Sau hàng chục nghìn chứng chỉ IELTS của các đơn vị cấp phép bị Bộ GDĐT “tuýt còi”, thông tin các trường đại học áp dụng phương thức xét tuyển sử dụng chứng chỉ IELTS được dư luận quan tâm.
Theo ghi nhận, trong số nhiều trường đại học trên cả nước đã thông báo phương án tuyển sinh năm 2024, hầu hết các trường đều áp dụng phương thức xét tuyển chứng chỉ IELTS hoặc các chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế khác với cách thức, tiêu chí xét tuyển riêng.
Trong đó, nhiều trường xét tuyển bằng IELTS kết hợp điểm thi và học bạ, một số trường chỉ sử dụng điểm chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế để quy đổi thành điểm cộng.
Theo đề án tuyển sinh năm 2024 của Học viện Y - Dược học cổ truyền Việt Nam, năm nay trường sử dụng 2 phương thức để tuyển sinh: Xét kết quả thi tốt nghiệp THPT và sử dụng kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT kết hợp với chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế.
Các loại chứng chỉ đạt yêu cầu tối thiểu xét tuyển của Học viện Y - Dược học cổ truyền Việt Nam.
Ở phương thức xét tuyển kết hợp này, thí sinh cần có chứng chỉ ngoại ngữ hợp lệ, có giá trị sử dụng đến ngày 30/7/2024, đạt mức tối thiểu theo quy định. Trong đó, mức điểm tối thiểu với chứng chỉ IELTS là 5.5.
Năm 2024, Trường Đại học Y Dược, Đại học Quốc gia Hà Nội sử dụng 5 phương thức xét tuyển, trong đó có phương thức xét chứng chỉ tiếng Anh quốc tế (6% chỉ tiêu). Với phương thức này, trường yêu cầu IELTS tối thiểu 6.5 với các ngành Y khoa, Dược học, Răng Hàm Mặt và 5.5 với các ngành còn lại.
Năm nay, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội cũng xét tuyển thẳng các thí sinh là học sinh tham gia các đội tuyển học sinh giỏi; học sinh các trường THPT chuyên (hoặc các trường THPT trực thuộc Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Trường Đại học Sư phạm thành phố Hồ Chí Minh), học sinh có các chứng chỉ ngoại ngữ, tin học quốc tế (IELTS hoặc TOEFL iBT hoặc TOEIC; DELF hoặc TCF; HSK và HSKK; chứng chỉ Tin học Quốc tế MOS (thời hạn 2 năm tính đến ngày 19/5/2024).
Thí sinh tìm hiểu thông tin tuyển sinh của trường đại học.
Ngoài ra, nhiều trường đại học khác ưu tiên xét tuyển thí sinh có chứng chỉ IELTS như: Trường Đại học Ngoại thương năm nay xét điểm IELTS từ 6.5 trở lên. Thí sinh có chứng chỉ IELTS 6.5 được quy đổi thành 8,5 điểm môn tiếng Anh khi xét đại học, 7.0 quy đổi thành 9 điểm, 7.5 tương đương 9,5 điểm, 8.0 được 10 điểm.
Trường Đại học Kinh tế Quốc dân cũng cho phép thí sinh dùng điểm chứng chỉ Tiếng Anh quốc tế quy đổi để thay thế cho điểm thi môn tiếng Anh trong tổ hợp xét tuyển. Điểm xét tuyển là tổng điểm hai môn thi tốt nghiệp cùng điểm quy đổi chứng chỉ và điểm ưu tiên (nếu có).
Vài năm trở lại đây, chứng chỉ IELTS ngày càng phổ biến tại Việt Nam, nhất là trong tuyển sinh đại học. Mùa tuyển sinh 2023 đã có hàng trăm trường đại học chọn chứng chỉ này làm căn cứ đánh giá kết hợp với học bạ, điểm thi tốt nghiệp THPT để tuyển sinh.
Mặc dù có nhiều mặt tích cực nhưng mặt khác, chứng chỉ IELTS cũng bộc lộ nhiều hạn chế. Mới đây, thanh tra Bộ GDĐT đã chỉ ra hàng chục nghìn chứng chỉ IELTS do Công ty IDP và Hội đồng Anh tổ chức thi khi chưa được cấp phép.
Dù Bộ GDĐT đã khẳng định quyền lợi của người đã có chứng chỉ sẽ không bị ảnh hưởng nhưng nhiều ý kiến bày tỏ nghi ngại về tính công bằng khi xét tuyển đại học bằng chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế.
Trước xu hướng tuyển sinh đại học ưu tiên chứng chỉ ngoại ngữ, TS Lê Viết Khuyến - Phó Chủ tịch Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam cho rằng, các trường nên tính toán, cân nhắc xem chứng chỉ ngoại ngữ chỉ là một tiêu chí phụ trong tuyển sinh.
Bình luận
TVQuản trị viênQuản trị viên
Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm