Trường Tiểu học xã Đăk Hà kêu gọi nhà hảo tâm để gây quỹ nấu bữa trưa cho 188 học sinh không có chế độ bán trú. Ảnh: Dung Nguyễn
Chắp cánh ước mơ
Bước vào năm học 2024 - 2025, giáo viên ở các huyện vùng sâu, xa tỉnh Kon Tum và Gia Lai không chỉ chú trọng công tác dạy học, mà còn quan tâm đến đời sống, điều kiện đến trường của học sinh. Các thầy, cô như người cha, người mẹ thứ hai của học trò nghèo, tiếp thêm sức mạnh, giúp các em có điều kiện tốt nhất đến trường.
Năm học này, Trường Tiểu học và THCS xã Ya Xiêr (Sa Thầy, Kon Tum) có 791 học sinh. Buổi học đầu tiên, toàn trường vắng 23 em không lý do. Nhận thấy một số học sinh “ngại” đến trường vì thiếu đồ dùng học tập, quần áo…, cô Nguyễn Thị Lý đã kêu gọi nhà hảo tâm giúp đỡ. Thương học trò nghèo, nhiều nhà hảo tâm ở khắp nơi cùng chung tay hỗ trợ, cô Lý đã trao tận tay học sinh những bộ quần áo, cặp, vở… Kể từ đó, trò nghèo có đầy đủ sách vở, đồ dùng học tập đến trường, tỷ lệ chuyên cần được duy trì.
Nhận đồ dùng học tập mới từ cô Lý trao tặng, em A Tam (lớp 8A) không giấu được sự vui mừng. A Tam sinh ra trong gia đình nghèo có 8 anh chị em. Mua sắm những đồ dùng thiết yếu đầu năm học luôn là gánh nặng cho cha, mẹ A Tam khi chuẩn bị cho các con đến trường. Thấu hiểu sự khó khăn của gia đình, A Tam chẳng đòi hỏi cha, mẹ mà em chỉ mong mỗi ngày được no bụng đến lớp. Nhận được món quà ý nghĩa từ cô giáo, cậu học trò hứa sẽ cố gắng học tập để không phụ lòng quan tâm, hỗ trợ của mọi người.
Không muốn học sinh vì khoảng cách nhà và trường quá xa mà phải dừng việc học, nhiều trường trên địa bàn huyện biên giới Ia H’Drai (Kon Tum) đã giữ học trò ở lại từ thứ 2 đến thứ 6. Như Trường Tiểu học và THCS Nguyễn Tất Thành bố trí 7 phòng lưu trú khang trang, sạch đẹp với đầy đủ tiện nghi cần thiết. Những ngày đầu năm học, thầy cô không quên hướng dẫn học sinh vệ sinh cá nhân, giờ giấc sinh hoạt và giúp học tập vào buổi tối.
Thầy Quách Văn Vương - Hiệu trưởng Trường Tiểu học và THCS Nguyễn Tất Thành cho biết, nhà của 67 học sinh cách trường hàng chục cây số nên các em ở lại từ thứ 2 đến thứ 6. Ngoài giờ dạy trên lớp, nhà trường hỗ trợ cô nuôi nấu ăn, chăm sóc và bồi dưỡng thêm kiến thức cho học sinh. Chi phí nuôi dưỡng một phần từ chế độ hỗ trợ bán trú, ngoài ra nhà trường nuôi heo, trồng rau cải thiện các bữa ăn.
“Giữ học sinh ở lại trường khá vất vả cho giáo viên, tuy nhiên điều này giúp các em có điều kiện học tập tốt hơn nên thầy, cô đều nhiệt tình tham gia. May mắn đa số phụ huynh đồng hành, hỗ trợ rau, củ quả để bữa ăn thêm dưỡng chất. Chúng tôi sẽ cố gắng để học sinh có một tương lai tốt đẹp”, thầy Vương nói.
Cô Nguyễn Thị Lý mang quần áo, sách vở đến tặng học sinh nghèo vào đầu năm học mới. Ảnh: Dung Nguyễn
Bữa ăn ấm lòng
Năm học 2024 - 2025, Trường Tiểu học xã Đăk Hà (Tu Mơ Rông, Kon Tum) có 702 học sinh, nhưng chỉ 430 em có chế độ bán trú. Khoảng cách từ nhà đến trường của nhiều học sinh khá xa nên đa phần trưa các em về nhà ăn cơm, nhưng chiều ngại đến lớp.
Để duy trì tỷ lệ chuyên cần và nâng cao chất lượng dạy học, nhà trường kêu gọi nhà hảo tâm hỗ trợ kinh phí, tổ chức bữa trưa cho 188 học sinh ở điểm chính, Kon Pia và Ty Tu. Ngoài nguồn hỗ trợ của Quỹ trò nghèo vùng cao, các thầy, cô nuôi thêm gia súc, gia cầm và trồng rau để tiết kiệm chi phí, cải thiện bữa ăn.
“Khi nguồn quỹ ổn định, nhà trường tổ chức bán trú cho khoảng 30 em mồ côi, hoàn cảnh đặc biệt khó khăn ở lại trong tuần (trừ thứ 7, Chủ nhật). Điều này nhằm động viên tinh thần, tiếp thêm động lực để các em vươn lên trong cuộc sống”, cô Hồ Thị Thùy Vân - Hiệu trưởng Trường Tiểu học xã Đăk Hà nói.
Với mong muốn “cái bụng các em đủ no thì con chữ mới được thắp sáng”, 9 giáo viên Trường Tiểu học và THCS Lê Lợi, xã Đăk Tơ Pang (Kông Chro, Gia Lai) đã tình nguyện nấu thức ăn để bữa cơm của học sinh thêm dưỡng chất.
Bếp ăn cho trò nghèo được nhà trường triển khai từ năm học 2021 - 2022 bởi nhiều học sinh nhà xa, cách trường vài cây số, phải mang cơm trưa đến trường. Thế nhưng, bữa cơm của trò nơi đây chủ yếu là cơm trắng, chuối chiên hoặc chút thức ăn còn sót lại vào buổi tối.
Nhận được sự quan tâm từ các nhà hảo tâm, giáo viên nhà trường đã xung phong nấu thức ăn mang từ nhà đến trường rồi phân chia cho học sinh. Năm học này, 9 thầy, cô giáo tiếp tục xung phong nấu thức ăn cho 198 học sinh nhà xa ở lại trường vào buổi trưa. Nhờ vậy, tỷ lệ chuyên cần luôn đảm bảo, chất lượng giáo dục cũng nâng cao.
“Năm học này toàn trường có 334 học sinh, trong đó 331 em người Ba Na. Nguồn quỹ nấu bữa trưa cho trò chỉ duy trì được đến tháng 12/2024 nên nhà trường đang tiếp tục kêu gọi nhà hảo tâm tài trợ. Mặt khác, cấp THCS với 136 học sinh đa số nhà xa, (nhiều em cách trường 5km), hoàn cảnh khó khăn nên thường nhịn đói vào buổi sáng. Nhà trường rất mong những tấm lòng nhân ái cùng chung tay hỗ trợ phở, mì tôm… để các em no bụng vào buổi sáng, có sức khỏe học tập”. - Thầy Nguyễn Văn Hào - Hiệu trưởng Trường Tiểu học và THCS Lê Lợi
Bình luận
TVQuản trị viênQuản trị viên
Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm