Biểu hiện và đặc điểm của trẻ rối loạn phổ tự kỷ
Rối loạn phổ tự kỷ (RLPTK) là một dạng khuyết tật phát triển suốt đời, đặc trưng bởi các khiếm khuyết cốt lõi: khó khăn trong khả năng tương tác xã hội, giao tiếp, sở thích, hành vi của trẻ mang tính rập khuôn, hạn hẹp và lặp đi lặp lại nhiều lần. Trẻ RLPTK còn có vấn đề về xử lý giác quan. Có những trẻ ở dưới ngưỡng cảm giác, có những trẻ lại ở trên ngưỡng cảm giác, và sự rối loạn xử lý cảm giác ở trẻ RLPTK có thể xảy ra ở bất cứ giác quan nào: thính giác, khứu giác, xúc giác, vị giác, cảm nhận bản thể, tiền đình,…
Những vấn đề liên quan đến rối loạn xử lý cảm giác cũng được xác định là một trong những yếu tố gây nên những hành vi thách thức, hành vi tự hại làm ảnh hưởng tới quá trình trẻ học tập và khả năng trẻ tham gia hòa nhập cùng các bạn đồng trang lứa.
Rối loạn phổ tự kỷ khiến trẻ em trở nên khó khăn trong giao tiếp xã hội (Ảnh minh họa)
Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hoa Kỳ năm 2021 cho biết, tỉ lệ mắc chứng rối loạn phổ tự kỷ cho bé trai tại đây là 1/27 (cứ 27 trẻ thì có 1 trẻ bị rối loạn), của bé gái là 1/116. Các bé trai có nguy cơ được chẩn đoán mắc chứng RLPTK cao hơn 4 lần so với bé gái.
Hiện nay chưa có những bằng chứng khoa học chắc chắn về nguyên nhân dẫn tới những rối loạn này. Tuy nhiên, các nhà khoa học có đưa ra các nghiên cứu và giả thuyết là do yếu tố di truyền, yếu tố môi trường hoặc các yếu tố tâm lý thần kinh.
Đặc điểm cảm giác của trẻ rối loạn phổ tự kỷ
Trẻ RLPTK gặp rất nhiều vấn đề về đặc điểm cảm giác. Mỗi trẻ lại gặp những vấn đề về cảm giác với các giác quan khác nhau, ở các ngưỡng khác nhau. Trẻ tự kỷ biểu hiện nhiều triệu chứng xử lý cảm giác kém thường thấy ở trẻ bị rối loạn chức năng não tối thiểu và tương tác của trẻ với môi trường vật chất cũng kém.
Đầu tiên, với xử lý cảm giác thính giác, trẻ tự kỷ thường không chú ý đến tiếng chuông hoặc những tiếng động khác, thậm chí sẽ không ghi nhận những gì người khác nói về mình. Hầu hết mọi người sẽ ngừng tiếp nhận một âm thanh vào nếu nó tiếp tục trong một thời gian dài mà không có nhiều thay đổi, tuy nhiên trẻ RLPTK lại có xu hướng chú ý nhiều hơn đến những âm thanh như vậy.
Trẻ tự kỷ dường như cũng bỏ qua môi trường thị giác của mình. Trẻ nhìn xuyên qua mọi người và né tránh nhìn vào mắt mọi người khi họ nhìn trẻ. Đôi khi bộ não của trẻ sẽ quyết định dành sự chú ý lâu dài và cẩn thận nhất cho một số chi tiết nhỏ, chẳng hạn như một điểm trên sàn nhà.
Có những trẻ RLPTK cũng gặp vấn đề với cảm giác bản thể. Áp lực chạm rất mạnh là loại kích thích xúc giác thường tạo ra phản ứng tích cực ở trẻ tự kỷ. Với các trẻ ít cảm nhận, trẻ có thể đứng quá gần người khác, không hiểu được khoảng cách tối thiểu giữa hai cơ thể, đi lại không khéo léo, gặp khó khăn trong việc tránh chướng ngại vật. Với những trẻ nhạy cảm, trẻ có khó khăn với những cử động tinh tế, với các vật nhỏ, di chuyển thân hình để nhìn một vật gì đó.
Trẻ tự kỷ hoặc tìm kiếm sự vận động và kích thích tiền đình một cách vất vả hoặc từ chối nó hoàn toàn. Cả hai phản ứng đều không bình thường. Một số trẻ tự kỷ muốn vận động nhiều và dường như rất thích thú với việc này. Các chuyển động như quay tròn và lắc lư không làm họ chóng mặt hoặc bị bệnh. Với những trẻ quá nhạy cảm, trẻ sẽ có biểu hiện sợ phải di chuyển, thay đổi một số vị trí cơ thể khi vận động. Trẻ sợ độ cao, có cảm giác chóng mặt, buồn nôn với những hoạt động vận động mạnh. Do quá nhạy cảm về hệ thống tiền đình nên khả năng vận động thô của trẻ bị ảnh hưởng nhiều.
Trẻ RLPTK có thể gặp rối loạn về cảm giác xúc giác. Với các trẻ ít cảm nhận có biểu hiện như chịu đau ở ngưỡng không bình thường, tự xâm hại bản thân mình (bóc da, cắn tay, gãi vết xước), chịu được ở nhiệt độ cao và nhiệt độ thấp. Còn lại với trẻ nhạy cảm, việc sờ chạm vào đồ vật/người có thể gây đau đớn với trẻ do trẻ có sự nhạy cảm quá mức ở các bộ phận bàn tay, ngón tay, thấy khó khăn trong việc chải tóc, đi tất, đánh răng,…
Cuối cùng là khó khăn với cảm giác vị giác và khứu giác ở trẻ bị RLPTK. Trẻ RLPTK sẽ ít cảm nhận, sẽ không hoặc ít có ý thức về khứu giác, không nhận biết được những mùi khó chịu, thích ngửi mọi vật. Còn những trẻ nhạy cảm sẽ dễ bị cảm thấy khó chịu bởi mùi hương, thấy mùi xung quanh nồng nặc hơn gấp nhiều lần. Về cảm giác vị giác, trẻ RLPTK ít cảm nhận thích ăn thực phẩm nhiều gia vị, đậm gia vị, có thể ăn bất cứ gì. Trẻ nhạy cảm về vị giác thì chỉ có thể ăn được một số gia vị nhất định hoặc thức ăn có tính chất nhất định.
Phát triển cảm giác trong can thiệp trẻ rối loạn phổ tự kỷ 2-3 tuổi theo phương pháp Montessori
Trẻ tự kỷ thường có thể thúc đẩy để ghi nhận đầu vào cảm giác nếu trẻ được khuyến khích thích hợp. Đây là lý do tại sao các thủ tục sửa đổi hành vi có hiệu quả với các đứa trẻ này. Liệu pháp tích hợp giác quan cũng cố gắng khuyến khích trẻ ghi nhận cảm giác và những khuyến khích đó là nội tại, tự nhiên. Niềm vui của sự kích thích tiền đình trong quá trình trị liệu giúp thúc đẩy trẻ em, giúp não xử lý các đầu vào giác quan, đặc biệt là các giác quan thị giác. Trẻ tự kỷ có xu hướng nhìn thẳng vào mắt nhà trị liệu hơn trong hoặc sau khi các cử động cơ thể liên quan đến nhiều kích thích tiền đình.
Việc can thiệp theo hướng tích hợp cảm giác, phát triển cảm giác còn giúp trẻ RLPTK có cải thiện đang kể trong kỹ năng xử lý. Kỹ năng xử lý ngụ ý là lập kế hoạch cho các hoạt động, sử dụng các công cụ, vật liệu phù hợp và thích ứng với các vấn đề. Trẻ RLPTK đã được định nghĩa là một rối loạn điều hành vì có liên quan đến các khuyết điểm về chức năng điều hành, đặc biệt là trong lĩnh vực nhận thức linh hoạt, lập kế hoạch và trí nhớ làm việc. Sự cải thiện này có thể là kết quả của việc sử dụng tốt hơn, tích hợp thông tin cảm giác với môi trường cho các hoạt động lập kế hoạch.
Trong khi Montessori (1966) nhận ra tầm quan trọng của trải nghiệm cảm giác ngay từ khi trẻ em mới sinh, bà đặc biệt nhấn mạnh của việc giúp trẻ phân biệt giác quan và tinh chỉnh các giác quan đó. Phần lớn công cụ giảng dạy nổi tiếng của bà liên quan đến các cách cải thiện sự tinh tế giác quan của giới trẻ. Với hầu hết trẻ em, trải nghiệm phân biệt cảm giác này được đưa ra trong giai đoạn mẫu giáo từ khoảng hai đến năm tuổi, tạo nền tảng cho phần lớn quá trình học tập.
Theo Montessori, thời kỳ nhạy cảm để tinh chỉnh các giác quan nổi bật nhất vào khoảng 3 tuổi, khi đứa trẻ có năng lực tinh thần để bắt đầu xây dựng dựa trên vô số trải nghiệm giác quan có được trong giai đoạn tâm trí hấp thụ vô thức. Ở giai đoạn này, trẻ bắt đầu tổ chức các ấn tượng giác quan với sự trợ giúp của các hoạt động phân loại ấn tượng này. Nội dung phát triển các giác quan theo phương pháp Montessori được chia thành các nhóm gồm thị giác, thính giác, xúc giác, vị giác, khứu giác,…
Xây dựng hoạt động phát triển cảm giác theo phương pháp Montessori cho trẻ rối loạn phổ tự kỷ 2-3 tuổi
Nguyên tắc xây dựng hoạt động phải dựa trên những cơ sở lý luận, cơ sở thực tiễn phù hợp với nội dung, mục tiêu cụ thể của nhiệm vụ phát triển cảm giác (PTCG) cho trẻ RLPTK 2-3 tuổi và dựa trên một số nguyên tắc sau: đảm bảo tính mục tiêu; vừa sức, phù hợp với đặc điểm PTCG của trẻ từ 2-3 tuổi nói chung và trẻ RLPTK 2-3 tuổi nói riêng; toàn diện và cân đối; dựa trên sự hứng thú của trẻ em, đa dạng hóa hoạt động; đảm bảo tính phù hợp, thực tiễn và tính khả thi; tính hệ thống.
Về quy trình xây dựng gồm có: xác định khả năng, nhu cầu, sở thích của trẻ; xây dựng mục tiêu hoạt động PTCG cho trẻ RLPTK 2-3 tuổi; lựa chọn nội dung hoạt động PTCG cho trẻ RLPTK 2-3 tuổi; lựa chọn giáo cụ Montessori của hoạt động PTCG cho trẻ RLPTK tuổi; xây dựng quy trình thực hiện hoạt động PTCG cho trẻ RLPTK 2-3 tuổi; đánh giá hoạt động PTCG đối với trẻ RLPTK 2-3 tuổi.
Các yếu tố ảnh hưởng đến việc xây dựng hoạt động PTCG theo phương pháp Montessori cho trẻ RLPTK 2—3 tuổi như:
Thứ nhất, giáo viên phải có những hiểu biết về sở thích, năng lực, hành vi, điểm mạnh, điểm yếu của trẻ,… đặc biệt là các vấn đề về cảm giác của trẻ. Đồng thời phát triển năng lực chuyên môn, chiến lược, phương pháp giáo dục là một trong những yếu tố cần và đủ tác động đến hiệu quả của quá trình xây dựng hoạt động PTCG cho trẻ RLPTK.
Thứ hai, cần dựa trên năng lực và khả năng của mỗi trẻ để đề xuất biện pháp phù hợp và đem lại hiệu quả với từng cá nhân trẻ. Bên cạnh đó là điều chỉnh các hành vi thách thức của trẻ RLPTK trong quá trình tham gia hoạt động PTCG.
Thứ 3, việc lựa chọn và sử dụng đồ dùng, giáo cụ Montessori đem lại cảm giác an toàn, thoải mái và hứng thú để mỗi trẻ RLPTK có thể thực hành và hiểu được các nội dung học tập.
Cuối cùng, yếu tố môi trường học tập theo phương pháp Montessori có đóng góp quan trọng. Môi trường được bố trí trật tự, sắp xếp và phân chia rõ ràng, cụ thể. Không giống với các trường học truyền thống khác, trên tường của các lớp học Montessori không có dán các tờ quảng cáo, bản đồ, tranh ảnh hay vẽ họa tiết trên tường,… mà treo bức tranh của nhiều học sĩ nổi tiếng thế giới như: Vincent van Gogh, Claude Monet. Điều này giúp cho trẻ em, đặc biệt là trẻ RLPTK sẽ tập trung chú ý hơn khi học, cảm thấy an toàn, thoải mái, dễ chịu khi ở trong môi trường Montessori.
Hiện nay, việc xây dựng hoạt động PTCG cho trẻ RLPTK 2-3 tuổi theo phương pháp Montessori rất được quan tâm nhưng vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Vì vậy nghiên cứu về quy trình, cách thức xây dựng hoạt động PTCG cho trẻ RLPTK 2-3 tuổi theo phương pháp Montessori là hết sức cần thiết.
Bình luận
MSliêu minh sơn
bổ x