứu, xem xét như sau:
Phương án 1: Việc lựa chọn môn thứ 3 nên giao cho UBND các tỉnh, thành phố tùy theo tình hình thực tế địa phương quyết định và chịu trách nhiệm về chất lượng giáo dục. Việc này nhằm bảo đảm tăng cường phân cấp quản lý Nhà nước về giáo dục và đào tạo.
Phương án 2, nếu theo cách bắt thăm môn thứ 3 thì chỉ nên thực hiện 1 trong số các môn: Tiếng Anh; Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý, Giáo dục công dân (hiện Chương trình THCS có 8 môn được đánh giá bằng điểm số gồm: Toán, Ngữ văn; Tiếng Anh; Khoa học Tự nhiên, Lịch sử và Địa lý, Tin học, Công nghệ, Giáo dục công dân).
Lý do, môn Tin học nhiều trường khu vực miền núi, hải đảo, vùng sâu, vùng xa điều kiện về cơ sở vật chất, máy tính còn thiếu và khó khăn; điều kiện về đội ngũ tham gia giảng dạy còn thiếu; môn Công nghệ có nhiều mô-đun gây khó khăn trong việc tổ chức ôn tập, biên soạn đề thi, tổ chức thi; các môn còn lại chỉ đánh giá “đạt”, “chưa đạt”.
“Theo quy định hiện hành, Bộ GD&ĐT quy định 3 phương thức tuyển sinh vào THPT là: Xét tuyển, thi tuyển và kết hợp thi tuyển với xét tuyển. Trong dự thảo Bộ GD&ĐT đang xin ý kiến, chúng tôi cũng đề xuất có thêm phương thức kết hợp thi tuyển với xét tuyển như hiện nay”, ông Phùng Quốc Lập cho biết thêm.
Đưa ra ý kiến góp ý, Sở GD&ĐT Hòa Bình đồng tình với phương án tổ chức thi 3 môn, gồm 2 môn bắt buộc là Toán, Ngữ văn và 1 môn thi thuộc chương trình giáo dục phổ thông cấp THCS. Tuy nhiên, với phương án chọn môn thứ 3, đơn vị này đề xuất do sở GD&ĐT lựa chọn trình UBND tỉnh phê duyệt. Điều này nhằm phù hợp với thực tiễn từng địa phương và giữ ổn định để học sinh có định hướng ôn tập.
Ngoài ra, Sở GD&ĐT Hòa Bình cũng đưa kiến nghị cộng điểm khuyến khích cho học sinh giành giải học sinh giỏi cấp tỉnh các môn thi văn hóa trong Chương trình GDPT 2018 và học sinh đoạt giải khoa học kỹ thuật cấp tỉnh.
Việc tuyển thẳng đối với học sinh có giải cấp quốc gia, quốc tế về văn nghệ, thể dục thể thao đối với tuyển sinh lớp 10 cần thêm điều kiện về xếp loại rèn luyện và học tập các năm học của cấp học trước đó. Quy định về vùng tuyển, điều kiện xếp loại rèn luyện, học tập cho đối tượng tuyển thẳng giao cho sở GD&ĐT quy định đối với từng loại hình trường.
Riêng việc tổ chức bắt thăm và công bố môn thi thứ 3, Sở GD&ĐT Phú Thọ đề xuất thực hiện trước 31/12 hằng năm. Điều này giúp đảm bảo thời gian để: Ôn tập củng cố kiến thức, tổ chức dạy và học đảm bảo chất lượng; xây dựng kế hoạch tổ chức ôn tập, chuẩn bị cho tốt cho kỳ thi tuyển sinh; giúp các sở GD&ĐT có quỹ thời gian tham mưu cho UBND tỉnh sớm phê duyệt ban hành Kế hoạch tuyển sinh, phương án tuyển sinh theo quy định.
Bình luận
TVQuản trị viênQuản trị viên
Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm