1. Trường Y Harvard (Mỹ)
Đứng đầu bảng xếp hạng là trường Y thuộc Đại học Harvard, Mỹ. Đây là cái nôi sản sinh ra các nhà lãnh đạo chiến lược có ảnh hưởng quốc tế trong lĩnh vực y khoa. Chương trình được giảng dạy bởi khoảng 2.900 giảng viên và gần 5.000 người hướng dẫn. Không những thế, học tập tại đây bạn còn được các giáo sư, chuyên gia đầu ngành y khoa đào tạo.
Được biết từ khi thành lập đến nay, trường đã có 9 giải Nobel được trao cho 15 nhà nghiên cứu. Gần đây nhất là giải Nobel trao cho Linda Buck (năm 2004) vì đã phát hiện ra “thi thể mùi và tổ chức của hệ thống khứu giác”.
2. Đại học Oxford (Anh)
ĐH Oxford có truyền thống lâu đời trong đào tạo Y, Dược (từ thế kỷ 13). Hiện tại, Oxford có hai chương trình chính là Cử nhân y khoa và Giải phẫu học. Bên cạnh cơ sở vật chất hiện đại, trường nâng cao chất lượng đào tạo bằng cách mở các lớp học quy mô nhỏ. Một lớp học thậm chí chỉ có giảng viên hướng dẫn hai sinh viên. Chương trình được thiết kế phù hợp trình độ, năng lực và mức độ hứng thú của sinh viên.
Trong lịch sử của mình, trường Y khoa Oxford đã giành được 16 giải Nobel. Một trong những giải Nobel có tác động mạnh đến nền y khoa toàn cầu là giải Nobel vào năm 1945 của Sir Howard Florey W, Sir Ernst Chain và Sir Alexander Fleming cho việc “khám phá ra penicillin và tác dụng chữa bệnh của nó cho các bệnh truyền nhiễm”. Oxford là ngôi trường đào tạo y khoa mang tính ứng dụng là chủ yếu, những chuyên gia, giáo sư đều quy tụ tại đây để đào tạo ra những nhân tài trong lĩnh vực này
3. Đại học Y khoa Stanford (Mỹ)
Viện Đại học Leland Stanford Junior, thường được gọi là Viện Đại học Stanford hay chỉ Stanford, là viện đại học tư thục thuộc khu vực thống kê Stanford, California (Hoa Kỳ). Stanford được biết đến với sức mạnh học tập, sự giàu có, gần gũi với Thung lũng Silicon và được xếp hạng là một trong những trường đại học hàng đầu thế giới. Tuy nhiên ít ai biết, ngành Y của trường cũng được đánh giá cao.
Bên cạnh đội ngũ giảng viên giàu kinh nghiệm, trường còn đầu tư cơ sở vật chất hiện đại, tạo điều kiện để sinh viên thực hành, rèn luyện tay nghề. Trường đào tạo đầy đủ các ngành nhóm Y, Dược gồm: Y khoa, Vi sinh và miễn dịch học, Thần kinh học, Phẫu thuật thần kinh, Sản phụ khoa, Sinh học phân tử và tế bào, Nhãn khoa, Phẫu thuật chỉnh hình, Tai - Mũi -Họng, Nhi, Tâm thần học và Khoa học hành vi… Đã có 8 người giành giải thưởng Nobel trong 6 thập kỷ qua.
4. Đại học Cambridge (Anh)
Được thành lập vào năm 1209, và được Vua Henry III ban đặt quyền hoàng gia năm 1231. Cambridge là viện đại học lâu đời thứ hai trong thế giới nói tiếng Anh, chỉ sau Viện Đại học Oxford, và là viện đại học lâu đời thứ tư trên thế giới hiện đang hoạt động. Là một trong những Đại học tiên phong trong lĩnh vực nghiên cứu y khoa mang tính ứng dụng cao.
Bên cạnh đó trường Đại học Cambridge danh giá với điều kiện vào trường khắt khe, cung cấp 2 khóa là Khóa Tiêu chuẩn và Khóa Sau đại học. Các kỳ học tại trường chỉ kéo dài 8 tuần, ngắn hơn nhiều so với hầu hết các trường đại học và có khối lượng công việc gấp đôi so với các bằng cấp y khoa khác. Sĩ số lớp của Cambridge thường rất nhỏ, giao động khoảng 20 sinh viên. Ở các lớp tài năng của Cambridge chỉ có 3-4 sinh viên, thậm chí là học 1-1 với giảng viên.
5. Viện Công nghệ Massachusetts MIT (Mỹ)
Mặc dù không có trường y khoa riêng, MIT điều hành chương trình MD-PhD chung phổ biến với Trường Y Harvard (HMS), và cũng cung cấp chương trình Harvard - MIT về Khoa học và Công nghệ Y tế (HST), kết hợp cùng với các bệnh viện trong khu vực Boston, tích hợp khoa học, y học và kỹ thuật để giải quyết các vấn đề về sức khỏe con người. Các ngành liên quan đến Y, Dược của trường gồm Công nghệ Sinh học, Công nghệ Hóa học, Khoa học và Kỹ thuật y tế, Sinh học.
6. Trường Y khoa Yale - Đại học Yale (Mỹ)
Được thành lập từ năm 1813, trường Y khoa Yale là trường Y lâu đời thứ 6 tại Mỹ. Yale cũng là một trong các trường đi đầu trong nghiên cứu Y khoa ứng dụng. Các nhà nghiên cứu tại đại học Yale cũng là những nhà tiên phong trong việc sử dụng hóa trị liệu để điều trị ung thư và những người đầu tiên xác định ra bệnh Lyme. Cơ sở giảng dạy chính của trường là Bệnh viện Yale – New Haven. Ngoài ra, Yale còn sở hữu thư viện Y học Harvey Cushing/John Hay Whitney, một trong những thư viện y học hiện đại lớn nhất thế giới.
7. Trường Y khoa Pritzker - Đại học Chicago (Mỹ)
Trường Y khoa Pritzker khai giảng khóa đầu tiên vào năm 1927. Trường cung cấp chương trình giảng dạy sáng tạo và sử dụng mô phỏng y khoa tiên tiến, cấp bằng Tiến sĩ Y khoa toàn thời gian, các chương trình liên kết, giáo dục y khoa sau đại học và giáo dục y tế liên tục. Tỷ lệ chấp nhận của trường Y chỉ là 1,46%, rất khó để vào.
8. Vagelos College of Physicians and Surgeons VP&S - Đại học Columbia (Mỹ)
Đại học Columbia được thành lập năm 1754, Columbia là cơ sở giáo dục đại học lâu đời nhất tại tiểu bang New York. Columbia hàng năm điều hành giải thưởng văn học Mỹ, giải Pulitzer. Columbia có nhiều trường thành viên đào tạo ngành Y, gồm Đại học Nha khoa, Đại học Bác sĩ và Bác sĩ Phẫu thuật Vagelos, ĐH Điều dưỡng, ĐH Y tế Công cộng Mailman. Những trường này hợp lại thành Trung tâm Y học Irving Đại học Columbia. Trong đó, Đại học Bác sĩ và Bác sĩ Phẫu thuật Vagelos có gần 2.100 giảng viên, liên kết với bệnh viện New York-Presbyterian, một trong những bệnh viện tốt nhất ở Mỹ.
9. Khoa Y Dược - Cao đẳng Hoàng gia London
Là 1 phần nổi tiếng tại Cao đẳng Hoàng Gia London, chương trình học của khoa kéo dài trong 6 năm với 2 năm đầu học các kiến thức căn bản và chính thức thực tập tại bệnh viện từ năm 3.
Khoa tự hào khi có 14 người đoạt giải Nobel trong số các cựu sinh viên của trường, bao gồm cả Alexander Fleming, người đã phát hiện ra penicillin, cũng như ba người đạt Huy chương Fields. Sinh viên có cơ hội tích lũy kinh nghiệm nghiên cứu của riêng mình thông qua Chương trình Cơ hội Nghiên cứu Đại học (UROP) danh giá.
10. Đại học Johns Hopkins (Mỹ)
Đại học Johns Hopkins là trường đại học nghiên cứu đầu tiên được thành lập ở Hoa Kỳ (1876), và Trường Y được thành lập năm 1893. Trường có các cựu sinh viên nổi tiếng bao gồm người phụ nữ tiên phong trong khoa học y khoa Florence R. Sabin; Denton Cooley - bác sĩ phẫu thuật đã thực hiện ca cấy ghép đầu tiên của một trái tim nhân tạo toàn phần) và Walter Dandy - được coi là một trong những người cha sáng lập của phẫu thuật thần kinh.
Từ khi thành lập đến nay, trường đã giành được tổng cộng 19 giải Nobel về y học. Cạnh khu giảng dạy là bệnh viện Johns Hopkins, sinh viên có cơ hội được học tập, thực hành tay nghề tại các bệnh viện trực thuộc và trung tâm y tế khác.
Bình luận
TVQuản trị viênQuản trị viên
Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm