Chia sẻ tổng quan về Chevening trong buổi tư vấn trực tuyến tối 13.10, bà Mai Thu Hà, Quản lý học bổng tại Việt Nam, cho hay đây là học bổng toàn phần của Chính phủ Anh hiện được triển khai ở 160 quốc gia, vùng lãnh thổ.
Học bổng cấp cho bậc thạc sĩ 1 năm với mọi chuyên ngành, trường ĐH tại Anh và hạn chót nộp hồ sơ là ngày 1.11.2022. “Số lượng học bổng tại Việt Nam khoảng 20 - 25 suất và mỗi năm dao động từ vài trăm đến một nghìn đơn đăng ký”, bà Hà thông tin.
Đặt trọng tâm vào 4 bài luận
Theo bà Hà, trong hồ sơ nộp trực tuyến, 4 bài luận là phần cần đầu tư nhiều thời gian, công sức vì chiếm tỷ trọng cao nhất khi chấm điểm. Các bài luận này tập trung vào 4 tiêu chí chính của học bổng là tố chất lãnh đạo (leadership), kỹ năng xây dựng, duy trì và mở rộng mạng lưới (networking), kế hoạch học tập tại Anh (studying in UK) và định hướng nghề nghiệp (career plan).
Từng mất 4 tháng làm luận và có những bài “múa bút” đến 6 bản nháp khác nhau vì “không có thế mạnh viết lách”, học giả Chevening Nguyễn Thành Vinh, hiện đang học bậc thạc sĩ ngành Giáo dục đặc biệt tại ĐH Exeter, đưa ra 3 lời khuyên chính để chinh phục bài luận là dành nhiều thời gian chuẩn bị, hiểu rõ về bản thân và khéo léo đan cài trải nghiệm, năng lực, cá tính đúng với các chủ đề của bài luận.
“Để tránh lặp ý giữa bài luận studying in UK và career plan, bài đầu có thể nói về kinh nghiệm làm việc ở quá khứ lẫn hiện tại khiến bạn đưa ra lựa chọn về trường, ngành học. Còn ở bài sau, để thuyết phục, không nên kể suông về tương lai mà phải đặt trong bối cảnh cá nhân, địa phương sẽ sinh sống và đất nước Việt Nam, qua đó thể hiện tầm nhìn sự nghiệp. Kế hoạch chỉ có ý nghĩa khi bạn liên hệ bản thân với những gì xã hội đang tìm kiếm”, Vinh cho hay.
Trả lời thắc mắc làm sao để làm nổi bật tố chất lãnh đạo trong bài luận khi không có bất kỳ kinh nghiệm dẫn dắt nhóm hay tổ chức, cựu học giả Chevening Đỗ Minh Phương, thạc sĩ ngành Khoa học tâm thần và giáo dục tại ĐH Bristol, khẳng định cách trả lời của ứng viên tùy thuộc vào việc định nghĩa thế nào là “lãnh đạo” và điều này sẽ không ảnh hưởng đến bài luận.
“Thời điểm ứng tuyển học bổng, tôi vừa mới đi làm nên cũng không đảm nhiệm chức vụ lãnh đạo nào. Nhưng đối với tôi, lãnh đạo cũng có nghĩa tự lãnh đạo mình (lead yourself) để có thể phát triển bản thân và luôn tìm ra phương thức mới giải quyết các vấn đề tại nơi làm việc”, thạc sĩ Phương giải thích.
Chọn học thạc sĩ trái ngành cử nhân Quản trị kinh doanh, cô chia sẻ có 2 yếu tố cần làm để thuyết phục giám khảo. Thứ nhất là yếu tố chủ quan, tức bản thân. Phải thể hiện mình đã quyết tâm và suy nghĩ rất kỹ bằng cách hiểu về ngành cùng những vấn đề đang diễn ra thông qua hành động, ví dụ cụ thể. “Thứ 2 là yếu tố khách quan như vì sao những vấn đề ở ngành cần giải quyết cấp bách, hiện ở Việt Nam có thuận lợi để giải quyết không, nước Anh có gì để học hỏi và có chiến lược gì giúp Việt Nam giải quyết vấn đề”, nữ thạc sĩ phân tích.
Chọn viết luận “ngược” từ bài career plan trước, cựu học giả Võ Tuấn Sơn, thạc sĩ ngành Nhân học kỹ thuật số tại ĐH cao đẳng London, giải thích rằng phương pháp này giúp anh mường tượng được một bức tranh lớn để dễ viết hơn, cụ thể là mình muốn làm gì (career plan), học gì để làm điều mình muốn (studying in UK) và cần chứng minh những kỹ năng gì để học hiệu quả (networking và leadership).
“Nhìn chung, có rất nhiều cách tiếp cận khác nhau. Tôi thường miêu tả 2 câu chuyện cùng 2 ví dụ cụ thể trong mỗi bài luận, mỗi ví dụ khoảng 150 - 180 từ. Ngoài ra còn định nghĩa những từ khóa chủ đề như thế nào là leadership, networking”, anh nói, cho hay bản thân từng viết hơn 10 bài và phải sửa đi sửa lại liên tục cho đến khi vừa ý.
Kỹ thuật viết hữu íchTheo bà Thu Hà, ứng viên có thể sử dụng một số kỹ thuật phổ biến để tư duy ý tưởng trước khi đặt bút viết, cũng như giúp ban giám khảo dễ theo dõi bài luận hơn. Đó là “mô hình STAR” gồm situation (mô tả tình huống đã gặp), task (liệt kê nhiệm vụ có được), action (kể lại hoạt động đã thực hiện) và result (cho biết kết quả là gì). “Cần nêu rõ vai trò cá nhân để ban giám khảo có thể đánh giá chính xác”, bà Hà lưu ý. Một kỹ thuật khác hữu ích cho 2 bài luận về kế hoạch học tập tại Anh và định hướng nghề nghiệp là “mục tiêu SMART”, bao gồm specific (mô tả cụ thể), measurable (có thể đo lường), achievable (có thể đạt được), realistic (tính thực tế) và time-bound (trong khoảng thời gian cụ thể). Lợi ích ngoài cơ hội học tậpTheo thạc sĩ Tuấn Sơn, mạng lưới học giả Chevening là cơ hội để anh có thể dễ dàng tiếp cận, làm quen và nói chuyện với những cá nhân đang hoạt động ở nhiều chức vụ, lĩnh vực khác nhau. Đạt tấm bằng thạc sĩ xuất sắc ngành Phát triển xã hội tại ĐH cao đẳng London, cựu học giả Chevening Nguyễn Hương Ngọc Quỳnh khẳng định:“Sự gắn kết, sẵn sàng hỗ trợ lẫn nhau của các mạng lưới là quan trọng và đáng quý, đặc biệt với những bạn chưa quen với môi trường học tập nhiều thử thách”. Để nổi bật trong cả nghìn hồ sơ "săn" học bổng toàn phần, thạc sĩ Quỳnh nhận định ứng viên cần có câu chuyện thuyết phục, chân thành nhưng phải thể hiện cá tính, phản ánh qua quá trình học tập, làm việc, các bài luận và thư giới thiệu. “Buổi phỏng vấn chính là cơ hội để chứng minh rõ ràng, sinh động nhất câu chuyện và cá tính đó. Vì vậy, bạn nên dành thời gian nhìn lại hành trình đã đi, xác định đam mê và phương hướng tương lai”, cô kết luận. |
Bình luận
TVQuản trị viênQuản trị viên
Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm