Những ngày qua, mạng xã hội xôn xao trước hình ảnh 2 con voi ở Công viên Thủ Lệ bị xiềng xích, hằn lên những vết thương ăn vào thịt. Nhiều dân mạng sau khi xem những hình ảnh được chụp lại đã không khỏi xót xa và băn khoăn về lý do 2 cá thể voi tại đây phải sống trong cảnh xiềng xích.
Hình ảnh chân voi bị sợi xích thít chặt. Ảnh: MXH.
Theo ghi nhận của báo Phụ nữ Việt Nam, 2 cá thể voi bị cố định ở chân bằng sợi dây xích dài chừng 3-5 m và chỉ được di chuyển ở một khu vực nhất định. Những sợi xích thít chặt ăn sâu vào phần da thịt của voi. Chia sẻ trên báo Phụ nữ Việt Nam, chị Kiều Anh (Hà Nội) cho biết: "Việc xiềng xích hằn lên những vết thương sâu như vậy đã quá tàn nhẫn đối với những con voi ở đây. Thương quá, mình thấy voi cứ đứng một chỗ nhún trước nhún sau vì không thể đi lại được. Ở đây không khác gì rạp xiếc, nơi hàng ngày những động vật mua vui cho con người rồi tối lại vào chuồng cũi".
Bạn Nguyễn Ánh Ngọc cũng cho biết vô cùng xót xa trước hình ảnh 2 chú voi bị xiềng xích, vết hằn lằn lên thịt da: "Tôi rất thích đi sở thú, khi còn nhỏ lúc nào cũng đòi bố mẹ dẫn đi bằng được. Nhớ lại hồi đó, voi cũng bị xích nhưng không bị xích ngắn như bây giờ, vòng xích cũng nới rộng hơn. Nhưng những lần gần đây tôi đến thăm, voi bị xích bằng dây xích ngắn, nặng nề ở cổ chân, thực sự nhìn vào mắt con voi rất tội".
Trước vấn đề trên, ông Lê Sĩ Dũng - Tổng Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Vườn thú Hà Nội - cho biết: "Theo các thông tin phản ánh, chúng tôi đã nắm được tình hình. Ngay sau đó, chúng tôi đã nới lỏng xích và di chuyển cố định sang phía chân khác của voi.
Việc xiềng xích như vậy không ai muốn, tuy nhiên vấn đề đảm bảo an toàn cho động vật, an toàn cho con người chúng tôi đặt lên hàng đầu. Thực tế, 2 con voi là voi Thái được vườn thú tiếp nhận từ Quân khu 9, còn Banang được người dân Đắk Lắk tặng sau đó 4 năm, bản tính rất hung dữ. Khi nuôi nhốt cùng nhau, đã rất nhiều lần chúng đánh nhau. Với trọng lượng và sức tấn công lớn, nên khi xung đột giữa 2 con voi, không ai có thể can thiệp được.
2 cá thể voi ở Vườn thú hiện tại không cùng đàn, cùng nguồn gốc, lại thể hiện tính cách hung dữ nên chúng tôi phải xích lại để chúng không đánh nhau. Sợi xích không cố định và rất dài, tuy nhiên cũng có giới hạn để tránh việc xung đột giữa 2 chú voi.
Sau khi nhận được những phản ánh, phía đơn vị quản lý cũng đã ngồi họp bàn chuyên môn, đưa ra những phương án xử lý phù hợp để vừa hợp mỹ quan, vừa để voi được thoải mái cũng như đảm bảo an toàn cho động vật và con người".
2 con voi hiện đã được nới lỏng và di chuyển sợi xích sang phần chân khác. Ảnh: Báo Phụ nữ Việt Nam.
Trao đổi với báo Dân trí, đại diện phòng kỹ thuật vườn thú Hà Nội cho biết, hai cá thể voi hiện tại được Vườn thú Hà Nội tiếp nhận vào tháng 7/2010 (tên gọi là Thái) và tháng 4/2014 (tên gọi Banang).
"Voi Thái được vườn thú tiếp nhận từ Quân khu 9 còn Banang là chúng tôi được người dân Đăk Lăk tặng sau đó 4 năm. Hai cá thể voi này Vườn thú Hà Nội tiếp nhận với mục đích nuôi dưỡng, bảo tồn động vật hoang dã", đại diện phòng kỹ thuật thông tin.
Việc hai chú voi bị giới hạn phạm vi di chuyển, hoạt động với những dây xích được buộc ở chân, lý do, theo cán bộ kỹ thuật này, khi được đưa về đây, 2 cá thể động vật này có tính cách rất hung dữ. Do đó, có thời điểm, quản tượng phải xích mỗi cá thể ở một khu vực khác nhau để tránh xảy ra xung đột.
"Voi Thái trước khi vườn thú tiếp nhận đã từng bị xích chân do cậu chàng có tính cách hung dữ. Hai cá thể voi ở Vườn thú hiện tại không cùng đàn, cùng nguồn gốc, lại thể hiện tính cách hung dữ nên có thời điểm chúng tôi phải xích lại để chúng không đánh nhau. Việc xích giữ voi cũng để đảm bảo an toàn cho quản tượng và nhân viên trực tiếp chăm sóc", vị cán bộ kỹ thuật của vườn thú nói.
Chia sẻ trên báo Dân trí, anh Phạm Ngọc Anh, tổ trưởng tổ chăn nuôi voi - hà mã cũng giải thích, đặc tính của loài voi, không phải cá thể nào cũng dễ thuần phục và nhiều lần chứng kiến voi đang bình thường bỗng nhiên bột phát những hành động hung dữ.
"Dù đã nhiều năm trực tiếp chăm sóc những "cậu chàng" này, chúng tôi cũng không thể dám chắc voi không "đánh" mình. Mỗi khi cho voi ăn hay dọn vệ sinh, anh em đều bảo nhau phải hết sức cảnh giác vì chỉ cần nghe tiếng động lạ, tiếng còi xe hú ngoài đường bầy voi cũng có thể giật mình, phản ứng bột phát", anh Ngọc Anh cho biết.
Bình luận
TVQuản trị viênQuản trị viên
Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm