Ngày 5/8, một lãnh đạo UBND xã Phước An (huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định) xác nhận với phóng viên Báo Người lao động, trên địa bàn xã này vừa ghi nhận một trường hợp tử vong sau nhiều tháng bị chó cắn. Nạn nhân là cháu N.N.T. (7 tuổi; ngụ thôn An Sơn 2, xã Phước An), học lớp 2 tại một trường ở địa phương.
Theo thông tin ban đầu, cách đây gần 3 tháng, cháu T. và 2 người khác trong thôn bị một con chó của một gia đình tại địa phương cắn. Cháu T. chỉ chích một liều vaccine phòng dại rồi dừng, 2 người còn lại được chích đủ liều.
Đến cuối tháng 7 vừa qua, cháu T. xuất hiện nhiều dấu hiệu bất thường cùng các triệu chứng như bệnh dại. Sau đó, gia đình đưa cháu T. đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Định cấp cứu nhưng cháu đã không qua khỏi.
Ảnh minh họa
Như Báo VietNamNet đưa tin, trước đó, trên địa bàn xã Thanh Thạch, huyện Tuyên Hóa (tỉnh Quảng Bình) cũng xảy ra vụ việc tương tự. Nạn nhân là ông Nguyễn Văn Ch. (SN 1960, ở thôn 3, xã xã Thanh Thạch).
Bác sỹ Cao Sỹ Phượng, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Tuyên Hóa cho biết, cách đây khoảng 3 tháng, ông Ch. đưa con chó 1 tháng tuổi nhà nuôi đi tiêm phòng. Ông bị chó cắn ở mặt trong cánh tay trái, chảy ít máu.
Thời điểm này con chó nhỏ đang bị ốm, sau 3 ngày con chó chết. Từ thời điểm bị chó cắn đến nay, sức khỏe của ông Ch. bình thường, không có biểu hiện gì.
Đến sáng 1/8, ông Ch. mệt mỏi, nhức đầu, sợ ánh sáng nên gia đình đã đưa đi Bệnh viện Việt Nam - Cu Ba Đồng Hới thăm khám và được các bác sỹ chuyển lên tuyến trên. Tại Bệnh viện Trung ương Huế, ông Ch. được chẩn đoán mắc bệnh dại và trả về, đến khuya 2/8, ông Ch. tử vong.
Bệnh dại là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus dại gây ra, bệnh chủ yếu của vật nuôi (chó, mèo…) hoặc động vật hoang dã (dơi, cáo…) lây sang người qua vết cắn, cào ở da và niêm mạc. Trong một số ít trường hợp, bệnh dại có thể lây lan khi nước bọt bị nhiễm trùng xâm nhập vào vết thương hở hoặc màng nhầy, như miệng hoặc mắt. Điều này có thể xảy ra nếu một con vật bị nhiễm bệnh liếm một vết cắt hở trên da . Biểu hiện của bệnh chủ yếu là trạng thái kích thích tâm thần vận động hoặc liệt. Sau khi bị chó dại cắn thì trong khoảng thời gian từ 10 ngày đến 1 năm tùy theo vị trí vết cắn gần hay xa, trung bình từ 20 ngày đến 60 ngày sẽ có biểu hiện bệnh. Nếu số vết cắn nhiều, sâu, vị trí cắn gần thần kinh trung ương và giàu mạng lưới thần kinh (đầu, mặt, cổ…) thì thời gian ủ bệnh sẽ ngắn. Trước khi phát bệnh, người bệnh có thể lo lắng, thay đổi tính tình, có cảm giác ngứa, đau ở nơi bị cắn. Trường hợp điển hình người bệnh nuốt khó, đau họng, co cứng cơ vùng cổ, vai, lưng, sau đó lan đến các nhóm cơ khác: Bụng, chi. Co cứng cơ mặt gây nên kiểu “cười nhăn”, co cứng cơ lưng, làm lưng cong ưỡn. Cường độ co cơ với tần suất cao sẽ đe dọa ngừng thở. Khi bị phát bệnh thường có biểu hiện co cứng, run rẩy tứ chi, co giật, co thắt họng và thanh quản gây nên triệu chứng sợ nước, khát không dám uống, chỉ nhìn thấy hoặc nghe tiếng nước cũng gây co thắt họng và rất đau. Tình trạng co thắt này tăng lên mỗi khi có có kích thích dù rất nhỏ vào các giác quan: Luồng gió nhẹ, mùi vị, ánh sáng … nét mặt luôn căng thẳng hoảng hốt, mắt sáng và đỏ, tai thính, có thể có tình trạng kích thích sinh dục. Sốt tăng dần, vã mồ hôi, tăng tiết đờm giãi, rối loạn tim mạch và hô hấp, xuất hiện nhiều ảo giác. Tất cả các triệu chứng trên xuất hiện thành từng cơn, ngày càng dày hơn, mạnh hơn. Người bệnh có thể có lúc tỉnh táo. Các triệu chứng nặng dần lên và tử vong trung bình từ 3-5 ngày do ngừng hô hấp và ngừng tim. Hiện nay, chưa có thuốc để cứu sống người bệnh khi đã lên cơn dại, khi phát bệnh thì 100% tử vong. Chỉ điều trị triệu chứng an thần để nơi yên tĩnh, riêng biệt. Vì vậy, phòng bệnh trước và sau khi phơi nhiễm rất quan trọng. Khi bị chó dại cắn, người dân cần rửa kỹ tất cả các vết cắn/cào trong 15 phút với nước và xà phòng, hoặc nước sạch, sau đó sát khuẩn bằng cồn 450-700 hoặc cồn iốt để làm giảm thiểu lượng virus dại tại vết cắn. Có thể sử dụng các chất khử trùng thông thường như rượu, cồn, xà phòng các loại, dầu gội, dầu tắm để rửa vết thương ngay sau khi bị cắn. Không làm dập nát thêm vết thương hoặc làm tổn thương rộng hơn, tránh khâu kín ngay vết thương. Trường hợp bắt buộc phải khâu thì nên trì hoãn khâu vết thương sau vài giờ đến 3 ngày và nên khâu ngắt quãng/bỏ mũi sau khi đã tiêm phong bế huyết thanh kháng dại vào tất cả các vết thương. Tùy trường hợp cụ thể có thể sử dụng kháng sinh và tiêm phòng uốn ván. |
Bình luận
TVQuản trị viênQuản trị viên
Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm