Gout là một dạng bệnh viêm khớp có xu hướng ngày càng trẻ hoá do thói quen sinh hoạt, lạm dụng rượu bia,… và tỷ lệ tái phát khá cao. Một vài vị trí dễ bị gout như khớp ngón tay, khớp cổ tay, khớp ngón chân, khớp cổ chân.
Lưu ý 4 giai đoạn bệnh
Tỷ lệ nam giới bị gout cao hơn nhiều so với nữ giới, nhất là ở độ tuổi sau 30. Theo ThS.BS Tạ Hồng Nhung (Bệnh viện Việt Đức), nguyên nhân gây nên căn bệnh này là do sự rối loạn chuyển hóa acid uric bên trong cơ thể. Đa số các trường hợp mắc bệnh đều do lạm dụng bia rượu và ăn uống dư thừa đạm khiến quá trình chuyển hóa này tăng mạnh. Số ca mắc bệnh ngày càng cao và độ tuổi cũng có xu hướng trẻ hóa.
Gout gây nên tình trạng đau đớn kéo dài, tác động xấu đến sức khỏe, hoạt động hàng ngày cũng như nhiều biến chứng nguy hiểm, trầm trọng nhất là có thể gây tàn phế.
Ở cơ thể khỏe mạnh, sau quá trình hình thành, các acid uric đi vào trong máu và khi đến thận sẽ được lọc bỏ và đào thải ra bên ngoài. Nếu lượng acid uric ở trong máu tăng lên, thận không kịp lọc và đưa ra ngoài thì có thể khiến acid lắng đọng thành các tinh thể urat ở trong các mô. Đặc biệt, chúng thường tích tụ ở trong các khu vực khớp xương. Lượng acid uric tích tụ càng nhiều sẽ càng dễ khiến cho các khớp xương bị viêm nhiễm, đau nhức và hình thành bệnh gout. Bên cạnh đó, gout có thể xuất hiện do di truyền hoặc những tác động xấu của môi trường bên ngoài khiến cho lượng acid uric tăng cao.
Thông thường, người mắc bệnh gout có những cơn đau dữ dội, cảm giác khó chịu ở khớp xương thường xảy ra vào ban đêm khiến giấc ngủ bị gián đoạn. Tại các khớp xương bị sưng đỏ, viêm, có cảm giác ấm nóng và khi chạm vào tạo nên cảm giác đau nhức, các hoạt động sinh hoạt hàng ngày bị hạn chế. Những cơn đau ở khớp xương thường kéo dài trong khoảng 5 - 7 ngày và có xu hướng giảm dần.
Đối với gout cấp tính, thời gian đầu, đa số người bệnh vẫn hoạt động được bình thường và không có triệu chứng cụ thể nào của bệnh lý. Chỉ khi bệnh biến chuyển nặng hơn, một số triệu chứng lâm sàng mới dần rõ ràng như: Cơn đau thường xuất hiện ở ngón cái và khởi phát khi bệnh nhân ăn một lượng lớn protid, sử dụng đồ uống có cồn, bị nhiễm lạnh hoặc vận động quá mức...
Người bệnh có cảm giác ớn lạnh, sốt nhẹ và sức khỏe yếu hơn. Chán ăn, không có cảm giác ngon miệng. Các cơn đau nhức kéo dài trong khoảng 1 tuần và thuyên giảm rồi biến mất. Khớp xương vẫn hoạt động được bình thường. Có biểu hiện bị sưng viêm, đi kèm với cảm giác nóng ở khu vực quanh các khớp xương. Khi chạm vào những khu vực khớp xương bị sưng viêm sẽ cảm thấy đau nhức, tê ngứa, cứng khớp,... ở ngón chân cái hoặc ở những vùng bị viêm khác.
Còn đối với gout mãn tính, các đợt viêm cấp lặp lại và có xu hướng nặng hơn. Bệnh biểu hiện bằng sự xuất hiện của các cục tophi và tình trạng viêm đa khớp, đây là tập hợp của rất nhiều tinh thể muối urat. Hạt tophi phát triển có thể gây ăn mòn da và làm hỏng mô sụn quanh khớp. Ngoài gây ra các cơn đau mạn tính thì còn khiến khớp bị biến dạng. Nhiều trường hợp khớp còn bị phá hủy hoàn toàn, dẫn tới bại liệt.
BS Tạ Hồng Nhung cho biết, bệnh gout có 4 giai đoạn. Giai đoạn 1, người bệnh mới chỉ bị tăng nồng độ acid uric trong máu ở mức dưới giới hạn, chưa hình thành tinh thể và gây viêm khớp. Bệnh nhân cũng không có triệu chứng bất thường nào.
Đa phần bệnh nhân ở giai đoạn này nếu được phát hiện thì thay đổi thói quen sẽ ngăn được bệnh tiến triển nặng. Việc kiểm soát các yếu tố nguy cơ là rất quan trọng để ngăn ngừa tình trạng dư thừa acid uric tiến triển thành bệnh gout.
Giai đoạn này 2, triệu chứng bệnh xuất hiện tương đối rõ ràng. Lúc này, các tinh thể uric lắng đọng quanh khớp gây viêm cấp tính, người bệnh bị đau dữ dội, khó chịu.
Thông thường các đợt khởi phát viêm do gout giai đoạn 2 chỉ kéo dài khoảng 3 - 10 ngày, triệu chứng đau ngày càng giảm dần. Song nếu tiếp xúc với yếu tố kích thích như rượu bia, thức uống có cồn, căng thẳng, thời tiết lạnh,… thì triệu chứng đau do bệnh gout cấp sẽ càng rõ ràng hơn.
Sang đến giai đoạn 3, gout tiến triển, các đợt khởi phát viêm và triệu chứng gout cấp sẽ ngày càng gần nhau hơn. Điều này cảnh báo tinh thể uric đang không ngừng lắng đọng trong mô và ảnh hưởng đến các khớp.
Ở giai đoạn 4, có sự xuất hiện của tophi mãn tính và các khớp, thận có thể đã xuất hiện tổn thương vĩnh viễn. Không chỉ khớp ngón chân bị viêm, nhiều vùng khớp khác trong cơ thể cũng bị ảnh hưởng như khớp cổ chân, khớp ngón tay,…
Nếu không điều trị sớm, biến chứng không phục hồi do gout giai đoạn 4 có thể phát triển, ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe và khả năng vận động của xương khớp.
Cảnh báo những biến chứng
Theo BS Tạ Hồng Nhung, bệnh gout có rủi ro tái phát cao và gây nên nhiều cơn đau nhức, biến chứng nguy hiểm. Trong đó có sự biến dạng khớp bởi sự lắng đọng các tinh thể urat trong mô cạnh khớp, sụn, xương, gân, dây chằng, bao hoạt dịch… Lâu dần, các khớp bị biến dạng, kèm theo đau nhức và cứng khớp.
Ban đầu những thương tổn do bệnh gout chủ yếu xuất hiện ở chi dưới như khớp ngón chân, bàn chân, cổ chân, gối. Sau đó lan sang các chi trên như khớp bàn tay, ngón tay, cổ tay, khuỷu tay hoặc khớp vai. Biến chứng này có thể gây nhầm lẫn với triệu chứng của viêm khớp dạng thấp.
Sự biến dạng khớp còn bắt nguồn từ các hạt tophi nổi gồ ghề dưới da ở khớp gây vô cảm, hạn chế vận động và mất chức năng của khớp, đồng thời nếu để lâu ngày dẫn tới cứng khớp, xơ hóa dây chằng bao hoạt dịch...
Đến giai đoạn muộn, tổn thương khớp diễn biến xấu, cùng với việc điều trị chưa hiệu quả sẽ dẫn đến biến dạng khớp thể nặng, khó có thể cứu vãn. Hậu quả làm bệnh nhân gặp khó khăn trong cử động hoặc di chuyển hàng ngày, thậm chí gây tàn phế cho người bệnh.
Đến giai đoạn cuối của bệnh, các khớp tay chân của người bệnh gần như bị hư hỏng nặng nề, mất dần khả năng cử động, có thể bị lâm vào tình trạng bại liệt. Thậm chí, vùng da bàn chân bị lở loét, viêm nhiễm do các hạt tophi to dần lên và vỡ ra, xương bàn chân cũng biến dạng, thành dị tật.
Gout còn dễ gây biến chứng bệnh thận. Đây là cơ quan chuyên trách trong việc đào thải axit uric và các chất độc tố ra ngoài cơ thể qua đường tiểu nên dễ bị lắng đọng và tích tụ các tinh thể urat, axit uric.
Lâu ngày gây ra tình trạng sỏi thận, nhiễm trùng đường tiết niệu có thể giảm chức năng của thận dẫn đến suy thận. Chức năng thận suy giảm do gout kéo theo các hệ lụy nghiêm trọng khác như bệnh tiểu đường, tim mạch, tăng huyết áp…
Bên cạnh đó, bệnh thận mạn tính là một trong những biến chứng thường gặp của người bị gout. Bệnh làm suy giảm chức năng lọc cầu thận dẫn tới giảm khả năng lọc acid uric, từ đó nồng độ acid uric trong máu tăng cao tích tụ lại làm các bệnh trầm trọng thêm. Mức độ suy thận càng nặng càng làm tăng nguy cơ các biến chứng nguy hiểm khác cho cơ thể, trong đó có tử vong.
Bệnh gout tác động xấu đến tim. Các tinh thể urat không chỉ lắng đọng ở thận mà còn tích tụ ở tĩnh mạch, động mạch và những mạch máu ở tim. Điều này gây ra tình trạng viêm màng trong tim và cơ tim, ách tắc lưu thông máu, nguy hiểm đến tính mạng bệnh nhân.
Ngoài ra, gout còn có nguy cơ đột quỵ và tai biến bởi tình trạng tăng huyết áp, nhồi máu cơ tim, tai biến mạch máu não,… Do đó, người mắc bệnh gout có nguy cơ bị tai biến và đột quỵ cao hơn người bình thường.
Gout còn gây bất ổn trong cuộc sống, sinh hoạt hàng ngày. Khi cơn đau cấp xuất hiện người bệnh khó khăn trong di chuyển, cử động. Thông thường, tình trạng đau sẽ diễn ra vào mùa lạnh và ban đêm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và tinh thần của người bệnh.
Tất cả những điều này khiến đảo lộn sinh hoạt và cuộc sống hàng ngày, tác động rất lớn đến tâm lý người bệnh. Đối diện với cơn đau, người bệnh dễ bi quan và cảm xúc luôn không được ổn định.
BS Tạ Hồng Nhung cho biết, bệnh gout và giả gout có cơ chế bệnh sinh khác nhau nhưng những biểu hiện giống nhau khiến nhiều người nhầm lẫn. Vì thế, việc phân biệt bệnh gout và giả gout giúp người bệnh xác định được nguyên nhân, triệu chứng, từ đó có phương pháp điều trị bệnh phù hợp, hiệu quả.
Theo đó, bệnh giả gout là sự lắng đọng tinh thể canxi pyrophosphate tại khớp. Các tinh thể canxi gây ra tổn thương cho khớp, từ đó gây ra các triệu chứng viêm và cơn đau cấp tính.
Hiện nay, căn nguyên của việc lắng đọng canxi pyrophosphate vẫn chưa được tìm ra. Nhưng khác với bệnh gout, các chuyên gia y khoa cho biết nguyên nhân của bệnh giả gout không liên quan đến thói quen dinh dưỡng.
Căn bệnh này không phổ biến tại Việt Nam, các ca bệnh cũng rơi vào phần lớn người cao tuổi, đã bước vào giai đoạn lão hóa xương tự nhiên. Có hơn 50% người trên 90 tuổi xuất hiện tình trạng lắng đọng canxi pyrophosphate. Dù vậy, cả hai căn bệnh này đều có thể xảy ra với bất cứ ai, đặc biệt là người lớn tuổi.
Bình luận
TVQuản trị viênQuản trị viên
Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm