Tại Bến xe Miền Đông (quận Bình Thạnh) một trong những bến xe lớn nhất lại gặp cảnh chưa bao giờ thấy khi hành khách thì thưa thớt, trước quầy vé cũng chỉ lác đác vài người dò hỏi thông tin. So với năm ngoái, giờ này đã tấp nập hành khách ra vào mua vé. Thế nhưng năm nay không khí trong bến đìu hiu, vắng vẻ, chỉ một vài hành khách đến gửi hàng hóa. Khu vực bãi đậu, hàng trăm ôtô xếp hàng chờ khách.
Là nhân viên bán lâu năm của hãng xe xe Bình Tâm chạy tuyến TP HCM - Quảng Ngãi chị Phạm Thị Phương Thảo tâm sự gần 10 năm đi làm việc tại đây lần đầu tiên gặp cảnh này. Bởi mọi năm quầy lúc nào cũng quây kín thậm chí nhà xe còn phải tổ chức thêm điểm bán ở vào bến chứ nào có cảnh “an nhàn” hóng mãi được vài ba khách thế này.
Cùng cảm nhận ấy, ông Võ Văn Tám, chủ nhà xe Cô Hai cảm thán: “Bằng giờ này mọi năm vé bán ào ào, những xe giường nằm khách đặt rất sớm không còn vé mà bán. Năm nay đến giờ mới bán được vài vé. Ngày bình thường, mỗi xe cũng chỉ có vài khách chạy, không đủ trả tài xế, xăng dầu. Do dịch Covid-19 nên khách hầu hết vẫn còn e dè về quê, lo sợ nhiễm bệnh hoặc phải đi cách ly.
Nhiều hãng xe cũng cho biết, đến thời điểm này chưa bán được chiếc vé tết, có bán được thì cũng rất ít, chi phí để chạy xe ngày Tết với lượng khách quá ít, không đủ để chi trả, nhà xe sẽ lỗ nặng. Chia sẻ trên báo Giao thông, ông Tạ Chương Chín, Phó Giám đốc Bến xe Miền Đông cho biết, Tết Nguyên đán năm nay lượng khách giảm sâu so với các năm trước. Đến thời điểm hiện tại khách đến bến đạt 12% so với cùng kỳ, lượng xe xuất bến là 30%. Cao điểm Tết dự kiến bán được 19.000 vé (đạt 22% so với cùng kỳ).
Theo ông Chín, bến xe đã chuẩn bị đủ xe, các điều kiện an toàn để đảm bảo phục vụ hành khách. Hiện nay chủ yếu là do tình hình dịch Covid-19, hành khách đi lại ít, trong khi đó một lượng lớn hành khách đã về quê thời điểm thành phố hết giãn cách xã hội và sinh viên cũng còn ở quê chưa trở lại TP. Về giá vé, cũng như mọi năm, các nhà xe dự kiến tăng giá vé không quá 60% để bù vào chiều chạy rỗng.
Tương tự tại Bến xe Miền Tây (quận Bình Tân), do đặc thù các tuyến ngắn nên khách thường mua vé những ngày cận Tết. Tuy nhiên, lượng khách được dự báo giảm sâu nên tại bến xe này hiện chưa có doanh nghiệp vận tải đăng ký bán vé Tết. Lãnh đạo Bến xe Miền Tây cho biết hiện lượng khách qua bến chỉ đạt 15-20% so với trước, hy vọng các ngày cao điểm đi lại sắp tới tăng lên 60-70% so với cùng kỳ năm ngoái.
Một lượng lớn người dân đã rời thành phố về quê cũng là nguyên nhân khiến lượng khách ở các bến xe giảm. Thống kê của Sở Giao thông Vận tải cho biết trong thời gian giãn cách xã hội, TP HCM đã phối hợp đưa hơn 55.000 người về 47 tỉnh thành theo nguyện vọng. Phần lớn họ chưa trở lại thành phố.
Bên cạnh đó, theo phân tích của các bến xe khách liên tỉnh tại Tp. Hồ Chí Minh, nhu cầu đi lại của hành khách dịp Tết có sự thay đổi lớn vì ảnh hưởng dịch bệnh kéo dài. Thu nhập của người dân bị ảnh hưởng nhiều từ dịch bệnh nên việc di chuyển về quê đón Tết của người lao động cũng bị ảnh hưởng theo. Hiện nay, quy định quản lý người dân di chuyển có sự khác nhau giữa các địa phương khiến nhiều hành khách ngần ngại không đặt mua vé dù có nhu cầu. Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, nhất là sự xuất hiện biến chủng Omicron nên tâm lý của hành khách còn e ngại, hạn chế di chuyển.
Cùng cảnh ngộ, ngành đường sắt năm nay số lượng các đôi tàu phục vụ dịp Tết Nguyên đán giảm nhiều, nhưng đến nay vé Tết vẫn còn khá nhiều dù đã mở bán từ giữa tháng 11/2021. Những ngày gần đây, nhận thấy nhu cầu đi lại tăng lên, ngành đường sắt đã tổ chức chạy thêm nhiều đôi tàu, chuyến tàu như chặng Sài Gòn – Nha Trang; Sài Gòn - Phan Thiết; Sài Gòn - Quy Nhơn; Sài Gòn - Quảng Ngãi; chặng Sài Gòn – Hà Nội… Tuy nhiên so với mọi năm thì không thể nào so sánh.
Bình luận
TVQuản trị viênQuản trị viên
Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm