Công ty CP Tập đoàn GELEX (mã chứng khoán GEX) vừa công bố tài liệu Đại hội đồng cổ đông năm 2022 và báo cáo tài chính quý 1/2022.
Đây là công ty rất được nhà đầu tư quan tâm bởi sự phát triển thần tốc của nó cũng như tin đồn “bủa vây” doanh nhân 8X Nguyễn Văn Tuấn thời gian vừa qua.
Tổng giám đốc GELEX Nguyễn Văn Tuấn - doanh nhân 8X có nhiều dấu ấn lớn tại GELEX Tổng giám đốc GELEX Nguyễn Văn Tuấn - doanh nhân 8X có nhiều dấu ấn lớn tại GELEX
Vụ thoái vốn “chớp nhoáng” của Bộ Công thương
GELEX tiền thân là Tổng công ty Thiết bị kỹ thuật điện, được thành lập từ năm 1990, do Bộ Công thương quản lý. Năm 2010, công ty này tiến hành cổ phần hóa và đổi tên thành Tổng công ty CP Thiết bị điện Việt Nam (GELEX).
Tổng giám đốc Nguyễn Văn Tuấn
Ngày 25.12.2015, Bộ Công thương thoái vốn, bán 122 triệu cổ phiếu GEX, tương đương 78,74% vốn điều lệ, tổng giá trị hơn 2.100 tỉ đồng. Vụ thoái vốn này để lại khá nhiều “điều tiếng” khi ngày 24.12.2015, Bộ Công thương có văn bản gửi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX); và ngay ngày hôm sau, Bộ này đã bán xong chỉ trong vòng 30 phút trên sàn UpCom. Cổ phiếu GEX chủ yếu được khớp lệnh ở mức giá 17.700 - 17.800 đồng/cổ phiếu.
Dư luận thời điểm đó đã đặt một loạt nghi vấn: vì sao Bộ Công thương lại vội vàng công bố thông tin rồi lại nhanh chóng thoái vốn? Động thái này liệu có phải để các nhà đầu tư không đủ thời gian nghiên cứu, không kịp chuẩn bị số tiền 2.100 tỉ đồng để mua?
Và tại đại hội cổ đông năm 2016 của GELEX, thương vụ này bắt đầu sáng tỏ khi ông Nguyễn Văn Tuấn được bầu vào làm thành viên HĐQT của GELEX. Ông Tuấn khi đó giữ chức Phó chủ tịch Công ty CP Chứng khoán IB (VIX), được nhà đầu tư đặt biệt danh là Tuấn “mượt”.
Cũng trong thời gian ông Tuấn làm Tổng giám đốc thì GELEX xuất hiện cổ đông lớn mới là Công ty TNHH Đầu tư GEX (sở hữu 20,57% vốn) do bà Đào Thị Lơ - mẹ ruột ông Tuấn làm Giám đốc. Đây là một doanh nghiệp đến từ Thái Nguyên, thành lập vào cuối tháng 4.2016 với số vốn điều lệ 800 tỉ đồng.
Ai mới là chủ thực sự của GELEX?
Thương vụ mua và sở hữu chi phối dạng M&A của một công ty nhỏ với doanh nghiệp nhà nước lớn thực sự làm chấn động thị trường. Bởi GELEX lúc này có 6 công ty con, 3 công ty liên kết, 1 công ty liên doanh, trong đó sở hữu 65% vốn tại Công ty CP Dây cáp điện Việt Nam (CAV). Thị phần phân phối dây cáp điện của CAV trên cả nước đạt khoảng 30%, trong đó thị phần tại miền Nam đạt 90%, miền Trung chiếm khoảng 70% và miền Bắc chiếm 20%...
Ngoài ra, GELEX còn sở hữu 65,84% Công ty CP Chế tạo điện cơ Hà Nội (HEM - đơn vị sở hữu 35% vốn tại Khách sạn Melia Hà Nội).
Về mảng bất động sản, ngoài việc gián tiếp sở hữu Khách sạn Melia Hà Nội, GELEX cũng đầu tư Dự án số 10 Trần Nguyên Hãn với tổ hợp trung tâm thương mại, khách sạn văn phòng cho thuê, với tổng mức đầu tư 1.900 tỉ đồng.
Việc thoái vốn chóng vánh, gấp rút khiến nhiều người đặt câu hỏi về tính minh bạch, và hiệu quả trong việc bán tài sản nhà nước cho tư nhân.
Hiện tại, GELEX có vốn điều lệ hơn 8.514 tỉ đồng, tương ứng với hơn 851 triệu cổ phần. Trong đó, ông Nguyễn Văn Tuấn sở hữu hơn 192 triệu cổ phần (tỷ lệ 22,58%). Công ty TNHH MTV Đầu tư GEX do bà Đào Thị Lơ - mẹ ruột của ông Tuấn sở hữu hơn 113 triệu cổ phần (tỷ lệ 13,3%). Cá nhân bà Đào Thị Lơ cũng sở hữu hơn 26 triệu cổ phần (tỷ lệ 3,072%).
Ông Nguyễn Văn Tuấn giữ vị trí lãnh đạo tại các doanh nghiệp có liên quan đến Gelex
Như vậy, tổng cộng 2 mẹ con ông Tuấn hiện đang sở hữu 38,952% tổng vốn cổ phần - cổ đông lớn chi phối GELEX. Ông Nguyễn Hoa Cương mặc dù là Chủ tịch HĐQT nhưng chỉ sở hữu hơn 11 triệu cổ phần (tỷ lệ 1,31%).
Sau khi đổi chủ, GELEX tăng vốn thần tốc và tiếp tục hành trình thâu tóm. Năm 2021, GELEX hoàn thành mua và chi phối Viglacera (mã VGC) với tỷ lệ 50,21% vốn điều lệ. Viglacera sở hữu một loạt khu công nghiệp, “ông trùm” vật liệu xây dựng “gà đẻ trứng vàng”, hiện đang đóng góp chủ lực vào lợi nhuận của GELEX.
Năm 2018, GELEX cũng đã mua và sở hữu chi phối Công ty CP Đầu tư nước sạch Sông Đà (Viwasupco). Công ty này gây ồn ào dư luận về trách nhiệm liên quan trong vụ đổ trộm dầu thải gây ô nhiễm nguồn nước của nhà máy nước sạch Sông Đà làm ảnh hưởng hàng vạn hộ dân ở Thủ đô.
Dòng tiền “khủng” từ vay nợ, trái phiếu riêng lẻ
Thông qua các thương vụ M&A và chuyển đổi mô hình hoạt động theo dạng holding (công ty ẩn danh, đứng sau nắm giữ cổ phần chi phối các công ty khác), GELEX trở thành một tập đoàn đa ngành, tổng tài sản khoảng 5 tỉ USD. Tuy nhiên, dòng tiền GELEX cũng có rất nhiều điều đáng bàn, đặc biệt là việc vay nợ ngân hàng, phát hành trái phiếu, góp vốn cổ phần giữa công ty thành viên.
Báo cáo tài chính hợp nhất quý 1/2022 cho thấy, GELEX lãi sau thuế 694 tỉ đồng, cao gấp 2,4 lần cùng kỳ năm ngoái, nhưng lợi nhuận chủ yếu từ Viglacera đóng góp. Còn báo cáo tài chính riêng lẻ công ty mẹ thì GELEX chỉ lãi có 19,6 tỉ đồng.
GELEX có nợ phải trả lên tới 39.787 tỉ đồng với hệ số nợ 0.65. Sâu hơn, hệ số nợ trên vốn chủ sở hữu khoảng 1,83 lần. Nó cho thấy tài sản của GELEX chủ yếu là các khoản nợ vay, công ty dùng đòn bẩy tài chính rất lớn để hoạt động.
Đặc biệt, vay và nợ thuê tài chính của GELEX hơn 22.773 tỉ đồng, chiếm 57% nợ phải trả. Trong đó, vay ngân hàng khoảng 14.779 tỉ đồng (vay ngắn hạn 6.637 tỉ đồng và dài hạn 8.142 tỉ đồng).
Đáng chú ý, GELEX cũng là tập đoàn phát hành trái phiếu riêng lẻ rất lớn trong thời gian qua với 6.769 tỉ đồng, lãi suất từ 6 - 10,5%. Trái phiếu riêng lẻ hiện đang là nguồn cơn gây ra các vụ khởi tố, bắt giam vừa qua tại Tân Hoàng Minh và đó cũng là lý do khiến ông Tuấn hứng chịu nhiều tin đồn này trên thị trường.
Trong số trái phiếu trên thì riêng Công ty CP Chứng khoán VIX tư vấn/bảo lãnh khoảng 3.450 tỉ đồng. Tại VIX, bà Nguyễn Thị Tuyết làm Phó chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc và là chị ruột của ông Nguyễn Văn Tuấn.
Bình luận
TVQuản trị viênQuản trị viên
Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm