Ảnh minh họa.
Chiều ngày 2/3, tại cuộc họp báo thường kỳ về tình hình kinh tế - xã hội của thành phố, bà Lê Hồng Nga - Phó giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) đã thông tin về khả năng đáp ứng của ngành y tế TP khi xuất hiện cúm A(HN51) ở biên giới Việt Nam - Campuchia.
Theo đó, Bà Lê Hồng Nga cho biết, ngay khi có văn bản cảnh báo của Viện Pasteur, Sở Y tế đã có văn bản chỉ đạo cho tất cả các cơ quan, ban ngành chủ động ứng phó. Tại khu vực cửa khẩu, ngành y tế thành phố tăng cường giám sát người đến từ các vùng dịch tại nước ngoài, bộ phận kiểm dịch y tế quốc tế của HCDC tại Sân bay Tân Sơn Nhất và các cảng hàng hải.
Nếu có trường hợp nghi ngờ sẽ thực hiện thăm khám và chẩn đoán. Tại các cửa khẩu này, phối hợp Chi cục thú y vùng VI để kiểm dịch, kiểm soát tình trạng gia cầm nhập khẩu vào Việt Nam.
Ở cửa khẩu nội địa, ngành y tế tăng cường giám sát, phát hiện các trường hợp viêm hô hấp cấp, đặc biệt là người bệnh có tiền sử tiếp xúc với gia cầm, thủy cầm, có các triệu chứng nghi ngờ. Đồng thời, tăng cường giám sát để phát hiện các chùm ca bệnh viêm hô hấp cấp trong cộng đồng.
Khi phát hiện những trường hợp bệnh viêm hô hấp nặng, chùm ca bệnh sẽ báo cáo và phối hợp với bệnh viện Bệnh Nhiệt đới, có chẩn đoán, điều trị kịp thời và báo cáo HCDC để tiến hành điều tra dịch tễ, khoanh vùng xử lý. Ngoài ra, HCDC cũng tăng cường công tác truyền thông đến cộng đồng dân cư, đặc biệt là đối với nhóm người dân có tiếp xúc nhiều với gia cầm.
Với các bệnh viện, Sở Y tế đã chỉ đạo tăng cường giám sát chẩn đoán các trường hợp viêm hô hấp cấp tính nặng, phải hội chẩn với Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới để chẩn đoán ngay, báo cáo HCDC. Đối với các trung tâm y tế quận, huyện và phòng y tế cần phối hợp tham mưu các nhiệm vụ kế hoạch phòng, chống cúm A (H5N1).
Năm 2004, trên toàn địa bàn TP.HCM từng ghi nhận 4 ca bệnh cúm A (H5N1). Tính đến nay, TP.HCM chưa ghi nhận thêm ca bệnh liên quan đến loại cúm này.
Bình luận
TVQuản trị viênQuản trị viên
Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm