Biểu tượng của mạng xã hội TikTok. Ảnh: THX/TTXVN
TikTok đang đặt cược vào các thị trường như Indonesia để tăng giá trị tổng hàng hóa được bán ra thông qua cửa hàng trực tuyến TikTok Shop.
Theo Bloomberg News đưa tin ngày 7/6, trong năm 2022, TikTok đã thu về 4,4 tỷ USD doanh thu hàng hóa thông qua nền tảng trực tuyến của mình. Nền tảng thương mại điện tử của TikTok (TikTok shop), cho phép khách hàng mua hàng thông qua các liên kết trên ứng dụng trong khi phát sóng trực tiếp.
Tạp chí Financial Times cho biết, TikTok được cho là đã hợp tác với TalkShopLive có trụ sở tại Los Angeles vào năm ngoái để ra mắt nền tảng mua sắm trực tiếp ở Bắc Mỹ và sẽ thuê các công ty thứ ba để vận hành hoạt động.
Như vậy, TikTok cũng đang rất nỗ lực để mở rộng doanh số bán hàng tại Mỹ và châu Âu. Tuy nhiên, mục tiêu phát triển của hoạt động thương mại điện tử của TikTok vẫn đang bị kìm hãm. Do công ty này phải đối mặt sự giám sát từ chính phủ và cơ quan quản lý nước ngoài vì lo ngại Trung Quốc có thể sử dụng ứng dụng để thu thập dữ liệu người dùng.
Bên cạnh đó, trên thế giới, TikTok cũng vấp phải làn sóng tẩy chay từ các cơ quan quản lý vì vấn đề an ninh. Giữa tháng 3, Anh trở thành nước tiếp theo cấm ứng dụng TikTok trên các thiết bị làm việc của chính phủ, sau Mỹ, Canada, Bỉ và Ủy ban châu Âu.
Thông tin trên báo VnExpress cho biết, theo báo cáo minh bạch của TikTok, 1,7 triệu video tại Việt Nam đã bị nền tảng này xóa vì vi phạm chính sách trong quý IV/2022, trong đó 94,9% là chủ động xóa. TikTok nhận được yêu cầu xử lý 292 video từ Chính phủ Việt Nam trong nửa đầu 2022, trong đó xóa 197 video và chiếm 67,5% số yêu cầu.
Bình luận
TVQuản trị viênQuản trị viên
Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm