1. Bệnh viêm dạ dày là gì?
Viêm dạ dày là tên gọi của một nhóm bệnh lý hệ tiêu hóa có chung đặc điểm là tình trạng viêm ở niêm mạc dạ dày. Triệu chứng viêm ở đây là hệ quả do sự lây nhiễm một số loại vi khuẩn vào cơ thể gây nên vết loét dạ dày.
Bên cạnh đó, việc lạm dụng các loại thuốc giảm đau thường xuyên hay sử dụng các chất kích thích, uống nhiều rượu, bia cũng là những yếu tố nguy cơ dẫn tới viêm dạ dày.
Bệnh viêm dạ dày tùy theo thời gian mắc bệnh và từng giai đoạn có thể biểu hiện các triệu chứng một cách đột ngột (viêm dạ dày cấp tính) hoặc diễn tiến âm thầm, từ từ theo thời gian (viêm dạ dày mạn tính).
Một số trường hợp nếu để tái đi tái lại nhiều lần và kéo dài cuối cùng có thể dẫn tới biến chứng ung thư dạ dày. Tuy nhiên, đại đa số bệnh nhân có thể được điều trị và chữa khỏi hoàn toàn nếu như bệnh vẫn còn ở trong giai đoạn cấp tính.
2. Viêm dạ dày HP là gì ?
Theo các chuyên gia, vi khuẩn Helicobacter pylori - HP là một trong số những yếu tố nguy cơ hàng đầu dẫn tới bệnh lí viêm dạ dày và những trường hợp bệnh nhân viêm dạ dày do HP được gọi là bệnh nhân mắc viêm dạ dày HP.
Thực tế chỉ ra rằng vi khuẩn HP là một trong số những loại vi khuẩn hiếm hoi có thể tồn tại và sinh sống được trong môi trường acid khắc nghiệt tại dạ dày nhờ vào việc chúng tiết ra enzyme urease có tác dụng trung hòa dịch vị dạ dày.
Thống kê cho thấy có tới 70% số người có vi khuẩn HP tồn tại trong hệ tiêu hóa, tuy nhiên tỉ lệ biến chuyển nặng thành viêm dạ dày chỉ chiếm từ 10-15% số trường hợp.
Bệnh viêm dạ dày HP xuất hiện khi cơ thể không kể kiểm soát được các yếu tố tấn công dạ dày, tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn HP phát triển quá mức, từ từ xâm lấn và gây ra các vết viêm loét tại dạ dày.
Nguy hiểm hơn, cuối cùng có từ 1-2% bệnh nhân viêm dạ dày do HP sẽ gặp phải ung thư dạ dày.
3. Các dấu hiệu và triệu chứng viêm dạ dày
Viêm dạ dày là căn bệnh có các triệu chứng biến đổi theo từng giai đoạn, có lúc triệu chứng xuất hiện đột ngột, dữ dội bùng phát nhưng cũng có lúc triệu chứng diễn ra âm ỉ, từ từ, khó nhận biết.
Theo các bác sĩ chuyên khoa, bệnh viêm dạ dày thường có một số triệu chứng điển hình có thể kể đến bao gồm:
- Đau, nóng rát, khó chịu vùng thượng vị (phần bụng phía trên, ngay dưới xương sườn), cảm giác đau thượng vị có thể tăng lên hoặc giảm xuống sau khi ăn..
- Buồn nôn, nôn mửa, cảm giác đầy bụng, căng tức vùng thượng vị, có thể có cảm giác khó tiêu, nấc cục.
- Rối loạn tiêu hóa, có cảm giác chán ăn.
- Trong trường hợp các vết viêm loét bị nặng hơn có thể dẫn tới triệu chứng xuất huyết dạ dày.
4. Nguyên nhân bị viêm dạ dày
Các nghiên cứu bệnh học chỉ ra rằng có rất nhiều nguyên nhân và yếu tố nguy cơ có thể dẫn tới bệnh lý viêm dạ dày bao gồm:
- Bệnh tự miễn: xảy ra khi bệnh nhân mắc phải một số bệnh lí đặc trưng như bệnh Crohn, bệnh sarcoidosis (u hạt) khiến cho hàng rào bảo vệ niêm mạc dạ dày bị tổn thương, tạo điều kiện cho dịch vị dạ dày tấn công, gây tổn thương cho niêm mạc dạ dày.
- Nhiễm vi khuẩn HP: Khoảng 10-15% người có vi khuẩn HP biến chứng thành bệnh nhân viêm dạ dày, nguy cơ mắc bệnh tăng lên khi bệnh nhân có lối sống, ăn uống, sinh hoạt thiếu lành mạnh, điều độ tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn HP.
- Yếu tố di truyền: Những người trong gia đình có thành viên có tiền sử mắc viêm loét dạ dày sẽ có nguy cơ mắc bệnh cao hơn so với các nhóm đối tượng khác.
- Lạm dụng thuốc giảm đau, chống viêm: Cả các thuốc giảm đau, chống viêm phi steroid NSAIDs và corticosteroid (corticoid) đều có tác dụng phụ ức chế quá trình sản xuất lớp nhầy bảo vệ niêm mạc dạ dày, do đó khi lạm dụng các thuốc trên trong thời gian dài sẽ khiến dạ dày dễ bị tổn thương hơn trước các yếu tố tấn công.
- Căng thẳng, stress quá mức: Căng thẳng nghiêm trọng về thể chất như sau khi trải qua phẫu thuật, chấn thương, bỏng hay nhiễm trùng nặng cũng có thể dẫn đến tình trạng viêm dạ dày cấp.
- Lạm dụng chất kích thích, bia rượu: Thức uống có cồn, nicotine trong khói thuốc lá đều gây kích ứng và tăng nguy cơ tổn thương niêm mạc dạ dày, dẫn tới vết loét dạ dày.
Tuy nhiên những yếu tố kể trên chỉ là các tác nhân có thể dẫn đến bệnh viêm dạ dày nhưng không phải là nguyên nhân thực sự. Bởi trên thực tế, không phải bất cứ bệnh nhân nào khi gặp phải các yếu tố nguy cơ kể trên cũng dẫn tới bệnh viêm loét dạ dày.
Có những người không bị HP, không lạm dụng bia rượu, thuốc lá nhưng vẫn bị viêm dạ dày nhưng cũng có những người có HP lại bình an vô sự???
Đó là bởi cơ địa của mỗi người là yếu tố tiên quyết quyết định khả năng người đó có bị mắc phải bệnh không. Những người có cơ địa kháng kém với bệnh dạ dày sẽ không thể bảo vệ được dạ dày trước các yếu tố tấn công, cuối cùng dẫn tới bệnh viêm loét dạ dày.
5. Các biện pháp điều trị bệnh viêm dạ dày
5.1. Điều trị bằng Tây Y
Một số nhóm thuốc thường được dùng trong điều trị viêm dạ dày bằng Tây y bao gồm:
- Kháng sinh: Kháng sinh thường được chỉ định để điều trị viêm dạ dày do vi khuẩn HP. Việc sử dụng kháng sinh thường tuân theo quy tắc phối hợp kháng sinh để tăng hiệu quả điều trị cũng như giảm nguy cơ kháng thuốc. Một số kháng sinh thường có mặt trong phác đồ điều trị có thể kể đến Amoxicillin, Metronidazol hay Azithromycin….
- Thuốc ức chế histamin - H2: Các thuốc này có tác dụng giảm lượng acid tiết ra, từ đó làm giảm các triệu chứng của viêm loét dạ dày. Một số thuốc kháng histamin H2 thường dùng là Cimetidine, Famotidine, Ranitidine…
- Thuốc ức chế bơm proton - PPIs: Đây là nhóm biệt dược mang lại hiệu quả hàng đầu trong các thuốc điều trị viêm dạ dày thông qua cơ chế ức chế các tế bào sản xuất acid tại dạ dày. Thuốc có tác dụng nhanh cũng như kéo dài, do đó tương đối tiện lợi trong sử dụng. Một số thuốc nổi tiếng trong nhóm PPIs là Omeprazole, Esomeprazole…
- Thuốc trung hòa acid, thuốc bao vết loét: Các thuốc này giúp trung hòa, bảo vệ niêm mạc dạ dày khỏi sự tấn công của dịch vị dạ dày tuy nhiên không có tác dụng ngăn ngừa tình trạng tái phát bệnh dạ dày.
Điều trị bằng Tây y là phương pháp điều trị phù hợp với bệnh nhân bị viêm dạ dày cấp tính nhờ giúp cải thiện nhanh các triệu chứng gây đau đớn, khó chịu cho bệnh nhân.
Tuy nhiên đối với các bệnh nhân viêm dạ dày mạn tính, điều trị với Tây y tỏ ra không hiệu quả, bệnh nhân vẫn thường xuyên bị tái phát. Ngoài ra, việc sử dụng kháng sinh dài ngày cũng khiến bệnh nhân đối mặt với nguy cơ bị kháng kháng sinh và rối loạn tiêu hóa.
5.2. Điều trị bằng Đông Y
Theo Đông y, bệnh lí viêm dạ dày được xếp vào chứng “quản thống”, có liên quan mật thiết tới một số tạng như tỳ, phế, vị, can.
Do tình chí bị kích thích, dẫn đến can khí uất kết mất khả năng sơ tiết, làm rối loạn khí cơ thăng thanh giáng trọc của tỳ vị mà gây ra các triệu chứng đau vùng thượng vị, ợ hơi, ợ chua… u uất buồn giận thương tổn can, can khí mất sơ thông, hoành nghịch phạm vị, tạo thành can vị bất hòa. Vị khí không thông giáng thì buồn nôn, nôn, ợ hơi. Can khí uất lâu hóa hỏa, hỏa làm thương tổn âm dẫn tới đau tăng lên.
Chứng bệnh cũng có thể do ăn uống thất thường, ăn nhiều các chất chua cay, sống lạnh… làm tỳ vị bị tổn thương mất khả năng kiện vận, hoặc do tiên thiên bất túc hàn tà nhân đó xâm nhập vào gây khí trệ, huyết ứ mà sinh ra các cơn đau.
Các thuốc đông y trị dạ dày có tác dụng bình can, kiện tỳ vị, an thần, ôn bổ dưỡng khí, vừa giảm bớt các triệu chứng của bệnh dạ dày vừa bồi bổ cơ thể, phục hồi thể trạng cho bệnh nhân.
Một số bài thuốc Đông y trị dạ dày có thể kể đến như: Hương sa lục quân tử thang, Hoàng kỳ kiến trung thang gia giảm, Sa sâm mạch đông thang gia giảm…
Bình luận
TVQuản trị viênQuản trị viên
Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm