Trước thông tin một số khách hàng đang nhầm lẫn tên Sacombank với một ngân hàng khác, diễm cho biết: Tôi xin khẳng định Sacombank tên đầy đủ là Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín, mã chứng khoán là STB. Vì vậy, khách hàng nên thật cân nhắc, kiểm tra kỹ thông tin để tránh việc quyết định rút tiền tiết kiệm trước hạn chỉ vì nhầm lẫn tên ngân hàng. Nhiều người không có đủ thông tin hoặc bị nhầm lẫn giữa Sacombank và Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB), dù chúng tôi không có liên quan gì đến nhau và đây là hai ngân hàng hoàn toàn khác nhau.
Tổng giám đốc Sacombank Nguyễn Đức Thạch Diễm
Theo bà Diễm, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước đã khẳng định Ngân hàng Nhà nước đã và sẽ tiếp tục có những biện pháp cụ thể quyết liệt để đảm bảo an toàn hoạt động chung; đồng thời có những biện pháp theo quy định của pháp luật để đảm bảo quyền lợi của người gửi tiền tại ngân hàng.
"Riêng về phía Ngân hàng Sacombank, chúng tôi đang hoạt động rất tốt.", bà Diễm khẳng định.
Pháp luật bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền tại ngân hàng. Ngân hàng Nhà nước cũng đã khẳng định thực hiện các giải pháp bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền tại các tổ chức tín dụng. Do đó, đây là cơ sở pháp lý quan trọng để người dân yên tâm khi gửi tiền tại ngân hàng để hưởng lãi suất như một kênh đầu tư an toàn nhất, ít rủi ro nhất so với các kênh đầu tư khác.
Phó thống đốc thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cũng khuyến cáo người dân có tiền gửi tại ngân hàng cần thận trọng trước khi quyết định rút tiền gửi, nhất là những khoản tiền gửi rút trước hạn vì khi đó sẽ làm ảnh hưởng đến quyền lợi của mình đáng ra được hưởng về lãi suất có thời hạn.
Đặc biệt, trong bối cảnh lãi suất huy động đang tăng lên, thì có thể nói gửi tiết kiệm đang là một kênh đầu tư hấp dẫn so với các kênh đầu tư khác.
Thông tin thêm về hoạt động ngân hàng, bà Diễm cho hay nợ xấu của Sacombank là 96.000 tỉ đồng và sau 5 năm đã xử lý được trên 76.000 tỉ đồng. Đó là sự nỗ lực rất lớn của ban điều hành cũng như sự chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước, cũng như là Chính phủ.
Trong số các ngân hàng thực hiện tái cơ cấu trong khoảng 10 năm trở lại đây, có thể khẳng định Sacombank là một điểm sáng bởi thực trạng đầy thử thách khi bắt đầu và những nỗ lực vượt bậc đã đem lại kết quả tốt đẹp. Ngay ở năm đầu thực hiện tái cơ cấu, Sacombank đã có lợi nhuận dương. Nhà nước lại không phải bỏ ra một đồng nào.
Sacombank cũng không ngừng kiện toàn bộ máy, nâng tầm quản trị điều hành phù hợp với xu thế và linh động theo thực tế của mình, nhất là sự thay đổi tư duy trong kinh doanh theo xu hướng thị trường đã giúp Sacombank hoạt động hiệu quả, có sự tăng trưởng bền vững.
Qua từng năm sau, Sacombank đã vực dậy, vươn lên mạnh mẽ với tốc độ "thần kỳ". Cụ thể, đề án cho phép Sacombank tái cơ cấu trong 10 năm nhưng chỉ sau 5 năm, khoảng cách đến vạch đích đã không còn xa nữa.
Tính đến hết quý III/2022, Sacombank tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng ổn định với tổng tài sản của Sacombank đạt gần 564.200 tỉ đồng, tăng 8,3% so với đầu năm; tổng huy động đạt 502.535 tỉ đồng, tăng 8,2% so với đầu năm; dư nợ tín dụng đạt hơn 421.000 tỉ đồng, tăng 8,4% so với đầu năm. Tỉ lệ nợ xấu 0,86%. Lợi nhuận trước thuế đạt 4.440 tỉ đồng, hoàn thành 84,1% kế hoạch, trong đó tỉ trọng thu ngoài lãi là 39,4%.
Bình luận
TVQuản trị viênQuản trị viên
Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm